Những nước đi tỉnh táo của Nga trên chiến trường Syria

Lê Ngọc Thống |

Nga đang từ từ, từng bước, chắc chắn, hiểm hóc, thít sợi dây thòng lọng vào cổ quân phiến loạn, khủng bố.

Một giải pháp chính trị, ổn định tình hình Syria có lợi cho Nga sắp tới được tiến hành tại Geneva là rất xa vời khi các thế lực, phe phái đang còn hung hăng…đang còn tính chuyện ăn tươi nuốt sống lẫn nhau.

Tình hình để có được một giải pháp chính trị là bên nào đó phải có những trận thắng mang tính chiến lược trên chiến trường; giống như tại Ukraine, Minsk-1 chưa đủ đô, phải có thêm “nồi hơi” Debeltsevo mới có Minsk-2.

Khó khăn đầu tiên tưởng chừng Nga khó vượt qua, đó là làm chủ tuyệt đối vùng trời Syria thì Nga đã làm được cũng như Mỹ và NATO đã làm được trong 3 cuộc chiến tranh gần đây.

Vấn đề còn lại, Nga cũng như Mỹ, mang tính quyết định thành bại của chiến dịch quân sự là lực lượng mặt đất giải quyết chiến trường. Thắng lợi có trọn vẹn, vững chắc, lâu dài...hay không là nhờ vào lực lượng này.

Tại Iraq, Mỹ rút thì IS nổi dậy, nếu Mỹ không trở lại bằng không quân thì Iraq cũng bị IS lật đổ…

Tại Afganixtan, thậm chí Mỹ và NATO chưa rút quân thì lực lượng do Mỹ dựng lên bị Taliban đánh cho tơi tả, khó có khả năng chống đỡ.

Như vậy, điểm chung tại Afganixtan, Iraq, Libya là lực lượng mặt đất của Mỹ xây dựng hoàn toàn yếu kém, không có khả năng tồn tại chống đỡ nổi sức tấn công của phiến quân khi Mỹ rút. Đó là nguyên nhân của sự hỗn loạn mà có vẻ như chính Mỹ đã tạo ra dù không muốn đi nữa.

Nga tại Syria cũng vậy, do không trực tiếp đưa lực lượng mặt đất của mình tham gia, cho nên, nếu như không xây dựng được một lực lượng mặt đất là quân đội chính phủ Assad, có đủ khả năng bảo vệ thành quả, thì Nga cũng sẽ đi theo vết xe đổ của Mỹ.

Tại Syria, có lẽ Nga đã nghiền ngẫm rất kỹ và rút ra những kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afganixtan và Iraq để xây dựng cho mình những bước đi chiến lược chậm nhưng vững, chắc thắng.

Một quân đội mạnh phải có đủ 2 yếu tố chính: Ý chí tinh thần và lực lượng (quân số, vũ khí trang bị, lối đánh).

Một quân đội toàn lính đánh thuê thì không thể là là mạnh, chẳng hạn, quân đội Saudi Arabia không bao giờ đánh thắng được quân đội Iran là chắc chắn, dù ngân sách quân sự Iran chỉ bằng 1/6 Saudi, 10 tỷ USD/60.

Còn quân đội chính phủ Assad?

Khách quan, chúng ta thấy quân đội Assad là một đội quân có ý chiến chiến đấu, trung thành với chính phủ.

Hơn 4 năm chống thù trong giặc ngoài, bị kẻ thù dồn về 1/3 lãnh thổ phía Tây nhưng họ không đầu hàng, tan rã. Có những đơn vị nằm trong vòng vây giặc cả năm trời những vẫn không đầu hàng.

Khi Nga can thiệp trực tiếp vào Syria thì tinh thần, ý chí chiến đấu càng được nâng cao, họ có lòng tin về chiến thắng.

Bốn năm chiến tranh, quân đội Syria thực sự có kinh nghiệm chiến trận.

Về lực lượng. Tất nhiên, 4 năm chiến tranh trong vòng vây kẻ thù, quân đội của chính phủ Assad bị kiệt quệ, tổn thất nhiều, không kịp hồi sức. Vũ khí trang bị lạc hậu, thiếu và yếu so với phe nổi dậy và IS.

Về nguồn lực, tuy chính quyền Assad chỉ kiểm soát 30% lãnh thổ nhưng chiếm hơn 75% dân số. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản để Assad xây dựng phát triển lực lượng mà không một phe phái nào ở Syria có được.

