Một vụ nổ xe ô tô lớn mà cảnh sát Trung Quốc khẳng định là tấn công tự sát xảy ra ở quảng trường Thiên An Môn hôm 28/10 đã khiến Trung Quốc chấn động. Theo giới chức nước này, nghi phạm thực hiện vụ tấn công là những người Duy Ngô Nhĩ tới từ Tân Cương.
Đây không phải là vụ bạo loạn, khủng bố đầu tiên mà tộc người ở khu tự trị này gây ra ở Trung Quốc, khiến nhiều người thiệt mạng và cơ sở vật chất bị phá hỏng.
Bạo loạn tồi tệ nhất 4 năm qua
6 giờ sáng ngày 26/6/2013 (theo giờ địa phương), một nhóm nổi loạn đã cầm dao, rựa, tấn công đồn cảnh sát, tòa nhà chính quyền và các công trường xây dựng ở Thiện Thiện (Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương) khiến 35 người - trong đó có 8 dân thường và 10 kẻ nổi loạn - thiệt mạng cùng nhiều người khác bị thương. Nhiều xe cảnh sát cũng bị đốt cháy rụi.
Nói về vụ bạo loạn tồi tệ nhất Trung Quốc trong vòng 4 năm qua này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định đây là "hành động tấn công khủng bố bạo lực". Truyền thông Trung Quốc cho hay, những kẻ chủ mưu là thành viên một nhóm khủng bố, được thành lập năm 2008 và có các hoạt động tôn giáo trái phép, cổ vũ chủ nghĩa cực đoan.
Chiếc xe bị phá hoại trong vụ bạo loạn
Chỉ 2 ngày sau đó, vào ngày 28/6, hơn 100 kẻ bạo loạn lại tiến hành “tấn công một số người dân bằng vũ khí sau khi tụ tập tại các địa điểm tôn giáo" ở thành phố Hotan vào 2 giờ chiều, tuy nhiên, vụ bạo lực này đã nhanh chóng được kiểm soát.
Ba kẻ khủng bố gây ra vụ bạo loạn đẫm máu ngày 26/6 đã bị tuyên án tử hình và 1 kẻ khác phải thụ án 25 năm tù giam.
Tân Hoa Xã nhận định, các hành vi bạo loạn xảy ra liên tiếp nhau này không phải bị kích động bởi xung đột sắc tộc hay tôn giáo mà nhằm gây bất ổn xã hội, phá hoại nhà nước.
Gây bạo loạn vì bị phát hiện chuẩn bị tấn công khủng bố
21 người thiệt mạng trong một vụ đụng độ biến thành bạo loạn đã xảy ra trưa ngày 23/4/2013 tại huyện Bachu (tỉnh Kashgar, Tân Cương) cảnh sát ập tới kiểm tra một ngôi nhà bị nghi chứa súng và chất nổ.
Tân Hoa Xã dẫn lời thứ trưởng Bộ An ninh Trung Quốc Meng Hongwei cho biết cảnh sát đã tịch thu một lượng chất nổ, vũ khí tự chế cùng cờ Đông Thổ Nhĩ Kỳ tại nơi ở những kẻ bạo loạn người Duy Ngô Nhĩ này. Ông Meng cáo buộc những kẻ này âm mưu thực hiện các cuộc tấn công nhằm thiết lập một nhà nước độc lập “Đông Thổ Nhĩ Kỳ”.
Trong khi chính phủ Trung Quốc coi đây là vụ tấn công khủng bố, thì Uỷ ban Duy Ngô Nhĩ thế giới lại cho rằng đây là hành động trả thù của nhóm người Duy Ngô Nhĩ đối với việc một nam thanh niên dân tộc này bị lực lượng vũ trang Trung Quốc bắn chết.
Quan chức Tân Cương tới hiện trường, nơi những dân thường bị sát hại
Tân Hoa Xã cho hay các thành viên nhóm khủng bố thường xuyên xem video ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và kể từ đầu tháng 12/2012 đã thực hiện thử nghiệm các kĩ năng đánh bom, chế tạo bom để chuẩn bị cho một vụ “khủng bố” tại khu vực đông dân trong những tháng tới.
Ngoài 8 kẻ bị bắt ngay tại hiện trường, 19 kẻ khác cũng bị bắt giữ vì bị nghi có liên quan tới vụ việc. Hai kẻ khủng bố đã bị tuyên tử hình vì tội danh giết người, tổ chức và tham gia hoạt động khủng bố, 3 kẻ khác lĩnh án tù từ 9 năm rưỡi đến chung thân.
Cướp xe tải, tấn công hàng ăn gây bạo loạn
Trung Quốc đã cáo buộc những người Hồi giáo ly khai được huấn luyện tại Pakistan là thủ phạm gây ra vụ bạo loạn xảy ra vào 23 giờ 45 phút tối 30/7/2011 trên đường phố Kasshgar.
Theo Tân Hoa Xã, hai kẻ bạo loạn đã giết chết tài xế một xe tải, cướp xe, lao thẳng vào đám đông trên đường rồi dùng dao đâm khách bộ hành, khiến ít nhất 8 người chết và 28 người bị thương.
Một kẻ đã bị đám đông đánh chết, tên còn lại bị cảnh sát bắt giữ. Phát ngôn viên khu tự trị Tân Cương cho biết cả 2 tên này đều là người Duy Ngô Nhĩ.
Trước khi vụ việc xảy ra, người ta đã nghe thấy hai tiếng nổ cùng một lúc từ một xe minibus lúc 22 giờ 30 phút và trên một khu phố thực phẩm, nơi những kẻ gây rối cướp xe tải.
Cảnh sát chống bạo động trên đường phố Tân Cương
Chỉ một ngày sau đó, những kẻ được khẳng định là “khủng bố có vũ trang” đã tấn công một nhà hàng ăn vào 16 giờ 30 phút, giết hại 2 người bên trong đó và 4 người dân thường ở ngoài. 4 nghi phạm đã bị bắn hạ ngay tại hiện trường.
Bạo loạn đẫm máu chỉ vi tin đồn thất thiệt, hơn 1.500 người thương vong
Vụ bạo loạn được quan chức Tân Cương Li Zhi mô tả là "một trong những vụ bạo loạn đẫm máu nhất kể từ khi nhà nước Trung Hoa ra đời năm 1949" đã xảy ra vào 20 giờ 30 phút ngày 5/7/2009 tại thủ phủ Urumqi (Tân Cương), khiến ít nhất 197 người chết và 1.600 người bị thương. 12 kẻ bạo động đã bị cảnh sát bắn hạ ngay tại hiện trường, ít nhất 1.434 người khác bị tình nghi đã bị bắt giữ những ngày sau đó, sau khi cảnh sát nắm quyền kiểm soát các con phố.
Những kẻ chủ mưu được cho là đã nhằm tới ít nhất 50 địa điểm tại Urumqi trước khi cho ô tô chở nhóm người bạo loạn tới những địa điểm định sẵn, đập phá các toà nhà chính quyền, đồn công an cùng các cửa hiệu, đốt hơn 500 chiếc xe, lao vào nhiều ngõ ngách tấn công người dân bằng nhiều vũ khí như gậy, đá, dao...
Khung cảnh tan hoang của một con phố sau bạo loạn đẫm máu
Chủ tịch khu tự trị Tân Cương Nur Bekri khẳng định các lực lượng khủng bố, ly khai và cực đoan Tân Cương đã kích động xung đột sắc tộc bằng cách lợi dụng những lùm xùm quanh vụ 2 công nhân người Ngô Duy Nhĩ tại nhà máy sản xuất đồ chơi ở Quảng Đông bị đồng nghiệp người Hán giết hại ngày 26/5 chỉ vì đồn thất thiệt rằng một nhóm người Ngô Duy Nhĩ cưỡng hiếp 2 nữ công nhân.
Người đứng đầu chính quyền Tân Cương Nur Bekri thừa nhận rằng họ nhận được thông tin về kế hoạch của nhóm thanh niên gây bạo động, nhưng "không tưởng tượng những tên này lại độc ác và vô nhân tính như thế".
Phát ngôn viên Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định đây là vụ "giết chóc, đốt phá và cướp bóc".
Hơn 200 nghi phạm đã bị đưa ra xét xử với cáo buộc cố tình gây tổn thương cho người khác, cướp của, phóng hỏa, giết người, phá phương tiện giao thông công cộng và tập hợp đám đông nhằm gây rối trật tự và giao thông. Sáu nghi phạm đã bị tuyên án tử hình.