Ngày 22/2, trước sức ép của người biểu tình chống chính phủ và bạo lực liên tiếp xảy ra, Tổng thống Ukraine Yanukovych đã rời phủ Tổng thống ở Kiev đi lánh nạn. Vài giờ sau đó, Quốc hội nước này đã thông qua quyết định phế truất ông Yanukovych, trả tự do cho bà Tymoshenko.
Người biểu tình khắp Ukraine đã hò reo mừng ăn mừng chiến thắng trong ngày lịch sử. Phe đối lập bắt đầu thiết lập chính phủ lâm thời mới, bổ nhiệm Tổng thống lâm thời trước khi bầu cử.
Tuy nhiên, ngay cả sau chiến thắng này, tình hình ở Ukraine dường như không mấy khả quan hơn. Cuộc đối đầu giữa những nhóm người ủng hộ EU và những người ủng hộ Nga đang trở nên căng thẳng.
Ở khắp nhiều thành phố, đặc biệt là tại thủ đô Kiev, bạo lực vẫn tiếp diễn, xe cộ, cơ sở vật chất liên tục bị phá hoại, tư tưởng cực đoan đang có dấu hiệu lan rộng.
Truy nã thẩm phán, bắt cóc, tra tấn quan chức
Nghị sĩ, thẩm phán, công tố viên và nhiều công nhân viên chức làm việc trong chính phủ cũ đang trở thành mục tiêu tấn công số 1 của những người biểu tình quá khích tại thủ đô Kiev, nhằm thực thi cái mà họ gọi là "công lý cách mạng". Theo những người này, đây chỉ là hành động trả thù cho các tội danh tham nhũng, lạm quyền và đàn áp, đánh đập những người chống đối chính quyền trước đây.
Yuriy Levchenko, một người “cầm đầu” đám đông quá khích này cho rằng mặc dù chính phủ của ông Yanukovych đã bị lật đổ, song không ai có thể chắc chắn về kết quả cuối cùng của nó, và vì vậy mà họ cần thực thi công lý ngay lập tức.
Với quan điểm đó, những người này đã ráo riết truy lùng, xông vào tận văn phòng làm việc các quan chức chính phủ cũ để lôi họ ra trước đám đông, chửi rủa, đánh đập, đấm đá, cào xé bất cứ ai bị bắt gặp trên đường phố. Nhà cửa và tài sản cá nhân của các quan chức này cũng bị phá hoại.
Ông Andriy Klyuev, cựu chánh văn phòng dưới thời ông Yanukovych đã bị người biểu tình bắn bị thương và phải điều trị tại một bệnh viện giấu tên. Ở bên ngoài thị trấn Lutsk, ngoại ô Kiev, những người quá khích được trang bị vũ khí đã xông vào tận văn phòng chính phủ, còng tay thống đốc Oleksandr Bashkalenko và giải ra ngoài. Ông này được cho là đã bị đưa tới một địa điểm bí mật và bị tra tấn để ép phải từ chức. Thậm chí, vợ con của ông cũng bị dọa bắt giữ.
Ông Oleksandr Bashkalenko bị người biểu tình phản đối Yanukovych còng tay bắt đi
Những người biểu tình còn dán 10 bức ảnh chân dung của các thẩm phán để truy nã họ, nhằm buộc họ phải chịu trách nhiệm vì cấm tụ tập trên đường phố, bỏ tù các nhà hoạt động.
Trước tình hình đó, hàng loạt quan chức cấp cao của chính phủ cũ đã tìm cách bỏ trốn, song nhiều người trong số họ đã bị phát hiện và bị chặn lại.
Ông Levchenko cho rằng sự trả thù thậm chí sẽ còn khủng khiếp hơn nữa bởi "họ đã từng gây ra hàng trăm điều còn tội tệ hơn thế” đối với người biểu tình.
Đánh hội đồng cảnh sát đến ngất
Cảnh sát chống bạo động và nhân viên an ninh, những người từng tham gia các cuộc trấn áp người biểu tình phản đối chính quyền của cựu Tổng thống Yanukovych cũng phải chịu chung số phận với các quan chức thuộc chính phủ cũ.
Những bức ảnh ghi lại khung cảnh náo loạn trong các cuộc ẩu đả tại Kiev cho thấy nhiều cảnh sát chống bạo động nằm bẹp dưới đất, bị thương khắp mặt và gần như không thể chống trả những cú đánh liên tục từ đám đông người biểu tình. Một cảnh sát đã bị ngất xỉu sau khi bị người biểu tình ném vật thể lạ thẳng vào gáy.
Lo sợ bị trả thù, không ít sĩ quan cấp trên và cảnh sát thuộc đơn vị chống bạo động tinh nhuệ của Ukraine là Berkut đã mang theo vũ khí bỏ trốn.
Lực lượng này cũng đã bị chính phủ lâm thời bị giải thể và đẩy các thành viên của nó vào tình thế nguy hiểm, bởi họ đang phải đối mặt với sự tức giận vô cùng của người dân.
Trước tình thế đó, một nhóm cảnh sát chống bạo động Berkut đã chọn cách đồng loạt quỳ gối trước người biểu tình trên một sân khấu tại thành phố Lviv và xin được tha thứ vì đàn áp người biểu tình chống chính phủ ở Quảng trường Độc lập tại Kiev. Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn không ngừng chửi rủa họ và hét lên đòi xét xử những người này.
Một nhóm cảnh sát chống bạo động Berkut quỳ gối xin lỗi người biểu tình Ukraine.
Đi viếng tượng đài lãnh tụ cũng bị đánh
Một nhóm nam giới ủng hộ chính phủ lâm thời Ukraine đã không ngần ngại lao vào đạp tới tấp một phụ nữ lớn tuổi khi bà mang hoa đặt dưới chân một bức tượng Lenin. Bức ảnh chụp lại cảnh tưởng này được lan truyền trên mạng internet cho thấy, rất nhiều người xung quanh chỉ đứng chụp ảnh và nói cười mà không hề có ý định bước tới can ngăn.
Đây chỉ là một trong vô số các trường hợp người ủng hộ chính phủ cũ hay ủng hộ Nga bị tấn công tại Ukraine trong thời gian gần đây.
Người phụ nữ lớn tuổi bị đánh tập thể vì mang hoa tới chân tượng đài Lenin.
Ngày 26/2, khoảng 20.000 người Hồi giáo Tatar ủng hộ chính quyền mới ở Ukraine và nhóm người biểu tình ủng hộ Nga đã ném chai lọ, gạch đá, thậm chí là lao vào đấm nhau trong một cuộc đụng độ ngay gần tòa nhà chính quyền thành phố tại Simferopol, thủ đô của khu tự trị Crimea thuộc Ukraine. Đây là nơi tập trung phần đông người Nga sinh sống và cũng là nơi hạm đội biển Đen của Nga đóng căn cứ.
Vụ việc xảy ra sau những tranh cãi nảy lửa quanh động thái của chính phủ lâm thời Ukraine, số phận của Tổng thống Ukraine mới bị phế truất Yanukovych, sự can thiệp của Nga vào Ukraine cũng như việc Tổng thống Putin ra lệnh tập trận quân sự gần biên giới hai nước.
Cuộc đụng độ đã khiến 30 người bị thương phải nhập viện, trong đó có 3 người bị thương nặng.
Tượng đài lịch sử bị kéo đổ, biểu tượng phát xít tràn lan
Những người biểu tình thuộc phe đối lập còn trút giận lên rất nhiều tượng đài, biểu tượng lịch sử khắp đất nước.
Họ hò reo, nói cười khi tận mắt chứng kiến hàng loạt các bức tượng của những vĩ nhân trên thế giới, những người anh hùng trong cuộc cách mạng bảo vệ Liên Xô cũ khỏi lực lượng bên ngoài xâm lược, các biểu tượng chiến thắng, bị máy móc hạng nặng do chính mình đưa tới kéo đổ.
Những người quá khích còn dùng sơn phun bẩn Đài tưởng niệm các chiến sĩ tình báo Liên Xô KGB tại Kiev và dùng búa tạ đập vỡ các dòng chữ bằng kim loại được khắc trên đó.
Thậm chí, ngôi sao - vốn là biểu tượng của Liên Xô cũ - đặt trên nóc nhà Quốc hội Ukraine cũng bị dỡ bỏ.
Tượng nguyên soái Kutozov (người đánh bại Napoleon) tại Ukraine bị kéo đổ
Trong khi đó, hàng loạt các hình ảnh đặc trưng cho của chủ nghĩa phát xít và cực đoan đã xuất hiện, ngày càng lan rộng dưới nhiều hình thức khác nhau. Hàng trăm bức ảnh được lan truyền trên internet và những lá cờ tung bay tại nhiều nơi trung tâm các thành phố đều mang biểu tượng Đức Quốc Xã.
Biểu tượng Wolfagel được một số đơn vị Đức Quốc xã sử dụng trong Chiến tranh thế giới Thứ Hai liên tục xuất hiện trên áo, trên băng đô đeo tay...của thành viên nhóm cực hữu Right Sector cũng như trên không ít các bức tường dọc các thành phố.
Những người biểu tình này cũng bắt đầu sử dụng kiểu chào quen thuộc dưới thời Đức Quốc xã khi tụ tập trên đường phố, gây ra tình trạng náo loạn cho đất nước vốn đang bất ổn này.