Nhà ngoại giao kỳ cựu VN: "Điều tồi tệ nhất ở Ukraine là..."

Lý Minh Sơn |

(Soha.vn) - Bình luận về tình hình ở Ukraine, TS Nguyễn Ngọc Trường nói: “Tôi không nghĩ nước Nga sẽ trực tiếp đưa quân vào, nhưng Nga có thể hậu thuẫn về mặt quân sự...".

LTS: Cuộc biến loạn xảy ra ở Ukraine đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề nóng bỏng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường - Nhà bình luận quốc tế Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico.

PV: Thưa TS Nguyễn Ngọc Trường, vì sao cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa phương Tây và Nga lại diễn ra ở Ukraine nóng bỏng hơn nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Đó là do thời điểm lịch sử khác nhau. Hầu hết các nước trong khu vực liên quan đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO từ những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã và nước Nga suy yếu nghiêm trọng. Nước Nga trong thời kỳ đó lại hướng sang phương Tây, ảo tưởng dựa vào phương Tây để khôi phục và hiện đại hóa nước Nga. Đó là thời kỳ cơ hội vàng cho phương Tây muốn làm gì thì làm và phương Tây đã không bỏ lỡ cơ hội ấy để mở rộng ảnh hưởng về hướng Đông, thu hẹp không gian địa-chiến lược của nước Nga và nhằm kiếm chế nước Nga.

Bây giờ chỉ còn lại mấy nước mà Nga và phương Tây đang tranh chấp ảnh hưởng, trong đó có Ukraine.

Từ năm 2000, Tổng thống Putin từng bước khôi phục lại sức mạnh của nước Nga và tích cực triển khai đường lối đối ngoại bảo vệ các lợi ích địa-chính trị của mình. Chiến tranh Grudia năm 2008 là cuộc phản kích đầu tiên của ngước Nga.

TS. Nguyễn Ngọc Trường - Nhà bình luận quốc tế Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico (Ảnh do nhân vật cung cấp)
TS. Nguyễn Ngọc Trường - Nhà bình luận quốc tế Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico (Ảnh do nhân vật cung cấp)

PV: Thiết lập được ảnh hưởng ở Ukraine có lợi như thế nào đối với Nga, và đối với phương Tây, thưa ông?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Nhìn vào bản đồ châu Âu ta dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của Ukraine: Nước này nằm ở trung tâm địa-chính trị của một khu vực giáp Nga và nhiều nước Đông Âu. Ukraine tiếp giáp biên giới phía Tây của Nga. Nếu nước này gia nhập EU, tiếp đó gia nhập NATO, thì khối quân sự an ninh Bắc Đại Tây dương sẽ áp sát biên giới Nga. Nếu Grudia lại tham gia NATO nữa thì cả ba mặt biên giới Nga đều hiện diện các lực lượng của khối quân sự và an ninh này, có thể gọi là “tam diện mai phục” vậy.

Năm 2004, Ukraine diễn ra cuộc Cách mạng Cam, bắt đầu quá trình nước này nghiêng về phương Tây. Nhưng kể từ sau khi trở thành quốc gia độc lập, các nhà lãnh đạo Ukraine dù thân Nga hay thân phương Tây vẫn chưa xác định được đường lối đối ngoại phù hợp với vị trí địa-chiến lược của đất nước mình. Yếu về kinh tế, chia rẽ nội bộ, lại chưa có luận thuyết đối ngoại phù hợp, Ukraine dễ dàng chịu sự tác động của các cường lực, nghiêng nghiêng ngả ngả.

Về mặt kinh tế, đối với một số nền kinh tế lớn của EU, Ukraine đem lại cho họ một vựa lúa mì, thị trường lao động giá rẻ (dường như còn rẻ hơn Trung Quốc) và thị trường tiêu thụ hàng hóa với 45 triệu dân. Đối với Moskva, nếu Ukraine gia nhập Liên minh thuế quan và không gian kinh tế Á-Âu do Nga chủ trì sẽ tăng sức mạnh đáng kể cho không gian địa-chính trị/kinh tế của nước Nga.

PV: Trong cuộc biến loạn vừa qua, phe đối lập buộc tội chính phủ dùng cảnh sát bắn vào nhân dân. Nhưng ngược lại, các lực lượng biểu tình cũng hành hung, đập phá (kể cả các tượng đài lịch sử như nguyên soái Kutuzov...). Và sau khi giành lợi thế, họ quay lại hành hung quan chức và những người làm việc cho chế độ cũ. Hiện tượng này nói lên điều gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Phương Tây gọi cuộc biến động chính trị vừa qua là cuộc “cách mạng”, nhưng thực ra đó là cuộc bạo động đường phố giành giật quyền lực quyết liệt. Các lực lượng cực đoan dùng những biện pháp cực đoan để đạt mục tiêu của họ, bất chấp thủ đoạn.

PV: Ông có thể đưa ra một số dự đoán về phản ứng của Nga, phương Tây trong thời gian tới? Cố vấn an ninh Mỹ đã cảnh báo Nga đừng nghĩ đến việc đưa quân vào Ukraine. Liệu ông Putin có tính đến khả năng sử dụng sức mạnh quân sự ở khu vực này không?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Cả hai bên đang tính toán đường đi nước bước tiếp theo. Sự tĩnh lặng trước cơn bão chăng? Nhưng dường như phương Tây đắc thắng đang muốn lôi kéo Ukraine nhanh chóng đi vào quỹ đạo của họ, đặt mọi việc trước sự đã rồi.

Nhưng Nga vẫn duy trì được các đòn bẩy với Ukraine dù ai lên nắm quyền ở Kiev. Đòn bẩy kinh tế có trọng lượng lớn hơn cả, khi Ukraine đang ở bên bờ vực thẳm về kinh tế. Nga có thể nâng mức thuế nhập khẩu đánh vào các mặt hàng của Ukraine. Còn có vũ khí khí đốt.

Trong khi EU và IMF khó có thể đưa ra những khoản hỗ trợ tài chính đủ lớn (hiện nay mới chỉ huy động được khoảng dưới 1 tỷ USD) để cho phép Ukraine trả hết các khoản nợ, tăng dự trữ ngoại hối và cân bằng ngân sách. 28 nước thành viên EU từ lâu đã bị chia rẽ sâu sắc về việc Ukraine gia nhập EU sẽ khó khăn trong việc chia sẻ gánh nặng cho Ukraine trong khi nền kinh tế của họ cũng đang rất khó khăn. Họ cũng không chào đón người lao động Ukraine tràn sang cạnh tranh việc làm với họ khi tỷ lệ thất nghiệp bình quân tại các nước này trên 10%.

Tôi không nghĩ nước Nga sẽ trực tiếp đưa quân vào, nhưng Nga có thể hậu thuẫn về mặt quân sự cho những lực lượng đối lập với chính quyền lâm thời ở Kiev.

Hình ảnh về một buổi tập trận của quân đội Nga
Hình ảnh về một buổi tập trận của quân đội Nga

PV: Giới phân tích lo ngại khả năng tan rã ở Ukraine, khi nửa phía Đông thân Nga, còn phía Tây muốn hội nhập phương Tây. Ông có cho rằng khả năng này có xảy ra không?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Đó là một trong các kịch bản được đặt ra. Lãnh đạo những vùng phía Đông Ukraine vừa tuyên bố không thừa nhận các quyết định của Nghị viện Ukraine.

PV: Theo ông, kết cục tốt nhất của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine sẽ như thế nào? Và ở chiều đối ngược, kết cục tệ hại nhất đối với đất nước này là gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Chúng ta hy vọng các bên Ukraine ngồi lại, thảo luận dựa trên thỏa thuận ngày 21/2 hoặc một kịch bản có sửa đổi, được cả Nga và EU đồng bảo trợ. Nhưng có vẻ như những cái đầu nóng say sưa quyền lực không chấp nhận thỏa hiệp.

Điều tồi tệ nhất là nội chiến.

Người phương Đông nói: “Cùng tắc biến, biến tắc loạn, loạn tắc thông”. Rất có thể, Ukraine sẽ trải qua một số cuộc khủng hoảng, hỗn loạn còn tồi tệ hơn nữa mới có thể khai thông được bế tắc.

Thực tế những năm qua ở Ukraine cho thấy không bên nào có thể thành công bằng một “cuộc chiến thắng thua”.

PV: Một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm, đó là số phận của Tổng thống Yanukovych. Liệu ông ta sẽ phải gánh chịu một kết cục như Saddam Hussein, Nicolae Ceausescu và một số lãnh đạo khác sau khi bị phế truất?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Ông Yanukovych có thể không còn được tất các bên chấp nhận về mặt chính trị, nhưng tôi không nghĩ các nhà lãnh đạo Kremlin sẽ đứng nhìn phía bên kia muốn làm gì thì làm. Sự kiên định của ngoại giao Nga liên quan đến chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một chỉ dẫn.

PV: Ông cho rằng biến loạn Ukraine có ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Một quốc gia muốn nước ngoài không can thiệp và thao túng vào chính sự của nước mình thì phải thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tự mình giải quyết công việc của mình. Phải chăm lo dân sinh, dân chủ cho dân mình. Về đối ngoại phải thực hiện được đường lối đối ngoại phù hợp với vị trí địa-chiến lược của nước mình!.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ đã trả lời phỏng vấn!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại