Hòn đảo này vốn thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm giữ bất hợp pháp từ 1971.
Mặc dù Bộ ngoại giao Philippines tuyên bố họ không hề biết bất cứ kế hoạch nào và cũng không hiểu thông tin này từ đâu ra. Tuy nhiên, có tới 3 lý do lớn để Trung Quốc đánh chiếm hòn đảo này.
Vị trí địa chính lược - phá vỡ vòng vây, bành trướng kiểm soát
Thứ nhất là vì vị trí địa chiến lược của đảo Thị Tứ.trên biển Đông có ý nghĩa vô cùng chiến lược đối với tham vọng bành trướng lãnh thổ và mong muốn kiểm soát biển Đông của Trung Quốc.
Vốn nằm gần như ở trung tâm của “đường lưỡi bò” cũng như biển Đông nên nếu chiếm được đảo Thị tứ và xây dựng các cơ sở quân sự (dù trái phép), Trung Quốc sẽ có khả năng chiếm được Trường Sa và kiểm soát hiệu quả toàn bộ biển Đông trên cả vùng trời và vùng biển.
Từ đó khống chế con đường hàng hải nối liền khu vực Trung Đông giàu tài nguyên dầu mỏ với khu vực phát triển kinh tế năng động Đông Á và cả một vùng địa lý rộng lớn xung quanh bao gồm cả Đông Nam Á. Chưa nói đến tiềm năng to lớn về dầu khí, tài nguyên biển và cả ở quần đảo này.
Đặc biệt, việc đánh chiếm đảo Thị Tứ sẽ giúp Trung Quốc thực hiện chiến lược phá vỡ vòng vây “chuỗi đảo thứ nhất” mà Mỹ đã thiết lập để kiềm chế sự phát triển của “con rồng châu Á”.
"Chuỗi đảo thứ nhất" là chuỗi những quần đảo lớn nằm ngoài bờ biển lục địa Đông Á do các đồng minh châu Á của Mỹ kết nối tạo thành nhằm phong tỏa Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông trong một vòng cung chạy từ các quần đảo Aleutian ở phía bắc tới đảo Borneo ở phía nam, gồm 4 điểm quan trọng: đầu là Hàn Quốc, "trọng tâm" là Nhật Bản, "khóa" là Đài Loan, đuôi là Philippines.
Vì vậy, để có thể phát triển, Trung Quốc cần vô hiệu hóa các căn cứ của Mỹ, bẻ gãy từ mắt xích yếu nhất là Philippines và trong trường hợp xung đột, nếu chiếm được Thị Tứ, Trung Quốc sẽ có thể tấn công phủ đầu chống lại kẻ thù ngay trong phạm vi tác chiến hiệu quả.
Theo báo cáo của các cố vấn CSBA và RAND của Mỹ, vào năm 2020, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các phương tiện quân sự để đạt được chính sách phá vỡ "chuỗi đảo thứ nhất".
Khả năng tác chiến và ngăn chặn Mỹ
Thứ hại, việc chiếm đảo Thị Tứ sẽ giúp hạn chế các bất lợi của Trung Quốc nếu phải chiến đấu tại vùng biển phía Nam, đồng thời ngăn cản Mỹ tăng cường vòng vây kiềm tỏa trong khu vực.
Trong bài viết “ Các hạn chế chiến lược của Trung Quốc trước Việt Nam ” đăng trên Một Thế giới vào 2.1.2014, thì nếu muốn tấn công các đảo ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ chỉ có thể triển khai khoảng 50-60 máy bay chiến đấu với thời gian tác chiến cũng chỉ bằng 50% các máy bay của không quân Việt Nam vì khoảng cách quá xa (Từ Hải Nam là 1.200-1.300 km, còn từ Hoàng Sa cũng 900-1000km), chưa kể phải bay trong tầm tác chiến hoàn hảo của không quân và phòng không Việt Nam.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh lại chưa sẵn sàng hoạt động trong vài năm tới và số lượng máy bay mang được cũng chỉ khoảng hơn 20 chiếc.
Trong khi đó, vốn là hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa với diện tích 0,33 km2 nên nếu chiếm được Thị Tứ, Trung Quốc có thể dễ dàng xây dựng các căn cứ không quân và hải quân trên đảo, từ đó gia tăng khả năng kiểm soát trên biển Đông.
Đặc biệt là nếu chiếm được Thị Tứ, trong trường hợp xung đột với Philippines, Trung Quốc sẽ có thể ngăn Mỹ xây dựng cơ sở không quân tại đây, đồng thời ngăn cản sự hỗ trợ của không quân và tàu chiến Mỹ - Nhật cho Philippines.
Thậm chí tờ China Daily Mail còn bày tỏ nuối tiếc khi cho rằng Philippines có thể hưởng lợi rất nhiều nếu cho Mỹ xây dựng một căn cứ không quân hiện đại ở Thị Tứ để tạo điều kiện cho chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á nhằm đối phó với Trung Quốc. Vì bất cứ quốc gia nào xây dựng được các căn cứ quân sự hiện đại trên quần đảo Trường Sa, cũng đều có thể kiểm soát gần như toàn bộ Đông Nam Á và khu vực Đông Nam Trung Quốc.
Khả năng chiếm hữu thực tế
Thứ ba là do khả năng chiếm đoạt hòn đảo này dễ dàng hơn so với các đảo khác. Bởi lẽ Philippines là quốc gia có lực lượng quân sự thuộc loại yếu nhất Đông Nam Á, là mắt xích yếu nhất trong hệ thống đồng minh của Mỹ và Trung Quốc đã từng chiếm thành công bãi cạn Scarborough của nước này vào tháng 4.2012 mà không gặp phải bất cứ sự phản kháng nào.
Trong khi đó, dù là hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa và là lựa chọn tốt hơn trong tham vọng bá quyền của Trung Quốc nhưng đảo Ba Bình lại đang do Đài Loan chiếm giữ trái phép. Đài Loan và Trung Quốc đã từng tạm chấp nhận chính sách “một Trung Quốc” bằng biện pháp hòa bình, do đó, việc tấn công quân sự rõ ràng không phải giải pháp khôn ngoan.
Chính vì vậy, kế hoạch Trung Quốc tấn công đảo Thị Tứ có lẽ sẽ không mãi “nằm trên giấy”. Được biết vào 5.1.2014, Eugenio Bito-onon Jr - thị trưởng thị trấn Kalayaan do Philippines lập ra để "quản lý" một phần của quần đảo Trường Sa mà Manila yêu sách chủ quyền, khẳng định rằng Philippines đã luân chuyển lực lượng không quân và một nhóm hải quân đến Thị Tứ với mục đích bảo vệ các đảo trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, vốn de đọa và gây áp lực trực tiếp lên Philippines.