Tại phiên tòa xét xử cựu Ủy viên BCT, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, tòa biệt thự xa hoa ở ven biển Cannes nước Pháp đã trở thành chứng cứ trọng điểm để tòa kết tội Bạc Hy Lai nhận hối lộ. Trên thực tế, châu Âu đã trở thành “thiên đường” để rất nhiều quan tham Trung Quốc mua bất động sản.
Mua nhà không cần xem, không quan tâm giá cả
Một chủ hãng kinh doanh bất động sản ở London nói: “Các khách mua người Trung Quốc thậm chí chẳng thèm đến thực địa xem hàng. Chỉ cần xem những tấm ảnh hay hình vẽ phối cảnh được gửi chào hàng, họ đã chuyển tiền để mua. Trong mơ tôi cũng chưa bao giờ gặp được những khách mua giàu có lại dễ tính như thế. Sự hào phóng của họ thật đáng kinh ngạc”.
Ngoài mạnh tay chi tiền, một đặc điểm nữa của những quan tham Trung Quốc là không muốn cung cấp thông tin cá nhân. Chính vì vậy họ phần lớn đều trả bằng tiền mặt. Các nhà môi giới bất động sản cũng thỏa thuận ngầm với những khách hàng này: tuyệt đối không tiết lộ thân phận thật của họ.
Mấy năm trước, ở Ottawa xuất hiện một loạt các khách hàng bí ẩn vung tiền mua nhà. Khi đó tờ báo tiếng Hoa “Thế giới Nhật báo” đã chỉ rõ những khách hàng bí ẩn này đều là các quan tham hoặc tội phạm chạy trốn. Một thủ đoạn quen dùng của họ là “điệu hổ ly sơn”: nhờ người thân, bạn bè ở nước ngoài mua sẵn nhà, đưa vợ con sang định cư trước, khi thấy hành vi tham nhũng của mình có nguy cơ bại lộ là tìm cách tháo chạy khỏi Trung Quốc ngay.
Những khu phố quan tham bất bình thường
Ở một số nước phương Tây hiện đã hình thành những “phố quan tham”, “phố vợ lẽ”, “phố con cái quan tham” Trung Quốc. Tại các thành phố lớn như Los Angeles, New York…người ta thường thấy những người Trung Quốc ăn mặc sang trọng, lái xe đắt tiền trên đường phố. Đám người này không giao du với các hội đoàn Hoa kiều bản địa, không thích xuất hiện ở những đám đông. Phần lớn họ đều là quan tham chạy trốn hoặc thân thích của quan tham.
Năm 2008, một tờ báo đưa tin: do các quan tham Trung Quốc chạy trốn vung tiền mặt mua các căn hộ, biệt thự triệu đô nên giá biệt thự, căn hộ cao cấp ở Los Angeles, New York, California đã tăng vọt lên gấp đôi. Hiện tượng này khiến Mỹ dù không có hiệp định dẫn độ với Trung Quốc cũng buộc phải tìm cách giúp đỡ phía Trung Quốc trừng trị các quan tham. Trung Quốc đã cung cấp cho Mỹ danh sách các quan tham chạy trốn, phía Mỹ đối chiếu, phát hiện hơn 1.000 người có mặt ở Mỹ, phần lớn tập trung ở Los Angeles, New York. Đám này liền trở thành đối tượng truy nã chủ yếu của cảnh sát Mỹ, thậm chí Mỹ còn treo thưởng để khuyến khích dân chúng giúp truy bắt quan tham Trung Quốc.
Ở Canada, nơi được coi là “thiên đường của quan tham” cũng diễn ra tình hình tương tự. Vì thế hiện nay, các quan tham chạy trốn đã chuyển đích đến sang các nước châu Âu.
Mỗi quan tham chạy trốn mang theo 100 triệu tệ
Từ tháng 1/2003 đến cuối năm 2004, các ông chủ của 10 công ty niêm yết trên sàn nối nhau chạy trốn mang theo gần chục tỷ NDT, trong đó riêng Chung Vũ Kiếm, ông chủ Trung tâm bán buôn cao su Hải Nam đã ôm theo 500 triệu. Năm 2005, Cao Sơn, Giám đốc chi nhanh Ngân hàng Nhân dân Cáp Nhĩ Tân chạy sang Canada ôm theo 1 tỷ NDT. Nhưng kỷ lục phải thuộc về Tiêu Hồng Bân, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Đông Giang, Thượng Hải khi chạy trốn đã mang theo 6 tỷ 227 triệu tệ (gần 1 tỷ USD).
Vợ chồng Trẫn Mãn Hùng, Giám đốc Cty phát triển thành phố Trung Sơn sau khi ôm tiền trốn sang Thái Lan, mua được hộ chiếu Thái liền thay tên đổi họ và…chỉnh hình. Trần Mãn Hùng đã đi phẫu thuật để thay đổi nhân dạng, kể cả việc tắm trắng da rồi bỏ tiền mở mấy ngân hàng, mua 2 ngôi nhà, 3 xe siêu sang, trà trộn vào giới thượng lưu bản địa.
Trình Tam Xương, kẻ bán đứt 27 xí nghiệp quốc doanh ở Hà Nam, kiếm được cả chục triệu rồi trốn sang Oackland, New Zealand mua biệt thự, xe hơi sống cuộc sống xa hoa. Dương Tú Châu, Phó giám đốc Ngân hàng Xây dựng tỉnh Chiết Giang trước khi chạy trốn đã mua 5 căn hộ cao cấp ở khu đất vàng New York, còn nhờ người thân mua thêm 5 tòa nhà ở Manhatan đem cho thuê để kiếm tiền.
Theo thống kê của báo chí Trung Quốc hồi cuối năm 2010, trong gần 30 năm qua có khoảng 4.000 quan tham Trung Quốc chạy trốn thành công, mang theo hơn 50 tỷ USD ra nước ngoài, tính bình quân mỗi tên “nuốt” trọn 100 triệu NDT tiền thuế của dân. Tuy nhiên, chỉ mới có có hơn 500 sa lưới trong 9 năm nỗ lực truy bắt.