Tổng thống Nga Putin.
Tờ nhật báo Izvestia cho biết, giai đoạn từ năm 2000 - khi ông Putin tiếp quản vị trí lãnh đạo từ người tiền nhiệm Boris Yeltsin, đến khi ông giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba năm 2012 - sẽ là một chương riêng biệt trong sách giáo khoa lịch sử hiện đang được soạn thảo.
"Sau một thời gian tham khảo kéo dài, chúng tôi đã quyết định rằng sách giáo khoa cần bổ sung thêm lịch sử Nga cho đến những kỳ bầu cử tổng thống gần đây nhất" - một quan chức Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cho tờ Izvestia biết. "Có rất nhiều nghi ngờ và tranh cãi, nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định không xa rời thực tiễn chung của thế giới trong công việc này" - quan chức này nói.
Theo nguồn trong Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, có lẽ ngay vào tuần tới, bộ chủ quản này sẽ công bố khái niệm xuyên suốt của sách giáo khoa mới, theo đó học sinh sẽ được dạy không chỉ lịch sử tái thiết nước Nga trước năm 2000, mà cả giai đoạn lịch sử gần đây nhất - đến tận năm 2012.
Đầu năm nay, Tổng thống Putin đã yêu cầu các chuyên gia sử học tại Viện Khoa học Xã hội chuẩn bị một bộ sách giáo khoa chuẩn, cung cấp cho học sinh kiến thức về lịch sử đầy đủ và dứt khoát của Nga.
Tháng 2 năm nay, ông Putin kêu gọi giới sử gia soạn thảo một bộ lịch sử thống nhất, không có "những mâu thuẫn nội bộ và mơ hồ", bởi ông cho rằng bộ sách giáo khoa sử hiện tại có quá nhiều quan điểm trái ngược.
Việc đưa vào sách lịch sử những năm cầm quyền của ông Putin đã khiến một số nhà biên soạn sách lúng túng - tờ Izvestia viết. Hiện chưa có thông tin chi tiết về việc khắc họa quá trình nắm quyền lãnh đạo của ông Putin như thế nào, hoặc dung lượng cần thiết để viết về những hồi gây tranh cãi, chẳng hạn như việc bỏ tù nhà tài phiệt Mikhail Khordokovsky hoặc cách xử lý cuộc chiến ở Chechnya.
Tờ Izvestia - cơ quan phát ngôn của Điện Kremlin - nói rằng bản thân ông Putin không đồng tình với kế hoạch đưa ông vào sách lịch sử, coi đó là quá sớm để đánh giá những thành tựu của ông. Thư ký báo chí của Tổng thống - ông Dmitry Peskov - bác bỏ thông tin ông Putin tham gia vào dự án viết sách. "Ông Putin không can thiệp vào công việc thực tế của các học giả và giáo viên. Hãy để các chuyên gia quyết định xem cuốn sách sẽ như thế nào và liệu có cần thiết phải đưa vào sách quá trình cầm quyền của đương kim tổng thống hay không".
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Điện Kremlin nhằm soạn thảo lịch sử. Năm 2007, tranh cãi đã nổ ra sau khi ông Putin thông qua bản hướng dẫn cho các giáo viên sử, trong đó nói rằng chế độ độc tài của Stalin là cần thiết và quảng bá khái niệm nền dân chủ có định hướng.