Không ai hiểu quân đội Assad bằng Nga, điều này biểu hiện rõ trong quá trình hợp đồng tác chiến 4 tháng qua với chiến thuật tấn công, phòng thủ, mà họ lựa chọn như thế nào. Họ đánh từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao mà không vội vàng.

Có thể nói, Nga cùng chính quyền Assad đang thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, trong đó xây dựng lực lượng quân đội chính phủ Assad là một trong những nhiệm vụ mang tính sống còn.

Xây dựng lực lượng có 3 việc chính: tổ chức lực lượng, bố trí lực lượng và sử dụng lực lượng. Trong thời chiến 3 việc này là đồng thời, bổ sung cho nhau mà Nga phải giúp Assad thực hiện, cấp thiết hơn việc giải phóng lãnh thổ.

Về tổ chức lực lượng. Tình hình chiến trường Syria hiện nay, quân đội chính phủ Assad phải xây dựng 3 thứ quân: Chính quy, địa phương và bán vũ trang tình nguyện nhằm để thực hiện 3 nhiệm vụ: giải phóng những vùng đất bị chiến đóng, bảo vệ vùng giải phóng và chống chiến tranh du kích do lực lượng khủng bố tiến hành.

Rõ ràng, không có lực lượng địa phương, bán tự vệ để trực tiếp, thường xuyên bảo vệ dân, bảo vệ vùng giải phóng, hỗ trợ cho chính quyền ổn định thì việc giải phóng chỉ là hình thức, hao tổn binh lực vô ích.

Các trận tấn công giải phóng, giữ vùng giải phóng tại khu vực Latakia với hoạt động của 3 thứ quân đã phát huy tác dụng lớn, đánh đến đâu giữ chắc và ổn định địa bàn đến đó.

Bổ sung quân số, đào tạo, huấn luyện để sử dụng, khai thác tốt trang bị vũ khí mới hiện đại. Đây là nhiệm vụ then chốt để tạo ra xương sống của sức mạnh, càng đánh càng mạnh, tạo ra những cú đấm mạnh, tiến tới giành thắng lợi trong những trận quyết chiến chiến lược.


Xe tăng hiện đại của quân đội Syria tác chiến tại phía Bắc Latakia

Xe tăng hiện đại của quân đội Syria tác chiến tại phía Bắc Latakia

Đã xuất hiện không chỉ vũ khí trang bị hiện đại của Nga ở quân đội Syria mà người ta còn thấy xuất hiện cố vấn quân sự Nga trực tiếp trong các trận đánh quan trọng như ở khu vực Latakia, Nam Damascus.

Tiếp theo là sử dụng lực lượng. Đây thuộc về nghệ thuật quân sự, điều binh khiển tướng, chọn lối đánh, chọn mục tiêu, đối thủ…để phát huy sức mạnh, lợi thế trong các trận tấn công.

Chẳng hạn, chúng ta thấy, Nga và liên minh đã rất khôn ngoan khi đã điều một số đơn vị của lực lượng Hezbollah tham gia tác chiến ngược lên phía Bắc Latakia thay vì chỉ ở phía Nam Damascus như trước.

Điều này vừa sử dụng khả năng thiện chiến của Hezbollah vào những trận đánh quan trọng, vừa có điều kiện trang bị vũ khí cho họ mà Israel khó phản ứng…


Niềm tin chiến thắng của quân đội Syria

Niềm tin chiến thắng của quân đội Syria

Như vậy, chỉ sau 4 tháng (đủ huấn luyện xong một khóa tân binh), quân đội chính phủ Assad đã có sự thay đổi khá ấn tượng.

Các binh chủng mới được hình thành, củng cố, như không quân, bộ binh cơ giới…được trang bị hiện đại hơn nhiều lần, đã tham gia từng bước vào chiến trận mà trước đây bị tan rã hoặc bị mất sức chiến đấu.

Rõ ràng, bước đầu và thực tế, Nga đã làm được sự khác biệt cơ bản mà Mỹ-NATO đã làm ở Iraq, Afganixtan và Libya.

Cùng với sách lược chia rẽ và tập hợp lực lượng, một thực tế trên chiến trường Syria đã hiện rõ, đó là quân nổi dậy chống chính phủ, lực lượng hồi giáo cực đoan (LIH) đang bi quan, chán nản, mất tinh thần, đang bị thất bại từ trận này đến trận khác dưới đòn tấn công của quân đội chính phủ.

Nga đang củng cố, xây dựng một lực lượng mặt đất là quân đội Syria đầy hứa hẹn.

Và với những bước đi đó, chiến thắng trọn vẹn, vững chắc, chỉ là vấn đề thời gian.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại