Olympic Sochi 2014: Thế vận hội nhuốm màu chính trị?

Olympic Sochi 2014 là một trong những thế vận hội được mong đợi nhất gần đây bởi ngoài tính thể thao ra, Sochi 2014 thực sự là một “sân chơi chính trị” đầy màu sắc.

Thông thường, các thế vận hội mùa đông được tổ chức sẽ có quy mô và sự đầu tư nhỏ hơn nhiều so với các thế vận hội mùa hè. Tuy vậy, Olympic Sochi 2014 đã nhận được một khoản đầu tư kỷ lục gây sốc trên toàn thế giới – 51 tỷ USD. Đây là con số quá lớn đối với một quốc gia có kinh tế tầm trung như Nga trong giai đoạn suy thoái hiện nay. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngần ngại chi số tiền này bởi ngoài các giá trị thông thường mà các quốc gia mong đợi ở một đại hội thể thao như du lịch, kinh tế thì Olympic Sochi 2014 thực sự là một ván bài của nước Nga nhằm khẳng định lại danh tiếng cường quốc của mình đối với thế giới.

Olympic Sochi 2014 không hề là một sự kiện thể thao đơn thuần, và việc tổ chức nó cũng không dễ dàng đối với các nhà lãnh đạo Nga. Trước khi chính thức diễn ra, Olympic Sochi 2014 đã gặp không ít khó khăn bởi các vấn đề chính trị bên lề.

Khủng bố, nhân quyền và đồng giới

Người phụ nữ bị tình nghi sẽ đánh bom Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 đã bị truy nã trên toàn nước Nga trước khi lễ khai mạc diễn ra.

Hai tháng trước khi chính thức diễn ra Olympic Sochi 2014, nước Nga đã bị rung chuyển bởi 3 cuộc khủng bố táo bạo ở thành phố Volgograd, cách Sochi khoảng 600km. Các vụ khủng bố đều được khẳng định là muốn ngăn chặn Thế vận hội mùa đông 2014 được diễn ra.

Ngày 29/12/2013, đã có 18 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương sau một vụ đánh bom tự sát của tổ chức “Góa phụ đen” tại một nhà ga xe lửa ở thành phố Volgograd (Nga). Chỉ một ngày sau đó, một vụ đánh bom tự sát trên một chiếc xe điện ở thành phố này được bọn khủng bố thực hiện khiến 10 người tử vong và hơn 15 người bị thương.

Trước đó, cũng tại chính thành phố này, ngày 21/10/2013, một vụ đánh bom khác đã xảy ra và thủ phạm cũng là một người phụ nữ được cho là có liên hệ với nhóm chiến binh Hồi giáo để phản đối sự can thiệp của quân đội Nga vào khu vực Bắc Caucasus. Vụ đánh bom nhắm vào một chiếc xe buýt đông người và khiến 6 người thiệt mạng.

Thành phố Sochi nằm ở khu vực khá nhạy cảm: khá gần các quốc gia ở Caucasus thuộc Nga, nơi mà các chiến binh Hồi giáo cực đoan hay hoạt động. Thêm nữa, việc Dokka Umarov, trùm thủ lĩnh phiến quân, luôn kêu gọi khủng bố Thế vận hội, đã khiến Tổng thống Putin phải ban bố thiết quân luật ở Sochi để đảm bảo an toàn và cử khoảng 30.000 cảnh sát tới đây để thắt chặt an ninh cho kỳ đại hội thể thao lớn nhất trong năm.

Biểu tình đòi hủy bỏ tài trợ và bãi bỏ luật cấm đồng giới tại Thế vận hội Sochi 2014 ở Nga.

Cũng nhân tiện Thế vận hội mùa đông 2014, các tổ chức phi chính phủ ở Nga đã tăng cường hoạt động chống lại các chính sách của chính phủ, đặc biệt là vấn đề nhân quyền và đồng giới. Trước khi chính thức khai mạc Olympic Sochi 2014, Nga đã hủy một luật chống biểu tình, nhằm tuyên truyền về quyền tự do của người dân trước các vấn đề của đất nước. Các tổ chức phi chính phủ đã từng tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu Nga phải bãi bỏ các luật chống đồng giới ngay bên lề Sochi 2014.

Vào ngày 5/2, những người biểu tình chống luật đồng giới của Nga đã diễn ra trên 19 thành phố khắp toàn cầu. Năm ngoái, Nga từng đưa ra luật cấm tuyên truyền cho hoạt động tình dục “phi truyền thống”, bị xem là nhằm tấn công người đồng tính. Luật cũng cấm việc cung cấp thông tin đồng tính cho người dưới 18 tuổi. Giới chỉ trích nói việc diễn giải luật tùy tiện khiến các cuộc biểu tình vì quyền của người đồng tính không thể diễn ra ở Nga.

Tháng trước, Tổng thống Putin nói người đồng tính được hoan nghênh ở Sochi để dự Olympic nhưng nói: “Hãy để trẻ con được bình yên”.

Vấn đề lãnh thổ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một buổi lễ vinh danh các vận động viên tham dự Olympic Sochi 2014 hôm 20/1/2014.

Ông Dmitry Chernyshenko – người đứng đầu Ủy ban tổ chức Thế vận hội Sochi (IOC) cho biết 65 nhà lãnh đạo quốc gia, chính phủ và các tổ chức quốc tế sẽ tới tham dự buổi lễ khai mạc. "Số quan chức cấp cao tới Thế vận hội Sochi đã đạt con số kỷ lục và lớn gấp 3 lần so với Thế vận hội mùa Đông Vancouver tại Canada năm 2010", ông Chernyshenko tuyên bố. Đặc biệt, trong đó có hai nhân vật đáng chú ý là Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Các nhà lãnh đạo của thế giới như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, Chủ tịch Tập Cận Bình hay Thủ tướng Shinzo Abe đều sẽ có các buổi nhóm họp với Tổng thống Nga Putin bên lề lễ khai mạc Olympic Sochi.

Trước khi có các buổi nhóm họp này, hôm 6/2, tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản cho biết Bắc Kinh đã đề nghị hỗ trợ Matxcơva trong cuộc chiến suốt nhiều thập niên qua liên quan tới chủ quyền lãnh thổ các quần đảo kéo dài tới khu vực phía bắc Nhật Bản và đổi lại, Nga ủng hộ Trung Quốc giành quyền kiểm soát vùng biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, Nga đã từ chối lời đề nghị này. Ông Shinzo Abe và ông Putin sẽ có một buổi nhóm họp để bàn về chủ quyền quần đảo Nam Kurils đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nga mà Nhật Bản tuyên bố là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Hai nước đã xích mích với nhau trong suốt nhiều thập kỷ qua và vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết nào cho vấn đề nói trên.

Trong một bài phát biểu trước khi lên đường sang Nga tham dự Sochi 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thể hiện quyết tâm sẽ cùng ông Putin giải quyết vấn đề này.

Mỹ gắng tìm kiếm vai trò ở Sochi 2014

Với hình ảnh khá mờ nhạt trên chính trường thế giới trong vài năm lại đây, Mỹ đang cố tìm cách gây ảnh hưởng tới các sự kiện quốc tế và không loại trừ Olympic Sochi 2014.

Trong khi Nga khai thác triệt để sức mạnh an ninh trong nước để bảo vệ cho sự thành công của Thế vận hội mùa đông do mình đăng cai, nước Mỹ cũng đã tỏ ra “nhanh nhảu” khi lên tiếng đề nghị giúp đỡ Nga trong công việc này.

Cụ thể, hôm 30/12/2013, Nhà Trằng tuyên bố Mỹ sẵn sàng “hợp tác chặt chẽ hơn” với Nga trong công tác chuẩn bị an ninh cho Sochi 2014. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng xem việc hợp tác này là “cầu nối” giữa chính quyền hai quốc gia trong sự kiện quốc tế đáng chú ý.

“Chính phủ Mỹ đã đề xuất sẽ hợp tác đầy đủ với chính phủ Nga về công tác chuẩn bị an ninh cho Thế vận hội Sochi”, Phát ngôn viên Nhà Trắng Caitlin Hayden phát biểu, “Chúng tôi hoan nghênh cơ hội được hợp tác chặt chẽ hơn (với Nga) trong việc đảm bảo an toàn cho các vận động viên, cổ động viên và những người khác tham gia sự kiện này”.

Ngày 20/1, Mỹ cho biết sẵn sàng điều động các vũ khí không quân và hải quân – bao gồm 2 tàu chiến – để giúp đảm bảo an ninh cho Thế vận hội mùa đông ở Nga do lo ngại sẽ xảy ra các cuộc tấn công vào đúng kỳ khai mạc Thế vận hội Sochi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đề xuất giúp đỡ Nga trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu trước đó.

Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 ở Nga đã chính thức bắt đầu, các môn thi đấu đã được tiến hành. Cái cuối cùng được nhìn nhận rõ rệt nhất là kết quả thi đấu của các vận động viên tham gia. Tuy nhiên, những câu chuyện bên lề cùng với những ý đồ chính trị xung quanh nó sẽ biến Sochi 2014 trở thành một đại hội thể thao có dấu ấn khó phai trong lịch sử Olympic thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại