Tờ New York Times (Mỹ) mới đây đã đăng tải bài phân tích về cách mà 3 đời Tổng thống Mỹ: Bill Clinton, George Bush và Barack Obama đối diện với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong thời gian họ đương chức.
Theo bài phân tích này, cả 3 tổng thống Mỹ dường như đều đã từng cố gắng coi Tổng thống Nga Putin ở đời thực giống với những gì mà họ tự suy luận để rồi sau đó, hết lần này tới lần khác, trở thành kẻ yếu thế trước những suy nghĩ và hành động mạnh mẽ của Putin.
Dưới đây là bài phân tích của New York Times:
Phần 1: Động thái của Putin ở Crimea đập tan mọi ảo tưởng suốt 3 đời TT Mỹ
Phần 2: "Mỹ đã ném quan hệ với Nga vào toilet từ cuối năm 2008"
"...Stephen J. Hadley, cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Bush, nhớ lại: "Chúng tôi muốn phát đi thông điệp rằng như vậy là không thể chấp nhận được về mặt chiến lược. Bây giờ, khi nhìn lại, lẽ ra chúng tôi phải mạnh tay hơn nữa, ví dụ như trừng phạt về kinh tế".
Obama 'né' Putin, làm thân với Medvedev
Ông Bush đã không đưa ra những hành động trừng phạt quyết liệt nhất có thể, nhưng người kế nhiệm ông thì chẳng ngại đưa ra những quyết định gây tranh cãi. Nhậm chức chỉ vài tháng sau đó, ông Obama đã quyết định kết thúc thời kỳ cô lập Nga vì Gruzia, thay vào đó là ủng hộ việc tái xây dựng mối quan hệ. Khác với những người tiền nhiệm của mình, ông Obama cố gắng thiết lập một mối quan hệ không phải dựa trên cơ sở kết bạn mà là tránh va chạm với ông Putin.
Tỏ ra tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp Nga về việc không được đảm nhiệm quá hai nhiệm kỳ Tổng thống liên tiếp, ông Putin rời chiếc ghế Tổng thống để đưa phụ tá của mình, Dmitry A. Medvedev, thế chỗ, còn bản thân thì tiếp quản vị trí Thủ tướng. Vì vậy, ông Obama đã quyết định đối xử với ông Medvedev như thể chính ông này mới thực sự là nhà lãnh đạo.
Một bức điện ngoại giao mà WikiLeaks có được sau đó đã tiết lộ chiến lược này bằng việc tổng kết những nét tương đồng với một số điểm ưu tiên trong chính sách của người Pháp: "Nuôi dưỡng quan hệ với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev với hy vọng ông ta có thể trở thành nhà lãnh đạo không lệ thuộc vào Vladimir Putin."
Ông Medvedev trong một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ Obama
Trước chuyến công du đầu tiên tới Moscow, ông Obama đã công khai chê bai ông Putin là "còn mắc kẹt một chân trong lối làm việc kiểu cũ", đồng thời cũng tâng bốc ông Medvedev như một nhà lãnh đạo của thế hệ mới. Cuộc họp khai mạc giữa ông Obama và ông Putin vài ngày sau đó là màn lên án quen thuộc của ông Putin về tất cả những cách mà Mỹ đã ngược đãi Moscow.
Trong số những người hoài nghi về chiến lược của ông Obama có ông Gates, người vẫn giữ được ghế Bộ trưởng Quốc phòng, và bà Hillary Rodham Clinton, tân Bộ trưởng Ngoại giao. Cũng giống như ông Gates, bà Clinton luôn dành cho ông Putin sự nghi ngại khó tả. Những lúc kín đáo, bà còn bắt chước một cách mỉa mai dáng đứng có chất đàn ông, chân giang rộng của ông Putin trong cuộc họp của họ. Nhưng ngay cả khi không thật sự tin lắm vào khả năng thành công thì cả bà Clinton và ông Gates đều nhất trí rằng chính sách của ông Obama vẫn đáng để thử và bà đã mạo hiểm đề xuất với người đồng cấp Nga kế hoạch "tái khởi động", đến giờ vẫn được nhắc tới nhiều vì những sai sót trong bản dịch tiếng Nga.
Putin mất phương hướng hay nghĩ khác biệt?
