Obama chỉ đe dọa kiểu ngoại giao
Lời cảnh báo của ông Obama với Nga về “bất ổn sâu sắc” ở Ukraine được đưa ra tối muộn ngày 28/2 và chủ yếu dựa trên thông tin về các động thái quân sự ở Crimea – phần nhiều trong số đó đến từ Thủ tướng tạm quyền Ukraine, người nhiều lần yêu cầu Nga phải rút quân.
Ngay sáng hôm sau, Nhà Trắng nhận được tin nóng hổi: ông Putin đã đề xuất và được Quốc hội cho phép "triển khai lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine trong khi chờ đợi tình hình chính trị - xã hội Ukraine bình thường trở lại”. Thượng viện Nga cũng đề nghị triệu hồi Đại sứ tại Mỹ như hành động đáp trả phát ngôn của Tổng thống Mỹ. Trong nhiều giờ đồng hồ tiếp theo, chính quyền ông Obama vẫn giữ im lặng, cố nghĩ xem phải làm gì kế tiếp.
Vài ngày sau đó, ông Obama có lẽ cũng chẳng thế nói gì hay làm gì nhiều hơn so với trước. Những cụm từ kiểu như "quan ngại sâu sắc", "can thiệp sâu", "vi phạm trắng trợn" hay lời đe dọa phải "trả giá" của Tổng thống Mỹ chỉ đơn thuần là ngôn từ mà cả thế giới vẫn dùng trong ngoại giao. Bước đi đáng chú ý nhất là việc ông Obama hủy bỏ kế hoạch tới Sochi dự Hội nghị thượng đỉnh G -8 vốn dự định tổ chức vào tháng 6/2014.
Những động thái có phần dè dặt của Tổng thống Mỹ đã khiến ông phải chịu nhiều lời chỉ trích, ngay cả của các quan chức trong chính phủ mình. Thượng nghị sĩ John McCain, người phản đối gần như mọi chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama, đặc biệt là những nước cờ sai lầm trong quan hệ với ông Putin, đã lớn tiếng: "Mỗi thời điểm mà Mỹ và các đồng minh không có phản ứng gì sẽ báo hiệu cho Tổng thống Putin rằng ông ta có thể tham vọng và hiếu chiến hơn nữa trong động thái can thiệp quân sự vào Ukraine... Chúng ta có một loạt những lựa chọn nghiêm túc ngay tại thời điểm này mà không cần sử dụng đến vũ lực. Tôi kêu gọi Tổng thống Obama tập hợp các đồng minh châu Âu và NATO để cho nước Nga thấy họ sẽ phải trả giá thế nào cho hành vi hiếu chiến của mình. Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa, phải buộc họ hứng chịu những hệ lụy đó".
Theo các chuyên gia về Nga, việc các chính trị gia Mỹ chỉ trích Tổng thống Obama chưa bao giờ đủ cứng rắn đối với Putin có thể càng chọc tức Nga.
Trong khi đó, ông Putin và những người ủng hộ ông dường như không hề lo lắng. Tất cả họ vẫn còn nhớ lần Tổng thống George W. Bush dọa dẫm nước Nga về hậu quả của hành động can thiệp quân sự vào Gruzia năm 2008. Hẳn là ông Putin cũng đoán định được ông Obama sẽ chẳng dám hành động gì, giống như người tiền nhiệm Bush.
Obama tránh 'động thủ' chờ Putin nghĩ kĩ
Mỹ đã tỏ ra khá kiềm chế và gần như không có bất cứ một tín hiệu nào, dù là nhỏ nhất, về động thái quân sự, nếu không muốn nói là Tổng thống Mỹ chủ động né tránh nếu có thể. Như lời ông Steve Pifer, một trong những Đại sứ Mỹ tại Ukraine dưới thời Tổng thống Bill Clinton, thì giải pháp duy nhất cho Mỹ là trả đũa kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn nữa.
Về phần mình, theo phát ngôn viên của ông Putin, vài ngày sau khi đề xuất triển khai lực lượng vũ trang ở Ukraine của ông Putin được Quốc hội thông qua, Tổng thống Nga vẫn chưa đưa ra được quyết định về việc liệu có nên điều động quân đội vào Ukraine hay không, hoặc làm gì tiếp theo với vị đại sứ vừa mới được triệu hồi.
Tới ngày 28/3, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cho biết, Tổng thống Nga đã đảm bảo với ông rằng Nga sẽ không đưa quân tiến sâu hơn vào Ukraine hay thực hiện bất cứ hành động quân sự nào ở biên giới.
Tại một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Ngoại trưởng Nga Seigei Lavrov cũng tái khẳng định Nga “không hề có ý định - hoặc quan tâm tới - việc vượt qua biên giới Ukraine”.
Trong khi đó, quan hệ giữa Nga, Ukraine, Mỹ cùng nhiều đồng minh khác của Mỹ đang vô cùng căng thẳng sau khi Nga và Crimea đang từng thực hiện từng bước trong quá trình sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Moscow.
Xét về các động thái liên quan tới căng thẳng ở Ukraine, ông Pifer nhận định rằng: "Không ai có suy nghĩ nghiêm túc về việc chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh vì Crimea".
Đương nhiên, ông Putin có những lý lẽ cá nhân, lý lẽ địa chính trị để khẳng định vị thế cường quốc lớn trên thế giới của Nga và đối mặt với một tổng thống Mỹ không có ý định ngăn cản hay phản đối điều đó. Chừng nào nhà lãnh đạo Nga – người đàn ông 61 tuổi và đã khéo léo vận dụng hiến pháp của đất nước để nắm quyền suốt 14 năm - chưa muốn dừng lại thì mọi việc khó có thể thay đổi.
Trong tình hình đó, nhiều quốc gia trong khu vực tỏ ra đầy lo âu: Quân đội Ukraine luôn được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania - những quốc gia chung đường biên giới với Ukraine - thì tìm kiếm sự đảm bảo từ ông Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu.
Theo đánh giá của ông Gene Rumer, cựu quan chức tình báo quốc gia Mỹ, vẫn chưa có mối đe dọa nào về một cuộc đối đầu quân sự trực diện giữa Nga và Mỹ, song ông vẫn nhắc rằng, trong tình hình cực kỳ căng thẳng, nước Mỹ không được phép quên những cam kết “một người vì mọi người, mọi người vì một người” trong hiệp ước NATO đối với bốn nước láng giềng của Ukraine.