Ngay sau khi máy bay Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 rơi ở Ukraine, cuộc chiến tranh thông tin quy mô lớn đã nổ ra giữa Nga, Ukraine nhằm đổ lỗi cho nhau.
Trong cuộc chiến đó, cả 2 bên đã sử dụng không ít “chiêu trò”. Trong đó không thể không nhắc tới câu chuyện về Carlo Buca mà theo đánh giá của tờ Foreign Policy, là “kỳ quặc nhất”.
Làm mờ mặt khi trả lời phỏng vấn truyền hình
Tự nhận là một nhân viên điều khiển không lưu người Tây Ban Nha làm việc tại Kiev đúng thời điểm xảy ra thảm họa, Carlos liên tục cập nhật thông tin trên tài khoản Twitter của mình bằng tiếng Tây Ban Nha trong suốt thời gian ngay sau khi MH17 bị rơi.
Theo thông tin từ người này thì ngay trước khi bị rơi,chiếc Boeing đã bị 2 chiến đấu cơ của Ukraine áp sát. Sau đó, Carlos tiếp tục cập nhật nhiều dòng chia sẻ khác, cho thấy chính phủ Ukraine đang tìm cách kiểm soát và tịch thu thông tin từ đài kiểm soát không lưu nơi anh ta đang làm việc. Đặc biệt người này cũng tiết lộ về việc đã có bất đồng giữa các phe phái trong chính quyền Ukraine, giữa an ninh với quân đội, và ám chỉ vụ rơi MH17 là một âm mưu của phái cực đoan trong chính quyền nước này mà cụ thể là Bộ trưởng Nội vụ.
Thông tin từ Carlos nhanh chóng được lan truyền, đặc biệt là trên các cơ quan truyền thông của Nga như Russia Today, Rossiya 24, Zvezda, Komsomolskaya Pravda…Tuy nhiên không lâu sau đó, tài khoản Twitter của Carlos đột ngột biến mất, và người ta bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của nhân vật này. Ngay cả Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng của Nga cũng không tin rằng MH17 bị chiến đấu cơ bắn rơi.
Một điều đáng chú ý là từ trước vụ MH17, Carlos đã thường xuyên đăng tải những thông tin chống chính phủ Ukraine trên tài khoản Twitter và blog cá nhân của mình. Anh ta thậm chí còn xuất hiện trong 1 buổi phỏng vấn trên kênh tiếng Tây Ban Nha của đài truyền hình Nga RT, nhưng với khuôn mặt đã được làm mờ. Nhân vật này chưa bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Tây Ban Nha.
Hiện trường vụ máy bay Malaysia rơi ở Ukraine
Nhân viên kiểm soát không lưu biết cả việc Bộ QP lẫn Bộ Nội vụ?
Trên thực tế, hồi tháng 5 vừa qua, chính nhân vật Carlos đã thông báo trên Twitter của mình về việc bị chính quyền Ukraine ‘trục xuất’ vì tội làm gián điệp. Khi đó anh ta cho biết mình đang ở Đức, và hứa rằng một khi có thể lấy được mọi vật dụng cá nhân từ Kiev thì sẽ công bố cho cả thế giới biết tất cả mọi thứ diễn ra bên trong đài kiểm soát từ tháng 2 đến tháng 5 - khoảng thời gian đầu sau khi cựu Tổng thống Ukraine Yanukovich bị lật đổ. Tuy nhiên bằng một cách bí hiểm nào đó, Carlos lại vẫn có thể làm việc bình thường tại Kiev trong ngày 17/7, khi mà MH17 bị bắn rơi.
Ngay trong chính nội dung những thông tin mà Carlos đăng tải trên Twitter về vụ MH17 cũng có nhiều mâu thuẫn và sơ hở.
Nhân vật này bắt đầu đưa thông tin lên tài khoản của mình từ 11h48 ngày 17/7, gần 20 phút sau khi chiếc Boeing 777 bị rơi. Trong suốt 4 tiếng đồng hồ sau đó, anh ta đã cập nhật liên tục 20 dòng chia sẻ khác, trung bình chưa tới 15 phút/ tin. Thế nhưng, kiểm soát không lưu là một trong những nghề đòi hỏi trách nhiệm rất cao, chỉ một phút xao lãng cũng có thể gây tai nạn thảm khốc, vậy mà Carlos vẫn có thể vừa làm việc vừa liên tục cập nhật Twitter.
Một dòng tin Carlos đăng tải vào lúc 13h29 có nội dung: “Bộ trưởng Nội vụ biết các chiến đấu cơ làm gì trong khu vực đó, còn Bộ trưởng Quốc phòng lại không biết”. Ngay sau đó là 1 tin khác: “Phía quân đội xác nhận đó là do Ukraine gây ra, nhưng không biết là lệnh của ai”. Không rõ bằng cách nào mà người đàn ông Carlos, vẫn đang ở trong đài kiểm soát không lưu, lại có thể biết rõ tường tận mọi việc đang diễn ra ở Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Ukraine, nhất là khi anh ta chỉ là một người nước ngoài.
Sau khi nhân vật tự xưng là nhân viên kiểm soát không lưu công bố những thông tin về vụ MH17, Spain Report, một tờ báo tiếng Anh có trụ sở tại Tây Ban Nha, đã liên lạc với đại sứ quán nước này tại Kiev, và được xác nhận rằng họ không biết về bất kì người Tây Ban Nha nào tên Carlos tại Ukraine. Không ai trong cộng đồng khá nhỏ người Tây Ban Nha tại đây biết đến sự tồn tại của anh ta. Sân bay nơi mà Carlos nói rằng mình đã làm việc được vài năm cũng cho biết tất cả nhân viên kiểm soát không lưu đều là người Ukraine, họ chưa bao giờ tuyển người Tây Ban Nha hay bất kì người nước ngoài nào làm công việc này.
Tờ Foreign Policy cho hay, các phóng viên Ukraine và phương Tây đã tố cáo tài khoản Twitter của nhân vật này là giả mạo.
Tờ này dẫn lời ông Oleg Kozyrev, một nhà phân tích truyền thông, blogger theo chủ nghĩa đối lập ôn hoà tại Moscow nhận định hành động này dường như để "đánh lạc hướng sự chú ý đổ dồn vào Nga... hoặc nếu không, thì ít nhất, nó cũng khiến cho độc giả nghĩ rằng không phải tất cả mọi thứ đã rõ ràng và rằng có thể thủ phạm không phải là phe ly khai".
Xem thêm video Hiện trường vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Nguồn CNN.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA