"Phải chăng Vladimir Putin đã quá 'tham công tiếc việc'"?
Đó là câu hỏi "tu từ" mở đầu bài viết của tác giả Bershidsky. Ông nhận định, do lựa chọn tham gia vào quá nhiều mặt trận, nước Nga của Putin hiện nay đang phải cùng lúc đối đầu với khủng hoảng tại nhiều điểm nóng cả trong và ngoài nước.
Cuối tuần qua, một nhóm dân tộc chủ nghĩa người Ukraine đã cho nổ mìn phá hủy 2 trạm điện cao thế, qua đó cắt đứt nguồn cung cấp điện cho Crimea.
Tại St. Petersburg, quê hương của Tổng thống Nga, 600 xe tải hạng nặng ùn ùn kéo đến tòa thị chính thành phố để phản đối việc áp đặt phí cầu đường.
Và 2 ngày trước, tại biên giới không phận Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, một chiếc Su-24 của Nga đã bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, khiến một phi công thiệt mạng. Đây cũng là lần đầu tiên một lính Nga phải bỏ mạng kể từ khi Nga phát động chiến dịch tại Syria hồi cuối tháng 9.
Đến nay, chưa có vấn đề nào trong số này được giải quyết triệt để.
Tại Crimea, người dân đã phải sống trong bóng tối được gần 3 ngày, và Thống đốc Sergei Aksyonov đã kêu gọi tất cả hãy "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", tức viễn cảnh không có điện cho tới cuối tháng 12.
Ở St. Petersburg, cảnh sát đã bất lực không thể chặn đứng đoàn xe tải hạng nặng, và các quan chức địa phương đã phải "xuống nước" đồng ý họp mặt với phía lái xe.
Nhìn sang Trung Đông, phản ứng của Nga trước vụ Su-24 bị bắn rơi vẫn chỉ dừng lại ở những phát ngôn. Ông Putin đã gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là một "cú đâm sau lưng của những kẻ hậu thuẫn khủng bố".
Khi Nga thừa nhận vụ máy bay nước này gặp nạn ở Ai Cập có bàn tay của khủng bố, Tổng thống Nga đã tuyên bố sẽ "tìm và tiêu diệt" những kẻ đã gây ra tội ác này. Nhưng giọng điệu của ông mới đây với "kẻ hậu thuẫn khủng bố" Thổ Nhĩ Kỳ lại "nhẹ nhàng" hơn nhiều.
"Sự việc hôm nay sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng với quan hệ Nga-Thổ. Nước Nga sẽ không bao giờ để yên cho những tội ác như những gì Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra ngày hôm nay" - ông nói.
Nghe xong lời của Putin, các quan chức Nga cũng ngầm hiểu với nhau rằng Moscow không hề tính đến việc sẽ phản ứng mạnh trước vụ Su-24. Điều này đã dẫn tới những phát ngôn theo kiểu "dọa lấy được" như của Chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov mới đây:
"Ankara rõ ràng chưa tính toán được hậu quả của những hành vi thù địch do họ gây ra đối với lợi ích quốc gia và kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ" - ông nói.
Chỉ kinh tế thôi sao?
Các nhóm dân tộc chủ nghĩa ở Nga rõ ràng không thể hài lòng với lựa chọn phản ứng đánh vào kinh tế đơn thuần .
"Quan tâm đến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ làm quái gì? Câu hỏi đáng ra phải là chúng ta cần làm gì với eo biển Bosphore chứ?" - ông Bershidsky trích lời một người Nga viết.
Nếu chỉ đáp trả về kinh tế, Nga nhiều khả năng sẽ cấm đường bay Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tạm ngưng các dự án đầu tư chung giữa hai nước.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cũng đã kêu gọi người Nga không tới Thổ Nhĩ Kỳ, một điểm đến du lịch ưa thích của người dân nước này, bên cạnh Ai Cập, nơi cũng đã bị cấm hoàn toàn sau vụ khủng bố trên bán đảo Sinai.
Nhưng điều trớ trêu là những lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chính kinh tế Nga. Hai nước đã cam kết sẽ nâng mức hợp tác thương mại từ 25 tỉ USD năm nay lên 100 tỉ USD vào năm 2020.
Năm ngoái, Nga chính là đối tác số một trong các mặt hàng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó nổi bật là lĩnh vực năng lượng.
Tầm quan trọng của quốc gia Trung Đông này đối với kinh tế Nga còn tăng thêm đáng kể sau khi Moscow áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga.
Do đó, nếu quan hệ Nga-Thổ đóng băng, cả hai nước đều sẽ bất lợi. Dấu hiệu đầu tiên là việc thị trường chứng khoán ở cả hai nước đều đã sụt giảm sau khi Su-24 bị bắn hạ.
Nga đang bị "dồn vào chân tường"?
Theo ông Bershidsky, Tổng thống Nga đã nhận ra dường như Moscow đang tham gia vào quá nhiều mặt trận cùng lúc, và đang phải gánh chịu những "tác dụng phụ".
Ông Putin không thể cứ thế đem quân tới nam Ukraine để mang điện trở lại cho Crimea, vì như vậy chắc chắn sẽ tạo làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn cầu, và đập tan mọi hi vọng thành lập liên minh chống khủng bố với phương Tây tại khu vực Trung Đông.
Ông Putin cũng không thể chấp nhận những rủi ro về việc căng thẳng leo thang với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO hoàn toàn có khả năng cắt đứt đường viện trợ từ Nga tới Syria qua Địa Trung Hải.
Chuyên gia Bershidsky nhận định, Nga không thể cùng lúc kiểm soát căng thẳng với nhiều nước láng giềng quan trọng như vậy, nhất là khi làn sóng phản đối trong nước kêu gọi đẩy mạnh thực hiện những biện pháp cứng rắn đang ngày một gia tăng.