Những con số khủng khiếp trong vụ tham nhũng chấn động Thái Lan

My Lan |

Nhiều thông tin chấn động về quy mô và số tiền mà đường dây phạm pháp do tướng Thái Lan Pongpat cầm đầu đang ngày càng được hé lộ.

Trung tướng Pongpat Chayapan, cựu Cục trưởng Cục điều tra Trung ương Thái Lan (CIB) đã bị tạm giam vì cáo buộc cầm đầu một mạng lưới thu lợi bất chính thông qua hàng loạt các hành vi phạm pháp.

21 nhân vật thuộc đường dây này – trong đó có 6 các tướng lĩnh cấp cao và 3 người thân của Vương phi Thái Lan, người vừa bị tước tên hoàng tộc, cũng nằm trong danh sách bị điều tra.

Nhiều người bị bắt giữ, một số khác đã bỏ trốn.

Tham nhũng, tổ chức cờ bạc trái phép, rửa tiền, khi quân phạm thượng... là một vài trong số những cáo buộc mà các đối tượng này đang phải đối mặt.

Chiến dịch truy quét tham nhũng dường như vẫn chưa kết thúc. Báo Thái Lan Bangkok Post dẫn lời Cảnh sát trưởng Thái Lan, tướng Somyot Pumpanmuang, cho hay, sẽ có thêm các quan chức nữa bị “sờ gáy”.

3 – 5 triệu baht/”suất” thăng chức

Đường dây nhận hối lộ của Pongpat

Đường dây nhận hối lộ của Pongpat

Nhờ danh tiếng và vị trí cấp cao, Pongpat cùng cấp dưới đã thực hiện trót lọt nhiều vụ mua bán quan chức trong ngành cảnh sát và hệ thống toà án.

Cựu Cục phó CIB, Thiếu tướng Kowit Wongrungroj, và cựu lãnh đạo đội 1 thuộc Đơn vị triệt phá tội phạm (CSD), đại tá Akkharawut Limrat, chính là người đã “dẫn mối” cho Pongpat nhận tiền.

Hàng loạt các tướng tá cảnh sát cấp cao nước này tại Đơn vị cảnh sát biển, Phòng cảnh sát bảo vệ Người tiêu dùng, Phòng cảnh sát Nhập cư... cũng bị phát hiện có dính líu.

Theo Bangkok Post, chi phí cho một lần “chạy" lên vị trí cao hơn là 3 – 5 triệu baht. Tính từ ngày 1/10/2010 tới ngày 11/11/2014, tổng số tiền mà chúng thu được đã lên tới khoảng 50 triệu baht.

Trước đó, từng có nhiều lời xì xào về những lần luân chuyển công tác không công bằng cũng như những hành vi nhận hối lộ của bè nhóm Pongpat.

Khi được hỏi vì sao sự việc tái diễn trong nhiều năm mà không có bất cứ động thái nào ngăn chặn, Trưởng cảnh sát Somyot cho biết, bản thân ông cũng không hiểu vì sao chúng xảy ra dưới thời những cảnh sát trưởng tiền nhiệm.

50 quan chức trong bản danh sách nhận hối lộ hàng tháng

1 – 2 triệu baht là số tiền mà Thiếu tướng Boonsueb Phraithuean, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát biển bị cáo buộc đã nhận mỗi tháng từ đường dây buôn lậu dầu mỏ ở phía nam do Sahachai Chiansoemsi (biệt hiệu Sia Jo) cầm đầu.

Con số này chỉ bằng khoảng 1/12 lần những gì mà chính Boonsueb khai nhận sau khi bị bắt.

Boonsueb được cho là đã “cống nộp” 118 triệu baht cho Pongpat và 35 triệu baht cho Kowit để hành vi trái phép này diễn ra “trót lọt” trong suốt gần 3 năm, từ 28/12/2011 - 18/6/2014.

Các điều tra viên Thái Lan đã tìm thấy trong khối tài sản của Sia Jo những giấy tờ ghi lại các lần “giao dịch” với quan chức.

Tướng Somyot, cho hay, có khoảng 50 cái tên xuất hiện trong bản danh sách.

Trong đó có cả các quan chức thuộc Bộ Nội vụ, Cơ quan điều tra đặc biệt, Cục Hải quan, Cục thuế, các quan chức thực thi pháp luật và nhân sự trong hệ thống toà án nước này.

Ông Somyot khẳng định: "Gần như tất cả các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề về an ninh ở phía nam đều có người nhận hối lộ".

Cũng nhờ mối quan hệ “thân thiết” với cảnh sát mà Sia Jo đã thoát được án tù 1 năm 9 tháng vì tội làm giả giấy tờ.

Quyền trưởng đơn vị CSD Akaradech Pimolsri cho hay, cơ quan này đã giải thể 16 trung tâm uỷ ban đặc biệt nhằm ngăn chặn các hành động hối lộ.

Sau khi đường dây của Pongpat bị phanh phui, Thái Lan đã mở cuộc điều tra hành vi hối lộ của một nhóm doanh nhân, chính trị gia... trong các phi vụ buôn lậu dầu mỏ, thuốc phiện ở khu vực biên giới phía nam.

Pongpat bị bắt giam

Pongpat bị bắt giam

Lợi dụng Hoàng gia, bắt cóc tống tiền

Được sự hậu thuẫn của Pongpat, đường dây chuyên bắt cóc, tống tiền, thu nợ trái phép - trong đó có cả sĩ quan cảnh sát - đã ngang nhiên mượn danh Hoàng gia để “làm càn”.

Một trong những sự vụ đình đám nhất bị cảnh sát khui ra là cuộc hợp tác giữa đường dây này và tỉ phú Nopporn Suppipat, nhằm ép chủ nợ của Nopporn là ông Bandit Chotwitthayakul phải giảm nợ từ 120 triệu baht xuống còn 20 triệu baht.

Đổi lại, nếu thành công, những kẻ này sẽ nhận được từ vị tỉ phú 10% tổng số tiền “đàm phán” được.

Điểm đáng chú ý là, 3 người thân của Vương phi Thái Lan được mang tên Hoàng tộc, đã lợi dụng mối quan hệ với Hoàng gia để dọa nạt ông Bandit, hòng đạt mục đích

Trong khi đó, Pongpat và cấp dưới của mình là Kowit cũng bị cáo buộc tổ chức song bạc trái phép tại tỉnh Huai Khwang và phao tin dối trá rằng, toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp về Hoàng gia.

Mới đây, toàn bộ gia đình Vương phi Thái Lan, trong đó có cả 3 người này, đã bị tước tên Hoàng tộc.

Những kẻ làm xấu hình ảnh Hoàng tộc, mượn danh Hoàng gia để trục lợi này đang đứng trước cáo buộc “khi quân phạm thượng”.

Trước khi ngồi lên ghế Cục trưởng CIB, Pongpat đã từng được biết tới là một sĩ quan cảnh sát có nhiều thành tích trong phá án.

Trong số các vụ mà Pongpat triệt phá thành công, có nhiều vụ liên quan tới nhóm tội phạm quốc tế, buôn bán ma túy, các vụ án tham nhũng có dính líu tới các cơ quan chính phủ.

Là bạn học cùng trường Học Viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan với Cảnh sát trưởng và phó Cảnh sát trưởng Quốc gia, Pongpat đã thăng tiến nhanh trên con đường quan lộ.

Pongpat từng làm việc tại một số đồn cảnh sát ở Bangkok và CSD.

Pongpat đã từng tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước, đồng thời đi giảng cho nhiều học viện – cả trong ngành cảnh sát cũng như dân sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại