Đụng vào Nhật Bản, chiến lược “cải bắp” của TQ sẽ bị nghiền nát

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Trung Quốc toan tính mở rộng chiến lược “cải bắp” ra biển Hoa Đông. Nhưng đối thủ của Bắc Kinh lần này là Nhật Bản chứ không phải Philippines.

Tướng diều hâu Trung Quốc Trương Triệu Trung có lần từng huênh hoang đề cập tới cái gọi là chiến lược “cải bắp” trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Theo giải thích của New York Times thì đó là kế hoạch “phong tỏa một khu vực tranh chấp bằng nhiều loại tàu thuyền: tàu đánh cá, tàu ngư chính, tàu hải giám và tàu hải quân, theo nhiều lớp bao bọc, cuộn lại giống như những bẹ lá của cải bắp”.

Mưu đồ của Trung Quốc với chiến lược “cải bắp” không phải là điều mới, nó đã từng được vạch trần trong rất nhiều ấn phẩm quốc tế. Tuy nhiên, nhìn vào những hành động của Trung Quốc hơn 2 năm qua, người ta phải đặt ra câu hỏi liệu cái chiến lược “cải bắp” ấy có đang được Bắc Kinh chuyển sang một giai đoạn chủ động hơn ngoài Biển Đông và thậm chí vươn tới cả những vùng biển mạo hiểm hơn?

 	Tàu hải giám – một trong những “bẹ lá” để Trung Quốc thực hiện chiến lược “cải bắp”

Tàu hải giám - một trong những “bẹ lá” để Trung Quốc thực hiện chiến lược “cải bắp”

Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh yêu sách đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 28/10, theo hãng tin Kyodo, 4 tàu bảo vệ bờ biển của Bắc Kinh đã đi vào khu vực xung quanh các hòn đảo. Đó là kiểu xâm nhập đầu tiên dạng này kể từ ngày 1/10 nhưng quan trọng hơn lại là vụ việc thứ 68 kể từ khi Tokyo mua lại những hòn đảo từ các chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản hồi tháng 9/2012.

Khi một tàu tuần tra Nhật Bản yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực thì một trong những chiếc tàu đó đáp lại rằng những hòn đảo này thuộc “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc từ thời cổ đại”.

Làm cho vấn đề càng phức tạp hơn, yêu sách của Trung Quốc có thể càng đạt được tầm cao mới. Tháng 5/2013, trong một bài bình luận trên Nhân dân Nhật báo, các tác giả Trung Quốc còn đòi nước này tuyên bố chủ quyền ở cả Okinawa và Ryukyu. Dù khi đó, chính phủ Trung Quốc nhanh chóng tảng lờ những đòi hỏi như vậy nhưng hành động gần đây của họ lại chứng tỏ điều ngược lại.

Theo tờ Financial Times, Chủ nhật vừa qua là ngày thứ 3 liên tiếp Tokyo đã phải điều máy bay chiến đấu đối phó với các chuyến bay quân sự của Trung Quốc trên bầu trời quần đảo Okinawa. Bài báo cũng nhấn mạnh: “Một máy bay do thám của Trung Quốc đã bị Lực lượng Phòng không Nhật Bản phát hiện vào hôm thứ Sáu (24/10) và một lần nữa vào cuối tuần qua, lần này đi cùng với một máy bay ném bom phản lực”.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có đẩy mạnh những tuyên bố của mình theo cách quyết liệt hơn? Ví dụ như, Bắc Kinh có thể bao vây quần đảo Senkaku theo kiểu chiến lược “cải bắp” trong tương lai gần?

Tuy nhiên, đúng như chủ đề một bài viết trên tờ New York Times: Nhật Bản không phải là Philippines. Tokyo có nhiều cách để đáp trả một hành động như vậy của Trung Quốc, trong đó sẽ có sự hậu thuẫn đắc lực từ đồng minh Mỹ hùng mạnh, nước cũng đang có rất nhiều trang thiết bị đặt tại Nhật Bản. Khi đó, lời nói cứng rắn có thể sẽ được kèm theo cả hành động cứng rắn hơn.

Những động thái như vậy của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông có thể cũng đã tới ngưỡng mà Tokyo có thể chịu đựng được. Trong cuộc phỏng vấn ngày 25/10 trên tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ rõ ý định nước ông sẵn sàng giữ một vai trò an ninh quyết đoán hơn ở châu Á, đặc biệt là đối với các hành động của Trung Quốc vối gây căng thẳng trong nhiều năm gần đây.

“Có những lo ngại cho rằng Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, chứ không phải bằng luật pháp. Nếu Trung Quốc lựa chọn con đường này, thì họ sẽ không thể trỗi dậy hòa bình”, ông Abe giải thích.

Những phát biểu trên cùng với thông tin Nhật Bản có thể bắn hạ máy bay do thám nước ngoài xâm phạm lãnh thổ của mình có vẻ như là lời đe dọa ngầm nhằm vào Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải rút lại những tuyên bố có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại