Những bí mật của Hitler cất giấu ở đâu?

“Tàu ngầm dưới đất”, “máy bay siêu phản lực”, “đại bác mặt trời”, “con trăn Midgarda”... là những tia hy vọng mà giới chóp bu của nước Đức phátxít cho rằng có thể thay đổi kết cục của Thế chiến II.

Tuy nhiên, đã gần 70 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc mà chẳng ai được nhìn thấy những “vũ khí màu nhiệm” đó của Hitler. Vậy, chúng có thật không, đã được chế tạo tới đâu và cất giấu nơi nào? Hay những “tác phẩm” giết người đó mới chỉ có trên bản vẽ hoặc chế tạo dở dang...?

Vào những ngày cuối của cuộc chiến, theo sự thỏa thuận giữa quân đội Mỹ và Hồng quân Xôviết, quân đội hai bên không được tự ý chiếm lĩnh những nơi đã được phân vùng của lãnh thổ Đức.

Ngày 6.5.1945, Tổng chỉ huy quân đội Đồng minh - Đại tướng Mỹ Aixenhao - đã hạ lệnh cho quân đội mình không được vào những vùng mà Hồng quân Xôviết “sẽ chiếm theo thỏa thuận”. Thế nhưng, bất chấp lệnh đó, sư đoàn xe tăng số 16 do tướng Pattôn chỉ huy đã tự tiện ào ạt tới chiếm thành phố Penzen còn “bỏ ngỏ” - gần thủ đô Praha của Tiệp Khắc. Vì sao? Vì tình báo Mỹ muốn nhanh chóng tới đó để nghiên cứu những hầm ngầm dưới nhà máy “Skoda” - nơi cho là trung tâm nghiên cứu của tổ chức SS do Ganxơ Kamler đứng đầu đang thiết kế chế tạo “vũ khí thần diệu” (“Wunderwaffe”).

Ngày 12.5.1945, do sự phản đối kịch liệt của Liên Xô, đội quân Mỹ này mới chịu rút đi để Hồng quân Xôviết tới tiếp quản. Vậy thì người Mỹ đã muốn tìm kiếm những gì nơi đây?

“Quả chuông” của Hitler

Sức mạnh ghê gớm của “con trăn Midgarda”

Nhà sử học, tác giả của cuốn sách “Sự thật về “vũ khí thần diệu” - Wunderwaffe” - Igor Vitcôpxki - đã tuyên bố trước báo giới: Các nhà tình báo Mỹ đã làm một việc sai lầm. Họ đã tin rằng người Đức chế tạo vũ khí hạt nhân. Những tài liệu đó như là đã cố “đào bới” được ở thành phố Penzen.

Nhưng thực ra việc chế tạo bom nguyên tử đã chấm dứt vào năm 1942, bởi nước Đức không có đủ urani. Còn các hồ sơ tư liệu khác thì họ không để ý tới. Khi Penzen rơi vào tay Hồng quân Xôviết, các bản vẽ của nhân vật cấp cao SS Kamler ở nhà máy “Skoda” đã được niêm phong và đưa về Liên Xô. Hiện nay, những tư liệu đó đang được lưu giữ ở phòng lưu trữ của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tại thành phố Pôđônsk (ngoại ô Mátxcơva) dưới con dấu “Tuyệt mật”. Tôi đã gửi tới nơi đó yêu cầu được xem tư liệu ấy, nhưng không được trả lời. Vậy là nhờ sự ngốc nghếch của người Mỹ mà đặc nhiệm của Liên Xô có được những tư liệu nghiên cứu quan trọng của Kamler.

Tên “đầu não khoa học” của Hitler, Ganxơ Kamler, thì đã biến mất. Nhiều người cho rằng có thể hắn đã chạy trốn sang Nam Mỹ. Igor Vitcôpxki cho rằng Kamler trước khi kết thúc chiến tranh đã có những bàn thảo với người Mỹ. Chính nhờ việc đó mà người Đức đã không kịp sử dụng những hóa chất chết người (ví như zomane và E-600) ở mặt trận phía tây. Những chất này được các phòng thí nghiệm của “trung tâm não bộ SS” sản xuất, Kamler thì lưu giữ chúng trong các kho súng đạn.

Dữ liệu về các cuộc thỏa thuận cũng được Bộ trưởng Bộ Trang bị quân lực Đức Anbert Spier chỉ rõ trong hồi ký: Vào tháng 4.1945, Kamler gặp hắn ở Berlin sau khi thông báo rằng vị này có ý định chuyển giao cho Mỹ tất cả những công trình của mình và nhóm các nhà khoa học của “trung tâm não bộ SS” để đổi lấy việc có thể cho hắn trốn sang Argentina. Tới mùa thu 1945, sau một loạt hỏi cung các nhà chế tạo tên lửa Đức, người Mỹ mới hiểu rằng, những bí mật ở Penzen họ đã để tuột đi. “Sau đó, các đội đặc nhiệm Mỹ đã bắt tay vào việc săn lùng giới chóp bu về khoa học của Đệ Tam Đế chế” - Vitcôpxki khẳng định - “Họ đã truy lùng tất cả những ai có quan hệ với “văn phòng Kamler”.

