Trong 2 ngày 16/11-17/11,Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm 2 nước Lào và Campuchia, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản kể từ năm 2000. Ông Abe rời hai nước Đông Nam Á này với những thành quả khiêm tốn như các thỏa thuận viện trợ xây dựng cầu đường và đường sắt.
Nhưng mục đích chính của chuyến thăm này là gửi một thông điệp tới Bắc Kinh. Ông Abe nhậm chức chưa đầy một năm và đã tới thăm toàn bộ 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trước đó, chưa một nhà lãnh đạo Nhật Bản nào làm như vậy. Trong lúc Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, ông Abe tìm cách giành sự ủng hộ của các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, kể cả các nước như Lào và Campuchia, những quốc gia từ trước tới nay có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Abe chưa lần nào hội đàm chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Do nhiều quốc gia ASEAN cũng đang tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc nên chắc chắn ông Abe sẽ có cơ hội để tăng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản, đặc biệt với những nước có cùng lo ngại về mối đe dọa từ “kẻ thù chung” Trung Quốc.
Trong lúc cố gắng thắt chặt quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, ông Abe lại vừa nhận được một “cú hích” mới từ phản ứng vụng về của Trung Quốc trước thảm họa bão Haiyan ở Philippines.
Giận dữ vì bị Manila kiện lên Tòa án Liên Hợp Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ban đầu Trung Quốc tuyên bố chỉ gửi số tiền viện trợ ít ỏi 100.000 USD cho Philippines sau cơn bão. Sau khi bị dư luận thế giới chỉ trích, Bắc Kinh tăng số tiền đó lên 1,6 triệu USD, nhưng con số đó vẫn quá ít ỏi so với 30 triệu USD tiền cứu trợ từ Nhật Bản, chưa kể tới các khoản cứu trợ hào phóng từ các đồng minh của Tokyo: Hoa Kỳ cam kết cứu trợ 20 triệu USD và Australia cam kết gửi khoản cứu trợ trị giá 28 triệu USD.
Các quốc gia như Philippines đặc biệt hào hứng với thông điệp trên của ông Abe do nền kinh tế và quân đội của họ quá nhỏ bé so với Trung Quốc. Nhật Bản đang chuẩn bị cung cấp tàu tuần tra cho lực lượng canh gác bờ biển Philippines và cân nhắc một kế hoạch tương tự với Việt Nam. Nhật Bản cũng đang tiến hành các cuộc tập trận chống khủng bố với Indonesia.
Sự trợ giúp của Nhật Bản vừa có thể giúp các quốc gia ASEN chống lại một kẻ thù chung khác – cướp biển ở Ấn Độ Dương, và vừa giúp các nước này chống đỡ lại tầm ảnh hưởng từ “người khổng lồ châu Á” Trung Quốc.
“Một số quốc gia thành viên ASEAN rất nhạy cảm trước ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc”, chuyên gia Tetsuo Kotani tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Nhật Bản nhận định.
Ông Kotani cho rằng bằng cách thúc đẩy quan hệ quân sự giữa Nhật Bản và các quốc gia này, “chúng tôi (Nhật Bản) đang đảm bảo với họ rằng chúng tôi sẽ luôn kề vai sát cánh bên các quốc gia ASEAN. Do các quốc gia láng giềng đang tự nâng cao năng lực, Trung Quốc sẽ phải nghĩ kĩ trước khi có hành động nào quyết liệt”.
Trong khi đó, báo chí nhà nước Trung Quốc tỏ ra khó chịu trước hành động của Thủ tướng Nhật.
“Abe đang tìm cách ép buộc các quốc gia không tham gia tranh chấp trên Biển Đông phải lựa chọn (giữa Nhật Bản và Trung Quốc)”, Lu Yaodong, Trưởng khoa Ngoại giao thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận xét trong bài viết có tiêu đề “Abe bận bịu tới thăm ASEAN để đối đầu Trung Quốc” trên tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily).
Bài báo này dẫn nhận định của các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đã “thổi phồng căng thẳng trên Biển Đông để tăng ảnh hưởng của nước này trong khu vực”.