Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với hãng tin CBS News, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, hành động của Mỹ là sự "hỗ trợ Iraq trong một trận chiến thực sự trên đất của họ, với quân đội của họ... Không phải là Mỹ chống lại IS, Mỹ lãnh đạo cộng đồng quốc tế để hỗ trợ cho một đất nước mà chúng ta có quan hệ đối tác an ninh để chắc chắn rằng họ có thể chăm lo cho công việc của mình".
Theo Tổng thống Obama, bản chất của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là "sự kết hợp giữa mạng lưới khủng bố và tham vọng lãnh thổ, cộng thêm chiến lược và chiến thuật quân đội", và vì vậy, việc Mỹ không kích IS cũng mang lại lợi ích cho Mỹ.
Cũng trong buổi phỏng vấn này, ông Obama đã giải thích lý do vì sao ông không thông qua đề xuất triển khai bộ binh tới tham chiến tại Iraq mà chỉ tiến hành các cuộc không kích trên không: "Khi còn đương chức, Thủ tướng Iraq Maliki chỉ quan tâm nhiều tới việc củng cố nền tảng Shiite của mình mà tỏ ra hoài nghi người Sunni và người Kurd - những người chiếm tới 2/3 tổng số dân. Do đó, điều mà bạn không thể thấy, đó là một chính phủ xây dựng được ý thức đoàn kết dân tộc. Và đó là lý do vì sao mà tôi phải nhắc lại những gì tôi đã nói trước đây: Chúng ta không thể làm thay họ, bởi đó không chỉ là vấn đề về quân sự. Đó là vấn đề về chính trị. Và nếu chỉ đơn giản là đưa quân đội Mỹ quay lại đó thì chúng ta sẽ sai lầm, bởi chúng ta có thể duy trì hòa bình trong một khoảng thời gian".
Theo Tổng thống Obama, vấn đề nằm ở chỗ, "người Iraq phải chiến đấu một cách công tâm. Người Shiite, người Sunni và người Kurd phải cùng nhau chống lại khối ung nhọt này".
Ông Obama cho biết thêm: "Họ (người Iraq) đã tạo ra một một trường mà ở đó, người trẻ tuổi quan tâm tới việc họ là người Shiite hay Sunni, hơn là việc liệu họ có được giáo dục tốt hay không, liệu họ có thể tìm được một công việc tốt hay không. Nhiều người nghèo đói. Nhiều người mù chữ.... Khởi đầu của một giải pháp cho toàn bộ Trung Đông sẽ nằm ở việc các quốc gia thay đổi cách dạy dỗ những người trẻ tuổi. Điều mà các hoạt động quân sự có thể làm được chỉ là kiểm tra và đẩy lùi các mạng lưới (khủng bố) khi chúng xuất hiện và đảm bảo chắc chắn về mặt thời gian và không gian, giúp cho những cách thức mới này bắt đầu được bén rễ".
Trước quan điểm cho rằng, tại Iraq, Mỹ, một lần nữa, lại đóng vai trò lãnh đạo, ông Obama thẳng thắn: "Luôn là vậy. Mỹ dẫn đầu. Chúng ta là một quốc gia không thể thiếu được. Chúng ta có khả năng mà không ai có. Quân đội của chúng ta tốt nhất trong lịch sử thế giới. Và khi bất cứ đâu trên thế giới gặp vấn đề, người ta không gọi Bắc Kinh. Người ta không gọi Moscow. Người ta gọi chúng ta".
Dù vậy, ông Obama tỏ ra không nề hà, ngay cả khi dường như Mỹ đang đảm nhiệm 90% công việc với Iraq: "Đó không phải là vấn đề. Khi có bão ở Philippines, hãy nhìn xem ai là người giúp Philippines đối phó tình hình. Khi động đất ở Haiti, hãy xem ai là người đi đầu trong việc chịu trách nhiệm đảm bảo rằng Haiti có thể phục hồi. Đó là cách mà nước Mỹ vận hành. Đó là điều làm nên nước Mỹ".
Trong khi đó, nói về việc Mỹ không kích IS ở Syria, ông Obama hiểu rằng Washington đang giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiêu diệt một đối thủ, song Mỹ vẫn muốn loại bỏ Assad, vì "chúng ta sẽ không thể ổn định được Syria khi nước này nằm dưới sự kiểm soát của Assad, bởi những khu vực của người Sunni tại Syria cho rằng Assad đã gây ra những tội ác khủng khiếp". Cũng bởi sự mâu thuẫn này, mà Tổng thống Mỹ thẳng thắn thừa nhận, vấn đề ở Syria "còn khó khăn hơn nhiều".