Quan hệ Trung - Nhật xấu đi trong những năm gần đây vì mâu thuẫn chủ quyền đối với một quần đảo không có người ở trên biển Hoa Đông.
Năm ngoái, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc dừng xây dựng các giàn khoan thăm dò dầu khí trên biển Hoa Đông.
Tokyo cáo buộc Bắc Kinh đơn phương đưa giàn khoan ra vùng biển này, bất chấp thỏa thuận hai nước đạt được năm 2008 nhằm duy trì hợp tác phát triển các nguồn tài nguyên ở khu vực, nơi chưa có đường biên giới chính thức giữa hai nước.
Nhưng Trung Quốc khi đó nói rằng họ có quyền khoan dầu khí ở vùng biển gần với khu vực tranh chấp với Nhật Bản.
Nghị quyết của đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản đưa ra hôm qua kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Abe yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng nối lại đàm phán về vấn đề khoan dầu khí, cũng như phải cân nhắc việc đưa vấn đề ra tòa án trọng tài quốc tế.
“Nếu Trung Quốc từ chối đề nghị, cần phải có hành động nào đó”, Reuters dẫn lời ông Yoshiaki Harada, Chủ nhiệm Ban Phát triển nguồn lực trên biển Hoa Đông của LDP, nói với báo giới.
“Mọi người đều nhất trí rằng, chúng ta không được e ngại việc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế và phải cân nhắc việc bắt đầu chuẩn bị cho bước đi đó”, ông Harada nói sau cuộc họp của LDP.
Không có cuộc họp song phương nào về vấn đề phát triển nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông trong những năm gần đây, cho dù Nhật Bản nhiều lần kêu gọi nối lại đối thoại, ông Harada cho biết.
Trong khi đó, liên quan vấn đề biển Đông, chỉ huy Hải quân Mỹ hôm qua cảnh báo, nếu Mỹ mất khả năng tiếp cận những vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, họ sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả sâu rộng, không chỉ riêng vấn đề quân sự.
Phát biểu tại hội nghị về an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng, việc các tàu chiến thực hiện sứ mệnh khẳng định tự do hàng hải qua các khu vực tranh chấp liên quan nhiều nước “không chỉ là vấn đề hải quân”.
Theo ông Swift, vấn đề này tác động lên kinh tế toàn cầu và luật pháp quốc tế.
Đô đốc Swift nhận định, có một “cảm giác rõ ràng” rằng thái độ “kẻ mạnh là kẻ đúng” đang trở lại khu vực sau 70 năm an ninh và ổn định sau Thế chiến II.
Trong khi Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực trong chiến lược xoay trục sang châu Á, ông Swift cho rằng, không cần có thêm các cơ sở quân sự ở những nước như Úc.
“Không cần phải như vậy, sẽ là gánh nặng cơ sở vật chất nếu chúng tôi mở rộng cơ sở. Đó không phải điều tôi sẽ ủng hộ”, ông Swift nói.
Argentina đánh chìm tàu cá Trung Quốc
Lực lượng chức năng Argentina hôm 15/3 đánh chìm một tàu đánh cá Trung Quốc khai thác trái phép trên vùng biển thuộc nam Đại Tây Dương của nước này, sau khi con tàu cố tình bỏ trốn và đâm va một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina, AP đưa tin.
AP dẫn thông báo của lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina nói rằng, tàu Lu Yan Yuan Yu 010 đánh bắt không phép trên vùng biển ngoài khơi Puerto Madryn, cách thủ đô Buenos Aires của Argentina 1.300km về phía nam, và thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Con tàu từ chối yêu cầu bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha từ lực lượng Argentina về việc để họ kiểm tra, sau đó tắt hết đèn và tìm cách chạy ra ngoài vùng biển quốc tế.
Tàu vi phạm còn cố tình va chạm với tàu tuần tra của Argentina, nên đã bị lực lượng Argentina bắn vào nhiều vị trí. Thuyền trưởng sẽ phải ra tòa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo trên trang web rằng, họ đã nhận được thông tin 32 thuyền viên trên tàu được cứu an toàn, Xinhua đưa tin hôm qua.
Bắc Kinh bày tỏ “quan ngại sâu sắc về vụ việc”, và kêu gọi Argentina điều tra toàn diện ngay lập tức, và cung cấp thông tin chi tiết cho Trung Quốc”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói.
Vụ việc xảy ra khi quan hệ hai nước được kỳ vọng sẽ đạt tới “những chân trời mới” chưa từng có, như lời của lãnh đạo hai nước nói trong chuyến thăm Argentina của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu chính của các mặt hàng nông nghiệp và nguyên liệu từ Argentina.
Đánh bắt trái phép là vấn nạn kinh niên ở Đại Tây Dương và các vùng biển xung quanh Nam Cực.
Nhiều khi các cơ quan thực thi pháp luật trên biển truy đuổi tàu vi phạm ròng rã mấy tuần trên biển, nhưng hiếm khi có vụ nào kết thúc bằng việc tàu vi phạm bị đánh chìm.
Vụ việc xảy ra khi Trung Quốc đang mở rộng đội tàu đánh bắt xa bờ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hải sản trong nước tăng vọt.