Mang theo người vợ bị tâm thần và 3 con nhỏ, Liu Guijon, người thợ điện 47 tuổi, đã ở hàng tuần dưới gầm cầu gần Nhà ga Nam Bắc Kinh, chỉ có vài chiếc chăn và vài tấm bìa các-tông để chống trọi với cái lạnh. Nhà của họ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - cách Bắc Kinh 10 giờ đi tàu - song cả gia đình buộc phải ngủ vạ vật ở thủ đô để mong đòi lại lẽ phải.
Liu chỉ là một trong hàng nghìn người Trung Quốc tới Bắc Kinh để khiếu kiện lên chính quyền trung ương, đòi lại công lý sau những nỗ lực vô vọng tại địa phương.
Có một thực tế rằng, tại Trung Quốc, việc đi khiếu kiện vẫn được biết tới là rất ít hiệu quả. Các nghiên cứu của học giả Trung Quốc cho thấy, chỉ có khoảng 0,5 - 5% tổng số trường hợp được giải quyết.
Tuy nhiên, hàng triệu người dân nông thôn Trung Quốc vẫn tin vào biện pháp có nguồn gốc từ thời phong kiến này. Họ cho rằng vấn đề của họ chỉ có thể được giải quyết chỉ khi "hoàng đế" - trong trường hợp này là chính quyền trung ương - biết đến. Song nó cũng chứng tỏ rằng hệ thống tư pháp của Trung Quốc không phải là một "vị trọng tài công bằng".
Một khu vực tồi tàn được gọi là "Làng của những người khiếu kiện" tại Bắc Kinh chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Có không ít người đã liên tục đi đi về về, thậm chí ở lại thủ đô trong suốt nhiều năm, thu thập phế liệu và nhặt thức ăn thừa để sống qua ngày.
Những năm gần đây, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, ngày càng có nhiều người đổ xô tới Bắc Kinh để khiếu kiện. Họ mang theo biểu ngữ, tờ rơi, mặc áo viết những bức xúc của mình chỉ với hi vọng được lắng nghe. Song họ thường xuyên bị những nhân viên do chính quyền địa phương phái tới truy đuổi, vây bắt.
Nhiều người trong số đó bị bắt giữ hoặc bị gửi tới các trại cải tạo lao động. Ngôi làng của những người đi kêu oan cũng bị các nhà chức trách liên tục tới lục soát để dẹp bỏ. Dù vậy, họ dường như vẫn không từ bỏ hi vọng khi tiếp tục quay lại Bắc Kinh và chấp nhận sống vạ vật ở các đường hầm, bờ sông...
Dưới đây là một vài trong số hàng nghìn người dân Trung Quốc đã tới Bắc Kinh để mong được lắng nghe và có thể tìm lại những gì họ cho là lẽ phải:
Ông Nurdun Tuniyaz, 64 tuổi, người Duy Ngô Nhĩ, ngồi hút một điếu thuốc bên cạnh một con sông tại thủ đô Bắc Kinh. Băng ghế gỗ ở bờ sông này chính là giường ngủ của ông trong những ngày đi khiếu kiện.
Aygu Tohiyti, 41 tuổi, người Duy Ngô Nhĩ, ngồi trên một tấm nệm bẩn được dùng làm bàn ăn kiêm giường ngủ của mình tại một góc phố ở Bắc Kinh. Tohiyti đã lặn lội từ Kashgar tới thủ đô để đi tìm công lý.
Bữa cơm chung của những người khiếu kiện Duy Ngô Nhĩ. Họ cùng nhau góp tiền và sức lực để trang trải cho những nhu cầu về đồ ăn, căn lều tạm và quần áo.
Ông Xu Jiugui, 72 tuổi, ngồi ở nơi mà những người khiếu kiện tập trung lại để dựng lều vải, đòi công lý. Tuy nhiên, những căn lều này bây giờ đã bị các nhà chức trách dẹp đi. Ông đã tới Bắc Kinh để khiếu kiện từ năm 1986 sau khi giấy tờ tuỳ thân và sổ hộ khẩu của mình bị tịch thu từ những năm 1960.
Cậu bé Abbas ngủ trong lều tạm được dựng ở ven sông tại Bắc Kinh. Abbas cùng mẹ, Nurungul Tohti, 35 tuổi, tới Bắc Kinh từ tháng 3/2011 để khiếu kiện việc cậu bị một người phụ nữ bắt cóc và cưỡng bức tại quê hương mình ở thành phố Đại Liên.