Theo AFP, hôm nay lực lượng Iraq đã đánh thẳng vào trung tâm thành phố thủ phủ tỉnh Anbar, tiến tới khu dân cư Hoz nơi có tòa nhà chính quyền địa phương và hiện chỉ còn cách địa điểm này khoảng 800 m.
Rất nhiều tay súng IS vẫn đang cố thủ tại đây dù đã không còn đường thoát.
Ban đầu lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Iraq (CTS) đặt mục tiêu giải phóng nhanh Ramadi, thành phố bị IS chiếm từ tháng 5.
Tuy nhiên phiến quân IS đánh bom phá hủy mọi cây cầu ở Ramadi và đặt rất nhiều cạm bẫy chết người cùng bom mìn trên các con đường, trong hàng loạt tòa nhà.
Các tay súng bắn tỉa của IS và những kẻ đánh bom tự sát cũng cản trở bước tiến của quân đội Iraq ở Ramadi. “Binh sĩ của chúng tôi đang bị cản trở bởi bọn khủng bố đặt bẫy ở khắp mọi nơi” - chỉ huy chiến dịch đặc biệt của quân đội Iraq Sami al-Aridhi thừa nhận.
Ngoài ra, phiến quân IS còn biến thường dân trở thành lá chắn sống trong các cuộc đọ súng với binh sĩ Iraq.
Đến nay quân đội Iraq đã giải cứu được 250 gia đình thường dân từ Ramadi, nhưng vẫn còn hàng chục gia đình khác bị mắc kẹt trong vùng chiến sự và bị phiến quân IS ép làm lá chắn sống.
Dù vậy, các cuộc không kích của liên quân do Mỹ lãnh đạo đã phá hủy nhiều tòa nhà bị gài bẫy và bom mìn xung quanh khu phức hợp chính quyền địa phương ở Ramadi.
Các chỉ huy quân sự Iraq ước tính chiến dịch giải phóng hoàn toàn Ramadi sẽ hoàn tất trong vài ngày nữa bởi phiến quân IS đã thất thế hoàn toàn.
Chỉ trong hôm 25-12, hơn 23 tên phiến quân IS bị quân đội Iraq bắn chết. Khoảng năm ngày trước, có 400 tay súng IS tập trung ở khu vực trung tâm thành phố. Hiện chưa rõ lực lượng này đã giảm xuống còn bao nhiêu.
Ramadi là “chiến lợi phẩm” lớn nhất của IS trong năm 2015. Hồi tháng 5, nhóm khủng bố này triển khai hàng loạt kẻ đánh bom tự sát tấn công và chiếm được thành phố này.
Quân đội Iraq cho biết sau khi giải phóng Ramadi, mục tiêu kế tiếp sẽ là thành phố Mosul, đô thị lớn thứ hai tại Iraq.
Mosul cũng là thành phố đông dân nhất nằm dưới quyền kiểm soát của IS ở Iraq và Syria. Trước chiến tranh, Mosul có khoảng 2 triệu dân.
Các quan chức quân sự Mỹ khẳng định giành lại Mosul đồng nghĩa với việc quân đội Iraq phá hủy hoàn toàn cơ cấu nhà nước của IS ở Iraq.
Mất Mosul, IS cũng sẽ đánh mất nguồn tài chính cực lớn, chủ yếu đến từ buôn bán dầu thô và thuế, phí đánh vào người dân.