Cặp vợ chồng già hiểu nhau tường tận
Sau một trong những cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2002, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói đùa với các phụ tá của mình rằng bà đã vượt qua "bài kiểm tra của KGB" bằng cách nhìn thẳng vào mắt ông Putin chứ không hề né tránh.
Các phụ tá của Thủ tướng Đức nhận xét rằng khi bà Merkel và ông Putin làm việc với nhau, đó sẽ là cuộc đụng độ của hai thế giới quan hoàn toàn đối lập. Mặc dù vậy, cả 2 nhà lãnh đạo, chỉ hơn kém nhau hai tuổi, đều nói được ngôn ngữ của nhau - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bà Merkel rất hâm mộ các tác giả Nga Tolstoy và Dostoyevsky, và đã từng đến Moscow từ thời niên thiếu để học tiếng Nga. Trong khi đó, môn học yêu thích của ông Putin thời còn cắp sách đến trường chính là tiếng Đức. Ông đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ này suốt nửa thập kỉ làm sĩ quan tình báo KGB ở Dresden, sau đó còn gửi con gái đến trường học Đức ở Moscow.
Trong chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel đến Nga trên cương vị Thủ tướng Đức, hai nhà lãnh đạo đã trò chuyện với nhau thông qua các phiên dịch viên, nhưng rồi lại thường xuyên phải sửa lỗi cho phiên dịch. Và theo lời các phụ tá thì những cuộc đối thoại giữa họ vẫn diễn ra theo cách như vậy cho tới nay.
Viết trong cuốn tiểu sử năm 2013 của bà Merkel, tác giả Stefan Kornelius đã ví hai nhà lãnh đạo như một cặp vợ chồng già quá am hiểu mọi mánh khóe của nhau và có thể đoán trước được đối phương sẽ nói tiếp theo.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel.
Đối đầu và đồng lòng
Năm 2006, một năm sau khi đánh bại đồng minh thân cận của Nga Gerhard Schroeder để trở thành Thủ tướng, bà Merkel đã có chuyện thăm nhà lãnh đạo Putin tại dinh thự Black Sea ở Crimea. Lần đó, ông Putin đã làm người đồng cấp Đức nóng mặt khi để cho chú chó Koni - thuộc giống Labrador, vừa to vừa đen - nhảy bổ vào phòng, phớt lờ lời cảnh báo trước đó từ bộ phận lễ tân rằng bà Merkel rất sợ chó.
Mới đây hơn, hồi tháng 6 năm ngoái, tại một cuộc triển lãm ở Bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Đức bị Liên Xô thu giữ vào cuối Thế chiến thứ Hai, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc đối đầu căng thẳng. Nguyên nhân là bởi ông Putin từ chối yêu cầu từ bà Merkel về việc trao trả các tác phẩm này lại cho nước Đức.
Tuy nhiên, vào nhiều thời điểm quan trọng, bà Merkel đã đứng về phía ông Putin như một cách khẳng định sự tín nhiệm của mình dành cho Moscow.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest năm 2008, bà Merkel đã nhất quyết không chịu khuất phục trước áp lực từ Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo khác nhằm đưa Ukraine và Gruzia vào lộ trình trở thành thành viên trong liên minh quân sự phương Tây. Bởi nữ Thủ tướng Đức biết rằng hành động này sẽ chọc giận ông Putin.
Bà Merkel cũng ủng hộ phía Nga khi bỏ phiếu phủ quyết tại Liên Hợp Quốc vào năm 2011, phản đối hành động can thiệp vào Libya. Chưa hết, nữ Thủ tướng cũng đã làm ông Putin vui lòng bằng những lời chỉ trích sắc sảo nhằm vào Mỹ sau việc Washington lén điện thoại di động của bà bị phát giác.
Ông Alexander Rahr, người đứng đầu diễn đàn Đức - Nga tại Berlin nhận định về mối quan hệ này rằng: "Họ đã làm việc cùng nhau hơn một thập kỷ. Mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng ông Putin hiểu và tôn trọng bà Merkel nhiều hơn các nhà lãnh đạo khác”.
Song, khác với các nhà lãnh đạo Mỹ - người từng tuyên bố nhìn thấu tâm can ông Putin (George W. Bush) hay hứa hẹn "tái khởi động" quan hệ với Nga (Barack Obama), nữ Thủ tướng Đức chưa bao giờ nuôi ảo tưởng về cựu nhân viên tình báo Liên Xô, cũng như không hy vọng có thể làm thay đổi người đàn ông 61 tuổi này.
