Dhiraji Devi, 78 tuổi, hiện đang đấu tranh trước tòa rằng bà vẫn còn sống. Nhiếp ảnh gia Arkadripta Chakraborty đã ghi lại hình ảnh "các xác chết biết đi" ở bang Uttar Pradesh.
Lal Bihari Yadav điều hành Hội những người chết ở quận Azamgarh và đệ đơn kiến nghị thay cho các nạn nhân của nạn tham nhũng. Ông Yadav, 61 tuổi, bị coi là đã chết từ năm 15 tuổi và đất đai của ông bị một người họ hàng chiếm mất. Sau khi kiến nghị lên các quan chức mà không được ai để ý tới, ông Yaday đã tổ chức một lễ tang giả cho chính mình để công bố trường hợp của mình. Cuối cùng, ông được thừa nhận là còn sống vào năm 1994.
Ông Yaday mau chóng phát hiện ra còn nhiều người khác cũng phải chịu chung số phận như mình, vì thế, ông đã thay mặt cho hàng nghìn người khác bị coi là đã chết một cách bất hợp pháp để tiến hành một chiến dịch đòi lại quyền được sống của họ. Ông Yaday đã thường xuyên tổ chức các cuộc "biểu tình của những bộ xương" tại các thành phố phía bắc Ấn Độ.
Mritak Sangh đã thành công trong việc đưa hàng trăm người trở lại cuộc sống hợp pháp, lấy lại đất đai và sự hãnh diện cho họ.
Ansar Ahmed, 61 tuổi, và vợ đã rơi vào giai đoạn khó khăn khi ông được tuyên bố là đã chết. Sau một cuộc chiến kéo dài ở tòa án, ông Ahmed được tuyên là còn sống cách đây vài năm. Vợ ông Ahmed bị điếc và họ không có tiền để chữa bệnh cho bà.
Ông Ahmed không bao giờ lấy lại được đất mà ông bị anh trai cướp mất bằng cách hối lộ cho quan chức để tuyên bố là ông đã chết.
Hầu hết "các xác chết biết đi" đều mù chữ. Họ chỉ dùng dấu vân tay như chữ ký chấp nhận trong các văn bản.
Bhagwan Das, 73 tuổi, bị cho là chết cách đây nhiều năm, chờ đợi một quan chức tại một cơ quan chính phủ để khiếu nại vụ việc của mình. Cứ một tháng một lần, quan chức cấp cao của quận sẽ gặp những xác chết biết đi để phân loại các vấn đề và lắng nghe các vấn đề liên quan tới tranh chấp đất đai, vốn rất phổ biến tại bang này.