Nhà khá giả thì nhất định phải có tủ lạnh
Không ai có thể biết chính xác số gia đình “giàu ngầm” ở Triều Tiên, vì phần lớn họ có tiền nhờ người thân ở nước ngoài gửi về, và chẳng ai muốn khoe khoang điều đó. Nhưng còn những người “giàu nổi” thì sao? Theo một vài thống kê, thì số người khá giả chiếm khoảng 10% dân số Triều Tiên, trong đó chủ yếu là quan chức, sĩ quan quân đội, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước...
Im Kyong-hun, một phụ nữ Triều Tiên đã sang Hàn Quốc sống vài năm trước kể rằng: “Ở Triều Tiên, một gia đình được coi là trung lưu nếu họ không phải lo lắng gì về chuyện ăn mặc hàng ngày và có "chỉ số 5 & 5. Tức là trong nhà phải có 5 thứ đồ nội thất bao gồm giá để giày, tủ chén bát, tủ chăn màn, tủ quần áo, giá sách và 5 thứ đồ điện: tivi, tủ lạnh, đầu đĩa, quạt điện, máy giặt”.
Người giàu ở Triều Tiên rất chuộng mua tủ lạnh.
Vào lúc mà ngay cả thủ đô Bình Nhưỡng cũng đang rơi vào tình trạng thiếu điện, thì việc có tivi cũng không đến mức là điều vô lý, bởi nó có thể hoạt động ổn định ngay cả khi phải dùng máy phát điện. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là tủ lạnh - vốn khó có thể chạy bình thường khi thiếu điện - cũng là thứ mà ngay cả một số người dân ở nông thôn cũng cố sắm về.
Tủ lạnh đang được cho là một vật dụng quan trọng để người có chút ít tiền bạc ở Triều Tiên chứng minh đẳng cấp của mình. Một gia đình khá giả thì nhất định là phải có tủ lạnh, không thể khác được. Thế là người ta tích góp để mua tủ lạnh, dù là sau đó, nó có thể chỉ dùng để sách báo, vì không có điện mà chạy.
Tất nhiên, cũng có những gia đình có được nguồn điện ổn định nhờ kí “thỏa thuận chui” với chỉ huy doanh trại quân đội hay quản lí lưới điện địa phương. Với số tiền 7 USD mỗi tháng, một đường dây điện sẽ được bí mật ròng từ nhà tới trạm điện hoặc một doanh trại quân đội gần đó - nơi có nguồn điện ưu tiên, không bao giờ bị cắt.
Ở đẳng cấp cao hơn, giới thượng lưu Triều Tiên thường lui tới các địa điểm sang trọng như nhà hàng sushi, quán bia, quán karaoke – nơi mà chỉ một ly rượu cũng có giá tới 12,5 USD…. Họ tán gẫu, thoải mái xem các chương trình truyền hình nước ngoài trên tivi treo ở tường nhà. Nhiều người còn diện đồ hiệu.
“Dĩ nhiên là có cả BMW và Mercedes chạy trên các con đường Bình Nhưỡng”
Tại cửa chờ làm thủ tục ở sân bay Bắc Kinh, vào những lúc có chuyến bay đến Triều Tiên, không khó để bắt gặp những vị khách trật tự xếp hàng, bên cạnh là xe đẩy chất đầy tủ lạnh, máy giặt, tivi.
Ông Andray Abrahamian, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Choson Exchange, một người thường xuyên đi lại giữa Bắc Kinh - Bình Nhưỡng cho biết đây không phải cảnh tượng hiếm gặp: “Khi người Triều Tiên có cơ hội ra nước ngoài đi công tác thì bao giờ họ cũng tranh thủ mua về rất nhiều đồ dùng sinh hoạt".
Để phục vụ nhu cầu này, một số cửa hàng ở Bắc Kinh có dịch vụ chuyển đồ qua biên giới cho khách hàng Triều Tiên. Chị Cao, chủ một cửa hàng phía sau Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh cho biết: “Khách hàng có thể chọn các thiết bị nhà bếp ở đây rồi chúng tôi sẽ gửi chúng về Triều Tiên cho họ chẳng khó khăn gì”.
Một dãy cửa hàng phía sau Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh, chủ yếu phục vụ người Triều Tiên.
Theo một khảo sát của Liên Hợp Quốc và số liệu thương mại từ phía Trung Quốc được đưa ra năm 2012, lượng xuất khẩu các mặt hàng như xe hơi, thuốc lá, máy tính xách tay, điện thoại di động và hàng điện tử gia dụng, đa phần là từ Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua.
Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, năm 2012, nước này đã xuất khẩu sang Triều Tiên 77,5 triệu USD các loại ngọc trai, đá quý, kim loại quý và tiền kim loại, 266,9 triệu USD thiết bị âm thanh và tivi - cao gấp 3 lần so với năm 2007.
Ông Stewart Lone, giáo sư lịch sử người Úc từng đến dạy tiếng Anh tại thủ đô Triều Tiên cũng khẳng định: “Dĩ nhiên là có cả BMW và Mercedes chạy trên các con đường Bình Nhưỡng”. Theo vị giáo sư này, mặt hàng xa xỉ mà ông hay bắt gặp nhất ở Triều Tiên là rượu, đặc biệt là Chivas Regal.