Suy nghĩ thực tế này được đúc kết bằng những trải nghiệm của bà Merkel ở một thị trấn đồn trú của Liên Xô ở Đông Đức, rồi tiếp tục củng cố qua 14 năm đầy sóng gió trong mối quan hệ với ông Putin. Nó giúp nữ Thủ tướng Đức giành được sự tôn trọng của điện Kremlin nhưng cũng trao luôn vào tay bà trọng trách trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine – một nhiệm vụ đầy rẫy những rủi ro.
Trọng trách người hòa giải của Merkel ở Ukraine
Thủ tướng Đức đã công khai chỉ trích hành động của Nga tại Crimea trong một phiên họp Quốc hội.
Kể từ sau khi Tổng thống Ukraine có đường lối thân Nga, Viktor Yanukovych, bị lật đổ hồi tháng Hai và Putin đáp trả “mạnh tay” ở Crimea, hai nhà lãnh đạo đã điện đàm với nhau khoảng 5-6 lần.
Theo các nguồn tin Đức, những cuộc nói chuyện này không hề “dễ thở “ cho cả 2 bên. Ông Putin nói rất nhiều, thậm chí là ngừng nghỉ. Những thời điểm xúc cảm và tức giận cao trào, ngôn từ của ông thể hiện sự phẫn nộ, vừa bộc phát vừa đầy toan tính, để lấn át bà Merkel. Trong khi đó, với tính cách thận trọng, bà Merkel kiên nhẫn chờ đợi đúng thời điểm mới nói lên suy nghĩ của mình.
Theo lời một quan chức cấp cao Đức thì các cuộc điện đàm "luôn mệt mỏi, luôn dữ dội và căng thẳng như một cuộc chiến".
Bản thân bà Merkel thừa nhận rằng những cuộc đối thoại với Putin như bài kiểm tra lập luận cá nhân đầy thử thách, nơi mà bà không được để lộ bất kỳ điểm yếu nào. Trong lần nói chuyện riêng với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, bà Merkel đã chia sẻ rằng nhà lãnh đạo Nga dường như đang "sống trong một thế giới khác", hoàn toàn xa rời thực tế.
Mặc dù vậy, trước công chúng, vào những tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng Ukraine, bà Merkel đã giữ ý mà không chỉ trích Putin quá mạnh mẽ, bởi bà lo ngại nó sẽ phản tác dụng và chỉ khiến cho nhà lãnh đạo Nga mạnh tay hơn nữa.
Nhưng tất cả đã thay đổi vào đầu tháng 3, khi văn phòng Thủ tướng Đức phát đi một tuyên bố cứng rắn bất thường. Theo đó, trong một cuộc điện đàm, bà Merkel đã cáo buộc ông Putin vi phạm luật pháp quốc tế khi "can thiệp không thể chấp nhận được" vào Crimea .
Ngày 6/3, tại Brussels, bà Merkel cũng khẳng định rằng EU sẽ noi gương Mỹ, áp đặt cấm thị thực và đóng băng tài sản đối với một số quan chức Nga nếu ông Putin không nhanh chóng giải quyết vấn đề Ukraine thông qua đàm phán.
Theo Reuters, giọng điệu mới của bà Merkel là một lời nhắc nhở về sự khác biệt trong thế giới quan của một mối quan hệ vốn thuần túy dựa trên lợi ích chiến lược hơn là tình bạn.
Tờ này cũng dẫn lời một nguồn tin an ninh cấp cao của Nga rằng: "Điều quan trọng đối với ông Putin là bà Merkel nghĩ gì, Trung Quốc nghĩ gì và các nước CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) nghĩ gì”. Điều đó có nghĩa những giải pháp mang tính tượng trưng của Tổng thống Obama chẳng mảy may tác động gì đến ông Putin.
Tuy nhiên, ngay cả những thân tín của nữ Thủ tướng Đức cũng không dám tin bà có đủ khả năng làm suy chuyển ông Putin.
Ông Stefan Meister, thành viên Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, cho rằng: "Người ta đã thổi phồng cơ hội của bà Merkel trong việc gây ảnh hưởng tới ông Putin. Hai người đã thiết lập mối quan hệ, có sự tin tưởng nhất định và ông Putin chịu lắng nghe bà Merkel, nhưng việc gây ảnh hưởng thì cũng chỉ có giới hạn thôi. Ông Putin có mục tiêu chiến lược rất rõ ràng ở Crimea và sẽ không nghe lời thuyết phục của người Đức."