Đã có giai đoạn, canh bạc mà ông Obama đặt vào ông Medvedev dường như mang lại hiệu quả. Họ đã làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân dân sự từ thời Tổng thống Bush, ký một hiệp ước vũ khí hạt nhân, ký tiếp một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ bay qua không phận Nga trên đường tới Afghanistan và cùng bắt tay trừng phạt Iran. Nhưng ông Putin không hề bị lãng quên. Đến năm 2012, khi quay trở lại ghế Tổng thống, đưa ông Medvedev về làm “vai phụ”, ông Putin đã không hề giấu giếm quan điểm chẳng đời nào ông để cho vị Tổng thống Mỹ qua mặt.
Ông Putin không chỉ phớt lờ mọi nỗ lực của ông Obama trong việc khởi động các cuộc đàm phán mới về vũ khí hạt nhân, mà còn cấp cơ chế tị nạn cho Edward J. Snowden, kẻ tiết lộ bí mật an ninh quốc gia. Ông Obama đã hủy một chuyến thăm Moscow để thể hiện ra mặt rằng ông không còn muốn có bất cứ mối quan hệ cá nhân nào với ông Putin nữa. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng người đồng cấp Nga trông lừ đừ chẳng khác nào "đứa trẻ ngồi ủ rũ ở cuối lớp".
Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Putin
Cuối cùng, theo một số chuyên gia Nga, ông Obama không thể thấy được cách mà ông Putin nhìn cuộc cách mạng của những người thân phương Tây ở Ukraine nhằm lật đổ một đồng minh của Moscow hồi tháng trước. "Khi không còn mối quan hệ hòa hợp một cách nghiêm túc hoặc tin tưởng lẫn nhau giữa ông Obama và ông Putin, thì những cuộc điện đàm cấp cao cũng chẳng thể nào giải quyết được những vấn đề trên thực tế", ông Andrew Weiss, nguyên cố vấn về nước Nga của ông Clinton, nhận định. "Thay vào đó, có vẻ như chúng ta chủ yếu chỉ làm bộ và trò chuyện qua lại với nhau là chính."
Khi cố gắng tìm cách kết thúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Obama đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo khác, những người vẫn duy trì mối quan hệ với ông Putin, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel đã “nói nhỏ" với ông Obama rằng sau khi trao đổi với ông Putin, bà đã nghĩ nhà lãnh đạo Nga dường như "đang sống trong một thế giới khác." Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau đó cũng công khai tuyên bố bài phát biểu của ông Putin về bán đảo Crimea "chẳng hề ăn nhập gì với thực tế".
Điều này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận ở Washington: Có hay không việc ông Putin đã thay đổi sau 15 năm và trở nên mất phương hướng dưới góc độ nào đó, hay chỉ đơn giản là ông ấy nhìn thế giới theo một cách hoàn toàn khác so với phương Tây, khác đến mức quá khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, tìm thấy tiếng nói chung?.
"Ông ấy không ảo tưởng, nhưng lại sống ở một nước Nga trong quá khứ - một phiên bản quá khứ mà ông ấy tự tạo ra", Fiona Hill, quan chức tình báo cấp cao Mỹ chuyên trách các vấn đề về Nga dưới chính quyền Tổng thống Bush, đồng thời cũng là đồng tác giả cuốn sách "Mr. Putin: Operative in the Kremlin" (tạm dịch: Ông Putin: đặc vụ trong điện Kremlin). “Thời hiện tại của ông ấy lại được xác định dựa vào phiên bản quá khứ đó, còn thời tương lai thì chưa có một hướng nào cụ thể. Ông ấy có thể đi xa đến đâu ngoài việc tái khẳng định và giành lại ảnh hưởng đối với các vùng lãnh thổ và đối với dân chúng? Rồi sau đó thì sao?".
Đó là câu hỏi mà vị Tổng thống này, và có thể cả người kế nhiệm nữa, sẽ đặt ra trong thời gian sắp tới.
"Không phải là tôi không có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Putin. Những cuộc chuyện trò của chúng tôi cởi mở, thẳng thắn và đôi khi mang tính xây dựng. Tôi biết rằng truyền thông thích chú ý tới ngôn ngữ cơ thể và ông ấy thì có cái kiểu lừ đừ, trông như một đứa trẻ ngồi ủ rũ trong góc lớp" - Tổng thống Obama trả lời trong cuộc họp báo tháng 8/2013.