Putin và Obama đã “đi đêm” về vấn đề Syria như thế nào?

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Đề xuất đặt các kho vũ khí hóa học ở Syria dưới sự giám sát của quốc tế không phải là ý tưởng bột phát, nó đã được thảo luận từ cách đây hơn một năm.

Cuộc tiếp xúc giữa hai ông chủ

 	Tổng thống Nga Vladimir Putin bước ngang qua Tổng thống Obama trong Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg, Nga ngày 6/9/2013.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bước ngang qua Tổng thống Obama trong Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg, Nga ngày 6/9/2013.

Một quan chức cấp cấp cao giấu tên chính quyền Washington vừa tiết lộ trên tờ USA Today về diễn biến hậu trường giữa Mỹ và Nga xung quanh kế hoạch bảo đảm an toàn kho vũ khí hóa học của Syria.

Theo đó, ý tưởng đặt các kho vũ khí hóa học ở Syria dưới sự giám sát của quốc tế đã xuất hiện từ cách đây hơn một năm khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thảo luận về vấn đề này bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Los Cabos, Mexico.

Trong các cuộc hội đàm này, ông Obama phàn nàn việc Nga bán vũ khí cho Syria đã khiến cho các cuộc xung đột đẫm máu kéo dài. Trong khi đó, Tổng thống Putin lại cho rằng hoạt động mua bán này chỉ là một phần trong mối quan hệ lâu đời giữa Nga và Syria. Dù không đạt được thỏa thuận nào, nhưng hai nhà lãnh đạo dường như cũng đã tìm thấy một số điểm chung về sự cần thiết phải bảo đảm an toàn kho vũ khí của Syria.

“Tôi đã đề nghị Mỹ và Nga cần hợp tác để đối phó với vấn đề đặc biệt nghiêm trọng này”, ông Obama nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News phát sóng hôm 9/9. “Nó không giải quyết được cơ bản cuộc xung đột ở Syria nhưng nếu chúng ta đạt được giải pháp cho vấn đề vũ khí hóa học thì nó có khả năng đặt nền móng cho các cuộc thảo luận sâu hơn về một giải pháp chính trị ở Syria”.

Sự vào cuộc của các nhà ngoại giao

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavarov lần đầu tiên thảo luận về ý tưởng trên trong chuyến thăm của ông Kerry tới Moscow vào tháng 4/2013 và một lần nữa vào tháng sau đó, trong một bữa tối tại Bộ Ngoại giao Nga đêm trước Ngày chiến thắng – lễ kỷ niệm ngày phát xít Đức đầu hàng Liên Xô.

“Vào thời điểm đó, ý tưởng mang tính nguyện vọng nhiều hơn và cũng ít cấp thiết vì áp lực phải hợp tác với quốc tế đặt lên chế độ Assad chưa lớn”, vị quan chức giấu tên cho biết.

 	Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Sergei Lavrov trong cuộc gặp tại Moscow ngày 7/5/2013.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Sergei Lavrov trong cuộc gặp tại Moscow ngày 7/5/2013.

Hai nhà ngoại giao, cùng với hai Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Sergei Shoigu lại tiếp tục thảo luận về triển vọng này khi các nhà lãnh đạo Nga đến thăm Washington ngày 9/8.

Sau ngày 21/8, khi chính phủ Syria bị cáo buộc tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus và Tổng thống Obama quyết định kêu gọi Quốc hội hậu thuẫn một cuộc tấn công quân sự hạn chế thì các cuộc trao đổi qua lại giữa ông Kerry và ông Lavrov gia tăng đột xuất. Hai bên đã trao đổi với nhau 9 lần kể từ ngày 21/8.

Lối thoát được hé mở

Tại Hội nghị G- 20 ở St Petersburg (Nga), không có kế hoạch hội đàm chính thức nào giữa Putin và Obama nhưng hai nhà lãnh đạo đã trò chuyện không chính thức vào thời điểm cuối phiên họp toàn thể đầu tiên. Họ đã đi tới góc phòng và nói về Syria trong khoảng 20 - 30 phút.

Hai bên nhắc lại quan điểm rằng, một giải pháp chính trị là kết thúc hợp lý duy nhất cho cuộc nội chiến Syria nhưng vẫn còn mâu thuẫn về vai trò của ông Assad trong tiến trình này.

Tuy nhiên, cả hai đã đồng ý cần phải làm một điều gì đó về vũ khí hóa học, và ông Putin một lần nữa đề cập đến ý tưởng về việc tìm kiếm một hướng đi dẫn tới thỏa thuận quốc tế loại bỏ vũ khí hóa học ở Syria. Ông Obama đã đồng ý rằng đây là hướng đi đáng cân nhắc và cả hai nhà lãnh đạo nhất trí để ông Kerry và ông Lavrov tiếp tục xúc tiến.

Hôm 9/9, tại cuộc họp báo ở London, Ngoại trưởng Kerry cho biết, một cuộc đối đầu quân sự có thể tránh được nếu Syria từ bỏ vũ khí hóa học. Lúc đó, phát biểu này dường như được đưa ra rất ngẫu nhiên và các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức gọi đây là một tuyên bố “quá lời”.

Nhưng đến cuối ngày 9/9, ông Kerry đã nói chuyện điện thoại với ông Lavrov và thông báo rằng Mỹ không vồn vã tiếp nhận một đề nghị như vậy nhưng sẵn sàng xem xét nghiêm túc nếu nó đáng tin cậy.

Ngay sau cuộc điện thoại, ông Lavrov tuyên bố Nga sẵn sàng đóng một vai trò trong việc đảm bảo an toàn kho vũ khí hóa học của Syria. Đề xuất này nhanh chóng được các quan chức chính phủ Syria và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chấp nhận.

Một ngày sau đó, Tổng thống Obama phát biểu với các nhà lập pháp rằng ông muốn đề xuất của Nga có một cơ hội thành công và đang xem xét hoãn lại cuộc tấn công. Cũng vào cuối ngày, ông Obama đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron để thảo luận về việc liệu đề nghị của Nga có khả thi hay không.

Trong khi đó, Tổng thống Putin nói với các phóng viên rằng ông sẽ chỉ đồng ý giao vũ khí hóa học của Syria nếu Tổng thống Obama từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Damascus.

Khó mà khiến Syria hoặc bất kỳ nước nào khác trên thế giới, đơn phương giải trừ vũ khí nếu vẫn còn hành động quân sự đang được xem xét chống lại họ”, Tổng thống Putin tuyên bố.

Các cuộc đàm phán về Syria sẽ còn tiếp tục khi hai nhà ngoại trưởng Kerry và Lavrov gặp nhau ngày hôm nay tại Geneva, Thụy Sỹ.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục, vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại