Những người nắm giữ bí mật của Hoàng gia Nhật Bản

Chí Quân |

(Soha.vn) - Không chỉ là người phục vụ, IHA còn là đầu mối liên lạc giữa Hoàng gia Nhật Bản với thế giới bên ngoài.

Người nội trợ Hoàng cung

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, IHA, khi đó còn là Bộ Nội chính Hoàng gia (IHM) đã từng là một trong những thế lực chính trị và tài chính mạnh nhất ở Nhật Bản, nắm giữ phần vốn quan trọng trong nhiều cơ sở kinh tế của Nhật ở nước ngoài như Ngân hàng Triều Tiên, Công ty hỏa xa Nam Mãn Châu… Được trao quyền hoạt động độc lập với Quốc hội, nó thực chất là một Chính phủ ngầm có thể thực thi nhiều quyết sách mà chỉ cần sự chuẩn y của Nhật hoàng.

Hoàng gia Nhật Bản
Hoàng gia Nhật Bản

Sau khi chiến tranh kết thúc, vị trí của IHM sụt giảm hẳn. Nó chỉ còn là một bộ phận của Văn phòng Thủ tướng với tên gọi mới là IHA, chuyên lo các vấn đề của Hoàng gia. Từ hơn 6.000 nhân viên trong thời kỳ chiến tranh, đến nay, IHA chỉ còn 1.000 người, quản lý ngân quỹ 260 triệu USD mỗi năm để trang trải mọi chi phí liên quan đến Nhật hoàng và gia đình.

Trong số nhân viên của IHA, đông nhất là nhóm omote, những người phục vụ bên ngoài, bao gồm nhạc công, đầu bếp, người phụ trách các công việc sửa chữa lặt vặt về điện, nước, xây dựng.

Cung điện Hoàng gia, nơi ở của Nhật hoàng và hoàng tộc là một kiến trúc tuyệt đẹp với những hồ cảnh lung linh, những khu vườn duyên dáng, được duy trì nhờ bàn tay khéo léo của 30 nghệ nhân làm vườn hàng đầu Nhật Bản trong đội ngũ nhân viên của IHA.

Trong nhóm omote còn có các nhân viên y tế làm việc trong một bệnh viện được xây dựng với kinh phí 3,6 triệu USD chỉ dành để phục vụ Hoàng gia. Riêng Nhật hoàng còn có thêm 4 bác sĩ thay nhau túc trực ngày đêm để đảm bảo mọi vấn đề, dù là nhỏ nhất đều được giải quyết kịp thời. Cũng để bảo vệ sức khỏe cho hoàng tộc mà IHA thiết lập một trang trại rộng hơn 200 hecta, chuyên cung cấp rau quả, thịt, sữa và các nông phẩm sạch vào cung.

Bên cạnh omote, IHA còn một nhóm nhân viên khác là oku, những người phục vụ bên trong nội cung. Mỗi người trong số các oku chỉ thực hiện một nhiệm vụ. Người lau cửa sổ thì suốt đời chỉ biết lau cửa sổ, người quét sân thì chỉ chuyên quét sân. Những người có phẩm chất tốt nhất được chọn để phục vụ Nhật hoàng, hoàng hậu và các thành viên hoàng tộc.

Hoàng gia Nhật Bản nổi tiếng trong việc gìn giữ các phép tắc và lễ nghi truyền thống nên công việc này đòi hỏi sự hiểu biết và tỉ mỉ vô cùng. Một việc tưởng chừng đơn giản như trông coi tủ áo và giúp Nhật hoàng thay trang phục trong các dịp đại lễ cũng cần đến 5 người. Tất cả đều do sự bố trí, sắp đặt khéo léo của IHA.

Bảo vệ hình ảnh Hoàng gia

Dù về mặt chính thức, Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản (IHA) chỉ là một bộ phận của văn phòng thủ tướng và không có quyền hoạch định chính sách, song trên thực tế, tố chức này đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị ở đất nước Mặt trời mọc.

 	Hoàng tử Hisahito, cháu đích tôn của Nhật hoàng trong tham dự nghi lễ chuyển đổi, tháng 10/2011. Ảnh do IHA cung cấp

Hoàng tử Hisahito, cháu đích tôn của Nhật hoàng tham dự nghi lễ chuyển đổi, tháng 10/2011. Ảnh do IHA cung cấp

Không chỉ là người phục vụ, IHA còn là đầu mối liên lạc giữa Hoàng gia với thế giới bên ngoài. Ở vai trò này, họ không cho phép bất cứ phóng viên báo chí nào tiếp xúc với các thành viên Hoàng tộc nếu chưa xin phép và không có các bản đề cương bài viết đã được duyệt.

Trên thực tế, các cuộc họp báo của Hoàng gia, vốn đã rất hãn hữu, đều được IHA chuẩn bị thật tỉ mỉ sao cho các câu hỏi và câu trả lời đều trong khuôn khổ đã định sẵn. Hầu hết thông tin và hình ảnh chính thức về các thành viên Hoàng gia trước khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Nhật Bản đều phải được IHA thông qua. Không một bí mật nào của Hoàng gia mà IHA lại không được biết, trong khi đối với người dân Nhật Bản, chuyện trong cung vẫn là đề tài cấm kỵ.

Năm 1990, phóng viên Toshiaki Nakayama của hãng tin Kyodo công bố một bức ảnh chụp Vương phi Kiko vuốt tóc chồng là Hoàng tử Akishino, con trai thứ hai của Nhật hoàng. Nếu như ở các nước phương Tây, một bức ảnh như vậy là quá đỗi bình thường thì ở Nhật, đó lại là vấn đề hết sức tế nhị. IHA đánh giá nó là không phù hợp và tìm mọi cách để bức ảnh không được phổ biến rộng rãi.

Khác với Hoàng gia các nước phương Tây, nơi mỗi thành viên đều thoải mái công khai các sở thích cá nhân và tham gia vào các hoạt động xã hội mà họ ưa thích, ở Nhật, tất cả những việc này đều nằm trong kế hoạch của IHA.

Vun vén tương lai

Một trong những nguyên nhân khiến IHA bị chỉ trích nhiều trong những năm vừa qua là do họ đã tỏ ra hơi quá sốt sắng trong việc tìm kiếm một hoàng nam nối dõi. Trong khi Thủ tướng đương nhiệm lúc đó là ông Koizumi đã tính đến việc yêu cầu thay đổi Hiến pháp để phụ nữ cũng có thể thừa kế ngai vàng thì IHA vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng chỉ nam giới mới được coi là người kế vị.

Cho dù sự việc đã kết thúc êm thấm sau khi Vương phi Kiko hạ sinh hoàng tử vào năm 2006, nhưng hậu quả của nó thì vẫn kéo dài cho đến ngày nay mà dễ thấy nhất là tình trạng sức khỏe suy kiệt của Vương phi Masako, con dâu trưởng của Hoàng gia. Dư luận cho rằng nguyên nhân chính là sức ép tinh thần mà Vương phi đã phải chịu đựng trong một thời gian dài do không sinh được người kế vị cho Hoàng tộc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại