Những yếu tố đẩy Ukraine đến bờ vực rối loạn

Quế Anh |

Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng tại miền Đông, khủng hoảng chính trị và kinh tế ngày càng trầm trọng đã tác động hết sức tiêu cực và ngày càng đẩy đất nước Ukraine đến bờ vực rối loạn.

Thay vì giải quyết các vấn đề kinh tế và chấm dứt chiến sự, Tổng thống Petro Poroshenko lại đưa ra những quyết định đầy mâu thuẫn và thiếu sự thống nhất với chính phủ và Quốc hội, khiến cho tình hình đất nước càng trở nên rối ren, căng thẳng hơn.

Vấn đề nổi bật nhất lúc này chính là sự đối đầu giữa tổng thống và thủ tướng đang ngày càng lớn dần.

Xung đột chính trị, mà trước hết là xung đột trong hàng ngũ những quan chức hàng đầu của đất nước, đã nhiều lần gây tác động bất lợi đối với Ukraine.

Có thể thấy rõ rằng trước khi Thủ tướng Ukraine Arseny Yasenyuk "qua mặt" Tổng thống Poroshenko ra lệnh mở rộng chiến sự tại miền Đông, gây nên cảnh nội chiến đầy máu và nước mắt, thì ít nhiều nền kinh tế Ukraine vẫn còn cố gắng cầm cự và được duy trì ở một biên độ an toàn, cũng như "khối ung nhọt" xung đột giữa các khu vực chưa đến mức cấp tính như hiện nay.

Ông Poroshenko đang phải đối mặt với ba vấn đề lớn làm suy yếu đáng kể vị trí tổng thống của mình: Trước hết, ông không thể gây ảnh hưởng đáng kể đối với chính phủ và Quốc hội để có thể áp đặt các chính sách đối nội và đối ngoại của tổng thống.

Thứ hai, ông không thể điều khiển cũng như không thể kiểm soát các lực lượng vũ trang Ukraine.

Thứ ba, hầu hết các khu vực ở Ukraine đều nằm dưới sự kiểm soát của các tập đoàn tài chính - công nghiệp độc lập và họ thường giữ thái độ trung lập với tổng thống.

Tuy nhiên, đổi lại, các tầng lớp tinh hoa khu vực cũng ít trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền trung ương Kiev mà họ cố gắng tự lực để củng cố vị thế của mình.

Ngoài ra, nhiều khu vực thậm chí còn trở thành "thái ấp" của các tập đoàn tài chính và công nghiệp.

Mục tiêu của họ là để tối đa hóa sự tập trung quyền lực trong tay và giảm ảnh hưởng của Tổng thống Poroshenko càng nhiều càng tốt.

Sự ảnh hưởng của các yếu tố kể trên cho thấy một thực tế rằng Tổng thống hầu như không thể tác động thực sự tới tình hình Ukraine.

Trong khi đó, thái độ cứng rắn của Thủ tướng Yatsenyuk ủng hộ sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột phần nào cho thấy cục diện chính trị hiện nay ở Ukraine, vốn đang được sự hậu thuẫn từ các nước phương Tây và các lực lượng cực đoan trong Verkhovna Rada (Quốc hội) đang thắng thế.

Chính phủ và Quốc hội đang cổ súy cho một chính sách hiếu chiến.

Việc tiếp tục các hoạt động quân sự và vận động người dân ủng hộ quân sự để giành lại quyền kiểm soát ở miền Đông chính là một trong những phương cách duy nhất mà chính phủ ưa thích để chuyển hướng sự chú ý của công chúng đối với tình hình kinh tế hết sức bi đát.

Bất chấp những thiệt hại kinh tế và máu của dân thường phải đổ xuống, chính phủ Ukraine thay vì lắng nghe ý kiến người dân thì dường như họ lại tìm cách đánh lạc hướng và đổ lỗi cho Nga đã gây ra những khó khăn kinh tế, đồng thời cố gắng thu hút sự chú ý của các nước phương Tây.

Ngoài ra, các nhà chức trách Ukraine còn khuyến khích tìm kiếm "kẻ thù của nhà nước Ukraine" ngay trong chính nội bộ quốc gia. Họ cho rằng những công dân không đồng ý với chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước chính là kẻ thù của Ukraine.

Nhìn chung, chính phủ Ukraine hiện chỉ quan tâm chạy theo đáp ứng đòi hỏi của các nước phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế.

Họ không có chương trình nào cho sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Nền kinh tế suy kiệt, nhiều doanh nghiệp phá sản... những hậu quả đó không được chính phủ và quốc hội hiện nay quan tâm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại