Trong một bài phân tích mới đây, biên tập viên Timothy Heritage của Reuters nhận định, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Nhật Bản hay EU áp đặt lên Nga có ảnh hưởng xấu tới Putin. Trên thực tế, tỉ lệ ủng hộ ông Putin tại Nga đã đạt cao nhất kể từ năm 2010 - 82%, theo một cuộc thăm dò dư luận hôm 30/4.
Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách ngoại giao Carnegie chi nhánh Moscow, ông Dmitry Trenin cho rằng: "Các lệnh trừng phạt có tác động tới Putin nhưng không phải theo cách mà nó được định trước. Phương Tây muốn ngăn cản ông ấy, muốn khiến ông ấy lùi bước, muốn chia rẽ ông ấy khỏi thân tín của mình, khiến các "đầu sỏ chính trị" chống lại ông ấy, làm người Nga mất lòng tin vào ông ấy. Theo quan điểm của tôi, nó đã không thành công. Các biện pháp trừng phạt có thể khiến Nga còn hơn là một đối thủ của Mỹ - nghèo hơn, ít kết nối với thế giới hơn và khó đoán hơn".
Phương Tây cáo buộc các lực lượng Nga đã hoạt động bí mật ở miền đông Ukraine, tuy nhiên, về phần mình, Putin đã phủ nhận việc có ý định gửi quân đội tới Ukraine. Trước đó, ông đã được cho phép triển khai quân vào Ukraine nếu người nói tiếng Nga hoặc người Nga tại nước này bị đe doạ.
Bài báo nhận định, nếu quân đội Ukraine thực sự sử dụng vũ lực và khiến nhiều người thiệt mạng, thì Putin sẽ phải đối mặt với áp lực khốc liệt từ dư luận về việc phải đáp trả bằng quân sự. Thêm vào đó, một rủi ro nữa là các biện pháp trừng phạt này có thể đẩy nền kinh tế Nga lún sâu vào suy thoái, khuấy đảo sự giận dữ của công chúng nhằm vào Tổng thống.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích chính trị và nhà xã hội học cho rằng, một khi cảm giác hưng phấn về việc Crimea sáp nhập Nga qua đi, thì sự "khó chịu" sẽ ập tới với các ông trùm giàu có, các nhân vật "đầu sỏ chính trị" khi không thể đi ra nước ngoài hay thăm con cái đang học tại phương Tây.
Tác giả Heritage cho biết, một số nhà quan sát cho rằng Putin đã nhận thức được điều này và bắt đầu hạ giọng trong những luận điệu chống phương Tây - phần nhiều không phải bởi các lệnh trừng phạt, mà bởi ông đã thấy được sự nguy hiểm ở phía trước.
Bài phân tích dẫn lời chuyên gia Boris Makarenko từ Trung tâm công nghệ chính trị đánh giá: "Rất nhiều trong số những việc ông ấy làm là bởi chương trình nghị sự trong nước và bởi khán giả của mình, song những bình luận của ông ấy rõ ràng là đã bớt cực đoan hơn so với các bình luận trên truyền hình Nga".
"Ở thời điểm hiện nay, người Nga không cảm nhận được tác động của lệnh trừng phạt, nhưng Putin biết mình không thể cho phép tình hình kinh tế và chính trị xấu đi".
Một số nhà ngoại giao phương Tây cũng nói rằng họ đã nhận ra những dấu hiệu cho thấy Putin đang ngày càng cẩn trọng và không muốn mạo hiểm dấn thân vào một cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
Một nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ: "Đã có những thời điểm rất căng thẳng trong 2 tháng qua. Đã có những lúc chúng tôi lo sợ điều xấu nhất xảy ra, khi chúng tôi nghĩ rằng, thế là xong, chúng ta sẽ tham gia cuộc chiến. Nhưng giờ đây thì dường như điều tồi tệ nhất đã qua".
Tuy nhiên, Putin vẫn là một bí ẩn với hầu hết mọi người và những toan tính của ông rất khó đoán. Điều đó có nghĩa là quan hệ giữa Đông - Tây ít nhất sẽ vẫn rất căng thẳng cho tới khi Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine.
Nhà ngoại giao này chia sẻ: "Chúng tôi biết, và chúng tôi cũng được những người rất thân cận với ông ấy nói rằng - ông ấy có thể hứa một việc trước khi đi ngủ để rồi sáng hôm sau thức dậy và làm một việc trái ngược".
Xem thêm: Video Putin kí sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga