Năm 1942, tại thôn Tây Tiền Đầu, gia đình Chu Nghĩa Sinh và Chu Tú Kim sinh con trai đầu lòng đặt tên Chu Nguyên Căn. Năm 7 tuổi, Chu Nguyên Căn vào tiểu học, do trùng tên với bạn nên đổi tên thành Chu Vĩnh Khang.
Gia đình họ Chu sống trong thôn Tây Tiền Đầu cùng 400 hộ dân khác, xung quanh là những cánh đồng lúa mỳ bạt ngàn. Dưới Chu Vĩnh Khang còn 2 em trai khác là Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh.
Ba anh em nhà họ Chu đều được mẹ là bà Chu Tú Kim chăm sóc, dạy dỗ chu đáo từ thuở nhỏ. Tuy nhiên, khi về già, sau khi bà Tú Kim về Liêu Ninh sống cùng cậu con cả là Vĩnh Khang được ít lâu, không hiểu vì lý do gì, bà treo cổ tự sát.
"Một nhà làm quan, cả họ được nhờ" là câu nói ứng với gia tộc họ Chu. Em trai của cựu trùm an ninh Trung Quốc, Chu Nguyên Thanh, từ một người chỉ mới học hết cấp II, leo lên giữ chức Cục phó Cục Tài nguyên đất quận Huệ Sơn, thành phố Vô Tích.
Sau khi kết hôn với con gái một quan chức có tiếng ở địa phương là bà Zhou Lingying, vị trí của ông Chu Nguyên Thanh càng được củng cố vững chắc. Bà Zhou cũng là một nữ doanh nhân có tiếng ở tỉnh Giang Tô. Hai vợ chồng Chu Nguyên Thanh - Zhou Lingying sống trong một căn hộ cao cấp ở thành phố Vô Tích.
Giông tố ập đến khi ngày 1.12.2013, hơn 10 nhân viên của cơ quan kiểm tra kỷ luật đến nhà của ông Chu Nguyên Thanh, tịch biên gia sản. Hai vợ chồng nhà ông Chu Nguyên Thanh lập tức bị bắt đi thẩm vấn vì tình nghi tham nhũng và lạm dụng chức quyền để trục lợi, đặc biệt là trong các vụ giải tỏa, thu hồi đất. Có nhiều tin đồn cho rằng, Chu Nguyên Thanh đã tự tử trong quá trình điều tra.
Một người em khác của ông Chu Vĩnh Khang là Chu Nguyên Hưng vốn kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng nhờ bóng của anh cả Chu Vĩnh Khang mà giàu kếch xù. Tiền đi liền với quyền. Ông Chu Nguyên Hưng cũng là người rất quyền lực ở Vô Tích.
Khi quyền lực của Chu Vĩnh Khang ngày càng mở rộng, cha con nhà Chu Nguyên Hưng còn "thầu" cả các vụ chạy án. Ngoài ra, ông Nguyên Hưng còn phát tài nhanh chóng nhờ vào các phi vụ chạy trường, mua quan bán chức.
“Nếu có người nào đó tìm việc làm hay công ty nào đang gặp khó khăn, họ có thể tìm đến Chu Nguyên Hưng” - một nguồn tin ở Tây Tiền Đầu cho biết.
Bản thân ông Chu Nguyên Hưng từng tự đắc rằng: “Một khi tôi bước ra khỏi cửa là có thể kiếm được ít nhất 400.000 NDT (tương đương 6.400 USD)”.
Trong khi đó, con trai của Chu Nguyên Hưng là Chu Hiểu Hoa nổi tiếng khắp nơi sau vụ bạt tai cảnh sát trong một lần bị cảnh sát giao thông chặn xe.
Ảnh hưởng của gia tộc họ Chu lớn đến mức, chẳng những Chu Hiểu Hoa không bị xử phạt vì "chống người thi hành công vụ" mà cảnh sát còn phải xin lỗi và bồi thường bộ quần áo cho "thiếu gia" Hiểu Hoa vì sơ ý làm bẩn trong lúc ẩu đả.
Từ đó trở về sau, cảnh sát giao thông ở Giang Tô hết mực cẩn trọng vì sợ bắt nhầm xe của người nhà họ Chu.
Tuy nhiên, sau khi ông Chu Vĩnh Khang thất thế, ông em trai dựa hơi anh, Chu Nguyên Hưng cũng thuộc diện bị điều tra. Có lẽ quá lo sợ nên ông Nguyên Hưng đột ngột qua đời ngày 10.2.2014.
Đám tang của đại gia Chu Nguyên Hưng diễn ra trong lặng lẽ, khi có mỗi bà vợ khóc than còn các anh em trong dòng họ đều đang bị bắt để điều tra.
Không chỉ người nhà được nhờ, mà đến quê hương của "con hổ" Chu Vĩnh Khang cũng được "thơm lây".
Giờ đây, tại thôn Tây Tiền Đầu có hẳn con đường rộng rãi, hiện đại với 8 làn xe chạy thẳng tắp tới thành phố Vô Tích. Dân làng ở đây không ngần ngại cho biết, nhờ phúc của gia tộc họ Chu mà họ có con đường to đẹp này. Dù vậy, người dân ở đây cho biết, ông Chu Vĩnh Khang rất hiếm khi về quê.
Tuy nhiên, trong một lần hiếm hoi về thăm quê hương hồi tháng 4.2013, ông Chu Vĩnh Khang dường như linh cảm trước việc mình bị bắt, ông này đi bắt tay và cười nói vui vẻ với nhiều người dân trong thôn (điều vô cùng hiếm xảy ra) và còn nói "có thể đây là lần cuối cùng được về thăm quê".
Đến nay, thôn Tây Tiền Đầu đang trở thành địa điểm du lịch hút khách khi người ta đổ về đây xem cơ ngơi bề thế của gia tộc họ Chu cũng như tìm hiểu những câu chuyện xung quanh gia tộc họ Chu từng giàu có và đầy quyền lực này.