1,4 tỉ USD chỉ là con số rất nhỏ
Một số nguồn tin an ninh Nga nhận định rằng núi tiền khổng lồ trị giá lên tới 29 tỉ USD đang bị "bỏ rơi" một cách bí ẩn ở sân bay Sherremetyevo (Moscow) có thể là một phần tài sản của ông Gaddafi tẩu tán ra nước ngoài. Liệu nhà lãnh đạo bị lật đổ của Lybia có thể sở hữu khối tài sản lớn đến như vậy? Theo các tài liệu được báo chí phương Tây công bố thì điều này hoàn toàn có thể.
Theo Los Angeles Times, một số quan chức cấp cao thuộc chính phủ lâm thời Libya năm 2011 ước tính rằng tổng giá trị tài sản của ông Gaddafi lên tới hơn 200 tỉ USD. Nếu con số này là thật, Gaddafi sẽ giàu gấp 3 lần tỉ phú giàu nhất Ấn Độ năm 2011 Carlos Slim.
Ước tính Gaddafi sở hữu khối tài sản lên tới 200 tỉ USD.
Cương vị lãnh đạo Libya - quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dự trữ lớn nhất châu Phi - đã mang về cho Gaddafi số lượng ngoại tệ khổng lồ, vốn được cho là phải thuộc về người dân. Số tiền này đã được Gaddafi cất giữ một cách tinh vi bằng nhiều dạng, từ tiền mặt, cổ phiếu tới bất động sản dưới nhiều cái tên khác nhau, rải khắp nhiều quốc gia.
WikiLeaks từng tiết lộ một công hàm của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ Libya dưới thời Gaddafi có 2% cổ phần tại hãng xe hơi Ý Fiat, 15% cổ phần tại Công ty dầu mỏ Tamoil, 7,5% cổ phần trong Câu lạc bộ bóng đá Juvetus, 3,27% cổ phần tại tờ Thời báo Tài chính uy tín.
Tại Anh, gia đình Gaddadi sở hữu một biệt thự trị giá hơn 16 triệu USD ở bắc London, tòa nhà Portman rộng 13.615 m2 ở Oxford Street, nhiều cửa hàng, văn phòng ở khu West End thuộc thành phố này cùng một biệt thự tiện nghi ở New Georgia.
Gaddafi đã thông qua Ngân hàng nước ngoài Ả Rập, thuộc Ngân hàng trung ương Libya, để mua 7.065 ha đất ở Andaluci (Tây Ban Nha) rồi cho xây một sân golf 18 lỗ cùng khoảng 2.000 ngôi nhà trên diện tích này.
Trong khi đó, ở Mỹ, Gaddafi là chủ của một biệt thự tại Englewood (New Jersey) - khu vực bất động sản đắt đỏ bậc nhất nước này.
Chưa hết, ngoài số lượng tiền mặt, kim cương, vàng trị giá 1,4 tỉ USD nhiều khả năng đang nằm tại Nam Phi - vốn chỉ là một con số nhỏ, Gaddafi được cho là có các tài khoản USD khoảng 19 tỉ ở Anh, 32 tỉ ở Mỹ, 9 tỉ ở Ý, 3,6 tỉ ở Canada, 2,5 tỉ ở Áo và 1 tỉ ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, những tài khoản này hiện đã bị nước sở tại phong tỏa.
Thậm chí, người ta còn đồn đoán rằng, các thành viên gia đình ông này đã mang kha khá tài sản theo cùng khi sang trú ẩn tại quốc gia láng giềng Algeria.
Nhiều người cũng cho rằng một phần đáng kể tài sản vẫn còn nằm trong tay những thành viên còn sống sót của gia đình Gaddafi và ở nước láng giềng Algeria, nơi mà vợ, một số con cái và cháu Gaddafi đang trú ẩn.
Có thể sẽ chẳng bao giờ tìm ra?
Những đồn đoán về “kho báu” của Gaddafi đã khiến dân thường mà ngay cả các nhà lãnh đạo mới của Libya đều ráo riết săn tìm.
Trong khi người dân một mực khẳng định rằng khối tài sản khổng lồ cần phải đưa trở lại Libya bởi nó là tài sản quốc gia thì Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya NTC cũng đang nỗ lực từng bước nhằm tiếp quản khối gia tài này.
Một mặt, chính phủ mới ở Libya theo sát dấu vết của những kẻ săn lùng kho báu, mặt khác, theo Bộ trưởng tài chính Nam Phi Pravin Gordhan, Libya tích cực hợp tác với một ủy ban tìm kiếm của LHQ được thành lập năm 2011 nhằm “lấy lại tài sản của Libya bị đóng băng ở nhiều quốc gia”.
Khối tài sản khổng lồ của Gaddafi đang là mục tiêu theo đuổi của nhiều tổ chức.
Tuy nhiên, việc thu hồi toàn bộ kho báu của Libya không phải là một điều dễ dàng. Chuyên gia về tội phạm rửa tiền tại LHQ và Bộ Ngoại giao Mỹ Victor Comras nhận định: “Tìm ra số tiền đó cần công nghệ tài chính cao cấp và sẽ rất khó khăn”.
Trên thực tế, mặc dù các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu khẳng định sẽ nhanh chóng trao trả số tiền của ông Gaddafi hiện đang bị đóng băng tại các nước này cho chính phủ lâm thời, song tới nay, LHQ mới chỉ cho phép giải tỏa khoảng 1,5 tỉ USD tại Mỹ và cũng mới chỉ có khoảng 700 triệu USD được Mỹ trao trả về Libya.
Nam Phi từng hứa sẽ trả lại số tài sản của nhà độc tài Gaddafi về Libya theo quy định của LHQ, song tới nay, việc này cũng chưa được thực hiện.
Một vài quốc gia châu Phi từng ủng hộ Gaddafi thì không đồng ý cho hồi hương toàn bộ khối tài sản bị đóng băng của ông này bởi nó có thể sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của họ.
Trong khi đó, nhà phân tích tài chính Mohammed Haraba từ Libya thẳng thắn nhận định rằng nhiều khả năng, các tài sản bí mật được gia đình Gaddafi cất giữ hoặc do trung gian che giấu sẽ không bao giờ được tìm ra. "Gaddafi đã dành nhiều năm để làm những việc mà giới siêu giàu thế giới đã làm - giấu tiền. Tiền có thể ở trong các tổ chức tài chính phương Tây, cũng có thể ở trong tay những nước đồng minh cũ như Algeria, Syria, thậm chí Zimbabwe".
Và như vậy, không loại trừ khả năng một phần tài sản của ông Gaddafi được một cá nhân hay tổ chức nào đó bí mật chuyển tới Nga và sau khi ông này bị lật đổ thì "mắc kẹt" ở đó.