Vậy “trung tâm não bộ SS” ở nhà máy “Skoda” đã nghiên cứu những gì? Tại Áo, Czech và Đức, quân đồng minh đã tìm được hơn 600 hầm ngầm có khả năng phóng tên lửa tầm xa A-10 tới Mátxcơva và London. Kamler cam đoan rằng các máy bay cường kích phản lực (loại Mesershmitt-262) lần đầu cất cánh trên thế giới do các nhà máy ngầm dưới đất ở gần Mauthauzen sản xuất. Ở thành phố Königskerg, họ đã cố gắng chế tạo “laze cao xạ” và “con trăn Midgarda”. Nó là một thiết bị máy dạng đoàn tàu kéo toa xe. Mỗi một “con trăn Midgarda” đó có sức chở hàng ngàn quả bom 250 kilôgam, có thể hủy diệt các thành phố của nước Anh.

Mạnh hơn bom nguyên tử

“Thật khó tin rằng chỉ một người có thể điều khiển cả một đế chế dưới đất” - nhà sử học Czech Caren Matexki nói. Nhưng Hitler thì đánh giá cao khả năng làm việc của Ganxơ Kamler. Phòng thiết kế ở Penzen đã xem xét mọi sáng chế, trong đó cả những công trình hoang đường nhất.

Ngày 9.6.1945, ở Paris, vị trung tá quân đội Hoa Kỳ John Kek đã giới thiệu với báo giới sơ đồ của “đại bác mặt trời” (Sonnengewehr) - một sản phẩm khác được chế tạo dưới quyền Kamler. Sử dụng các bản vẽ thiết kế của kỹ sư German Obert, người Đức phác thảo kế hoạch chế tạo tấm gương phản chiếu có đường kính 200 mét trong vũ trụ để hội tụ năng lượng mặt trời. Nếu “đại bác mặt trời” được chế tạo thành công, thì nó sẽ tạo nên một sức mạnh hơn bom nguyên tử, có thể thiêu đốt một số thành phố chỉ trong vài giây đồng hồ. Nhưng quốc trưởng Hitler cho rằng chế tạo công trình này quá đắt đỏ.

Tuy nhiên, “đại bác mặt trời”, “máy bay siêu phản lực”, “con trăn Midgarda” không phải là mục đích chính của Kamler. Dựa vào các biên bản khai cung các tên tướng SS Rudolph Shuster và Iacob Shporenberg ở Ba Lan, nhà sử học Igor Vitcôpxki khẳng định: Trung tâm ở Penzen đã hoàn thành một bước đột phá trong công nghệ vũ trụ.

Do vậy mà trong một tháng trước khi Berlin bị hạ, Hitler không ngừng hy vọng vào “vũ khí thần diệu” sẽ cứu nguy cho nước Đức Quốc xã. “Những thành tựu” đạt được trong kỹ thuật tên lửa và chế tạo các loại máy bay đã vượt qua Mỹ và Liên Xô tới 10-15 năm - Vitcôpxki xác nhận - Giá như không có những tư liệu khoa học của Kamler thì không biết khi nào người Mỹ mới hoàn thành được chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của mình. Và có thể tự tin nói rằng: Người Mỹ mở được cánh cửa của mình đi vào vũ trụ là nhờ những bí mật của Đệ Tam Đế chế”.

Đồ án thiết kế chủ yếu của Ganxơ Kamler được gọi là “Die Glocke” (Quả chuông). Kết quả này khiến Kamler được Hitler tin tưởng, được phong các danh hiệu cao, nhiều phần thưởng động viên và được giao quyền hành rộng rãi. Đó là do giới lãnh đạo nước Đức cho rằng loại vũ khí này sẽ thay đổi cục diện giai đoạn cuối của Thế chiến II. Những thử nghiệm của “Quả chuông” và các hạng mục công trình kèm theo đã diễn ra cách thành phố Vrôxláp của Ba Lan (lúc đó còn thuộc Đức, gọi là Brexlau) không xa.

Để giữ gìn bí mật đó, tất cả 60 nhà khoa học làm việc cho chương trình này đã bị bắn chết và chôn ở nghĩa trang gần đó để bịt đầu mối. Còn chính bố đẻ của “Die Glocke” cùng với các chiến hữu thân cận, trong đó có giám đốc nhà máy “Skoda” Vinhem Phôx là chiến lợi phẩm của tình báo Mỹ. Những tư liệu và bản vẽ của “vũ khí thần diệu” (thu được ở Penzen và Vrôxlap thì Liên Xô nắm giữ được.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại