Ông Abe muốn đưa Nhật Bản trở thành đối trọng của Trung Quốc

Theo các nhà quan sát, ông Abe đã vạch ra một tầm nhìn cho Tokyo mà theo đó Nhật Bản sẽ trở thành đối trọng của Trung Quốc.

Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) diễn ra cuối tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ ý định của Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh của khu vực, đồng thời cam kết ủng hộ các nước Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou) vào Biển Đông.

Theo các nhà quan sát, ông Abe đã vạch ra một tầm nhìn cho Tokyo mà theo đó Nhật Bản sẽ trở thành đối trọng của Trung Quốc.

Ông cũng đề cập nhiều tới sự cần thiết phải tuân thủ luật biển quốc tế. Mặc dù ông Abe không trực tiếp nêu tên nước nào nhưng có những ý kiến cho rằng bài phát biểu của ông Abe nhằm vào Trung Quốc khi ông nhắc đi nhắc lại rằng Tokyo đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.

Koichi Nakano, Giáo sư chính trị học tại Đại học Sophia ở Tokyo, cho rằng ông Abe sẽ “sử dụng liên minh Nhật-Mỹ làm nền tảng".

Vị Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc này đã bắt đầu định hình lại những nguyên tắc can dự của quân đội Nhật Bản - lực lượng vốn hùng mạnh song ít được sử dụng - trong bối cảnh ông đang thúc đẩy một học thuyết mà ông gọi là "chủ nghĩa hòa bình chủ động".

Ông đã ủng hộ các nước ASEAN bằng tuyên bố sẽ viện trợ tàu tuần tra cho các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc. Ông Abe hy vọng rằng các nước khác trong khu vực sẽ coi sự viện trợ của Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy Tokyo sẵn sàng can dự và là một lựa chọn để chống lại sức mạnh bá quyền của Trung Quốc.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối năm 2012, ông Abe đã tích cực tìm cách thu hút sự ủng hộ của ASEAN, ông đã tới thăm cả 10 nước thành viên ASEAN ít nhất là một lần. Ông Abe chưa tới Trung Quốc hay gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc - quốc gia luôn khăng khăng cho rằng họ làm chủ gần như toàn bộ Biển Đông - muốn giải quyết tranh chấp với từng quốc gia ASEAN riêng rẽ để tránh phải đối mặt với phản ứng của cả khối.

Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 27/5, ông Abe cho rằng "những hoạt động khoan dầu đơn phương" của Bắc Kinh tại vùng biển mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền đã khiến "căng thẳng gia tăng". Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc sử dụng vũ lực hoặc ép buộc để làm thay đổi hiện trạng".

Phần lớn các nước châu Á - trừ Trung Quốc và Triều Tiên - dường như dễ dàng chấp nhận một Nhật Bản ngày càng can dự nhiều hơn, song ông Abe phải vượt qua được sự phản đối ở trong nước đối với các kế hoạch nhằm cho phép các lực lượng vũ trang Nhật Bản giúp đỡ các nước đồng minh khi xảy ra chiến tranh - điều vốn đang bị cấm theo cách giải thích Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Giáo sư Nakano của Đại học Sophia cảnh báo rằng ông Abe cần tỉnh táo để tránh hành động quá mạnh mẽ và khiến các quốc gia ASEAN cảm thấy rằng họ đang bị buộc phải lựa chọn giữa Tokyo và Bắc Kinh./.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại