Với chiến thắng vang dội nhờ khá nhiều vào uy tín và ảnh hưởng của người anh trai Thaksin, bà Yingluck Shinwatra chính thức đi vào lịch sử Thái Lan với tư cách là nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước.
Khi đó, giới phân tích đều có chung nhận định, mặc dù con đường leo lên đỉnh cao quyền lực của nữ chính khách xinh đẹp Yingluck khá dễ dàng và suôn sẻ nhưng bà này sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn trên con đường phía trước. Một trong những thách thức lớn nhất là nữ Thủ tướng trẻ tuổi phải làm sao đưa Vương quốc Thái Lan quay trở lại sự ổn định sau 5 năm đất nước chìm trong những cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp từ sau cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin..
Không ít các chuyên gia và giới phân tích lo ngại cũng như hoài nghi khả năng ngồi vững trên chiếc ghế Thủ tướng của nữ chính khách trẻ tuổi và non nớt kinh nghiệm Yingluck trong bối cảnh thường xuyên xảy ra các cuộc đảo chính lật đổ chính quyền ở Thái Lan.
Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính kể cả bất thành và thành công kể từ khi nước này đi theo chế độ quân chủ lập hiến năm 1932. Chỉ duy nhất có một vị Thủ tướng cầm quyền được đủ một nhiệm kỳ là ông Thaksin. Tuy nhiên, cũng chính ông Thaksin lại bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu khi đang nắm quyền nhiệm kỳ hai.
Người ta khó tránh hỏi hoài nghị về khả năng cầm quyền của bà Yingluck bởi bà không chỉ trẻ tuổi mà còn thực sự là một “người mới” trên chính trường. Thiếu kinh nghiệm chính trị lại phải đối mặt với một xã hội phân cực rõ ràng, nữ Thủ tướng Yingluck rõ ràng phải đối diện với một con đường không dễ dàng phía trước.
Tuy nhiên, hơn hai năm trôi qua, bà Yingluck đã dần chứng tỏ mình là một “nữ tướng” bản lĩnh và thực sự có tài dù bà gặp không ít khó khăn, thách thức. Với phong thái tự tin, nụ cười ngọt ngào, nữ Thủ tướng Thái Lan tiến dần từng bước trên chính trường, vượt qua mọi khó khăn và ít nhiều khẳng định được vị thế cũng như chiếm được lòng tin của người dân Thái Lan.
Thành công hơn một loạt những người tiền nhiệm trước đó, bà Yingluck đã giành được nhiều lời ngợi khen vì dẫn dắt đất nước Thái Lan đi qua được giai đoạn hòa bình lâu dài nhất trong những năm gần đây.
Nước cờ nguy hiểm
Mọi việc được cho là sẽ tiếp tục suôn sẻ nếu như Thủ tướng Yingluck không bất ngờ đưa ra một nước cờ “mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ”, đó là lệnh ân xá có liên quan đến cựu Thủ tướng Thaksin – anh trai của bà. Có thể nói, mọi thứ liên quan đến ông Thaksin đến nay vẫn là một trong những điểm nhạy cảm chính trị lớn nhất ở Thái Lan.
Ông Thaksin chính là nguyên nhân chính tạo ra sự phân cực xã hội sâu sắc ở Thái Lan và là nguồn cơn của mọi sự xáo trộn chính trị ở đất nước này trong nhiều năm qua. Cựu Thủ tướng Thaksin được hàng triệu triệu dân nghèo Thái Lan yêu mến vì chính sách “dân túy” của ông nhưng ông lại bị giới hoàng gia, quân đội và tầng lớp trung lưu căm ghét. Những năm qua, người ta chứng khiến không biết bao nhiêu cuộc đối đầu giữa lực lượng ủng hộ ông Thaksin (còn gọi là áo đỏ) và các thành phần chống ông Thaksin (còn gọi là áo vàng). Những cuộc đối đầu đó đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị, dẫn đến sự thay đổi chính quyền liên tiếp và ảnh hưởng tới nền kinh tế Thái Lan cũng như cuộc sống của người dân.
Mặc dù dựa vào danh tiếng và uy tín của ông Thaksin mà Đảng Pheu Thai của bà Yingluck đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử cách đây hơn hai năm nhưng chính vấn đề liên quan đến ông Thaksin đã vài lần đẩy bà đến bờ vực của sự sụp đổ.
Trong nỗ lực lên cầm quyền ở đất nước Thái Lan, bà Yingluck được tin là có một mục tiêu nhằm giúp anh trai của mình trở về nước, không chỉ vì mối quan hệ cá nhân trong gia đình mà còn là đáp ứng nguyện vọng của những người áo đỏ đã bỏ phiếu cho bà. Tuy nhiên, mỗi lần bà có ý định thực hiện kế hoạch này là một lần chính quyền của bà phải lao đao trước sự phản đối của lực lượng “áo vàng”.
Sau hơn 2 năm cầm quyền khá suôn sẻ, Thủ tướng Yingluck có lẽ đã nghĩ rằng, đây là cơ hội thích hợp để bà đưa ra một dự luật ân xá giúp xóa bỏ tội danh cho anh trai Thaksin và đưa ông này trở về nước. Tuy nhiên, nước cờ mạo hiểm đó của bà đến thời điểm này đã được chứng minh là bước đi sai lầm. Nó đã khiến chính quyền của bà Yingluck rơi vào cuộc khủng hoảng suốt mấy tuần liên tiếp vừa rồi. Làn sóng biểu tình chống chính phủ leo thang trên khắp các đường phố ở thủ đô Bangkok. Mới đây nhất, phe đối lập đang kiến trình luận tội và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nữ Thủ tướng xinh đẹp Thái Lan.
Những diễn biến trên chính trường Thái Lan trong mấy ngày qua cho thấy, số phận cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là một điểm vô cùng nhạy cảm mà nếu không xử lý khéo léo thì bà Yingluck có nguy cơ khiến chính phủ của mình bị lật đổ. Một chính phủ thân Thaksin trước đó cũng từng bị gục ngã bởi chính dự luật ân xá liên quan đến ông Thaksin. Có vẻ như, đường về của cựu Thủ tướng Thaksin càng lúc càng khó hơn.
Trong lúc này, người ta đang hồi hộp chờ xem số phần của nữ Thủ tướng Yingluck trong đợt “tấn công” dồn dập của phe đối lập hiện nay. Một số nhà phân tích vẫn tin vào khả năng hồi phục của bà. Năm 2012, bà Yingluck Shinawatra cũng đã từng dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện do các nghị sĩ đối lập khởi xướng với cáo buộc bà không giải quyết được nạn tham nhũng.