Sợ hãi bao trùm
Một ngày trước khi tôi có quyết định khó khăn là di dời cả gia đình đi lánh nạn, đó là ngày 10.7, lực lượng ly khai và quân chính phủ Ukraine tập trung đánh ở sân bay Donetsk, khiến cả một vùng không gian chìm trong u ám của đạn khói chiến tranh. Xe tăng, binh lính rầm rộ kéo vào trung tâm thành phố và vào ngay sát khu dân cư- nơi chúng tôi sống. Binh lính ngồi dày đặc ở dưới sảnh tòa nhà của chúng tôi và những tòa nhà khác, canh gác nghiêm ngặt, tạo ra một bầu không khí căng thẳng, lo sợ chưa từng có.
Những người hàng xóm người Ukraine của chúng tôi bắt đầu đóng gói đồ đạc, di tản ra khỏi thành phố. Đến lúc này, an toàn tính mạng là trên hết, nghĩ vậy, tôi và gia đình đã quyết định tạm rời bỏ thành phố, di tản lên Odessa.
Hôm đó là ngày 11.7, ngay sáng sớm chúng tôi đi đến bến tàu gần nhà để mua vé chuyến tàu đến Odessa, nhưng không lâu trước khi chúng tôi đến đó đã xảy ra một vụ đánh bom ở nhà ga này và quân đội chính phủ đã phong tỏa, ngăn dòng xe cộ đi vào trong sân ga. Chúng tôi đành đổi hướng, lái xe đến một nhà ga tàu hỏa khác, cách đó khá xa. Từ đây, chúng tôi mua vé, đáp tàu đi đến thành phố Odessa.
Cảnh tượng trên những chuyến tàu từ Donetsk đến các thành phố khác trong những ngày này, trông không khác cảnh đi tàu ở Việt Nam thời bao cấp là mấy. Người dân đổ xô di tản ra khỏi thành phố và tàu hỏa là phương tiện an toàn nhất. Đồ đạc la liệt, người đông như kiến, tiếng trẻ nhỏ kêu khóc, những gương mặt thất thần ngấn nước mắt, cảnh biệt ly… thực sự đã rất ám ảnh chúng tôi.
Trên những khoang tàu, câu chuyện được chia sẻ nhiều nhất là ai nấy đều hoang mang về tương lai của họ. Quyết định rời bỏ nhà cửa ở Donetsk để chuyển đến lánh nạn ở nơi khác, nhưng không ai chắc chắn được ngày về của mình.
Quân chính phủ Ukraine
Tận thấy cảnh bắn giết
Chị Đỗ Thị Mai, người cùng đi trong chuyến di tản với tôi, cũng cho hay, nhà chị ở gần sân bay Donetsk, khi chiến sự ở đó khốc liệt, từ trên tầng 9 chị nhìn rõ hàng đoàn xe tăng bắn nhau. Chị Mai kể: “Không phân biệt bên nào là bên ly khai, bên nào là quân của chính phủ, nhưng rõ chúng tôi nhìn thấy người chết như trong phim, thật là khủng khiếp”.
Nỗi ám ảnh đó còn theo suốt những người Việt chúng tôi trong hành trình đến thành phố Odessa. Khi con tàu chở chúng tôi đi qua những vùng ngoại ô, chúng tôi vẫn nhìn thấy hai bên đường là cảnh tan hoang của những ngôi nhà bị nã đạn. Những bóng người xiêu vẹo tháo chạy ra khỏi những đám khói và hai bên đường quốc lộ, dòng người di tản từ các vùng như Lougansk đổ xô ra đường với hy vọng tìm được một chỗ trên những chuyến tàu thoát khỏi khu vực đang chứng kiến các vụ giao tranh đẫm máu giữa lực lượng của chính phủ và lực lượng đòi liên bang hóa gây nhiều thương vong.
Đặc biệt, khi đi qua một trạm gác của quân ly khai, chúng tôi nhìn thấy rõ một chiếc xe tải chở đầy người không rõ là của quân chính phủ hay phe ly khai, bị nã pháo, nổ tung. Những tiếng hét vì sợ hãi của hành khách trên tàu vang lên, nhiều người đã phải lấy tay che mắt con nhỏ để chúng không phải nhìn thấy những cảnh tượng đó…
Cuối cùng, con tàu cũng đã đưa chúng tôi đến được với thành phố Odessa an toàn vào lúc 8 giờ sáng ngày 12.7.
Trước mắt, chúng tôi sẽ ở tạm nhà anh em bạn bè quen biết, rồi nếu chiến tranh kéo dài chúng tôi phải tính đến chuyện thuê căn hộ riêng.
Tỉnh Donetsk có khoảng gần 300 người Việt Nam, chủ yếu là công nhân của nhà máy cơ khí đóng tàu ở lại, và một số sinh viên, lưu học sinh và bà con khác.
Người Việt ở Donetsk số đông chỉ là những công dân bình thường, cố gắng kiếm đủ tiền sinh hoạt, những người buôn bán có được ít vốn liếng thì do bất ổn, tiền cũng nằm ở trong hết hàng hóa không bán được... Biết chiến tranh là khốc liệt, nhưng cũng vì cuộc sống khó khăn bà con cũng đã nán lại được hơn 3 tháng, song đến nay thì đành phải bỏ lại nhà cửa, công việc, cửa hàng để di tản.
Với những người bản xứ Donetsk, đó là nơi chôn nhau, cắt rốn của họ nên việc phải dứt bỏ thành phố để tha hương là điều khiến họ đau khổ vô cùng. Còn với chúng tôi, những người Việt đã gắn bó với thành phố này hơn 20 năm qua, nơi đây chúng tôi cũng đã tạo dựng được một cuộc sống ổn định, thì việc quyết định di tản cũng không hề dễ dàng.
Biển người di tản
Đến ngày 13.7, hơn một nửa trong số những người Việt sống ở thành phố Donetsk đã di tản đến các thành phố khác. Theo như lời bạn bè của chúng tôi, trong những ngày tới, họ cũng sẽ di tản hết ra khỏi Donetsk. Những người Việt khác ở trong vùng Donbass như Kramatork, Lougansk... một số cũng đã di tản trong những ngày qua.
Qua điện thoại, những người bạn của chúng tôi còn mắc kẹt trong thành phố Donetsk cho biết, chính quyền địa phương đã phát lệnh di tản đến từng nhà. Người dân bản địa đã rời đi gần hết, thành phố vắng tanh, những cửa hàng, siêu thị lớn cũng đã đóng cửa, các cửa hàng xe hơi quen thuộc trong thành phố không còn chiếc xe nào bày bán nữa…
Trong khi đó, báo chí địa phương dẫn lời Cơ quan báo chí Bộ Các tình trạng khẩn cấp Ukraine cho biết, tính đến ngày 11.7, đã có 39.055 công dân Ukraine sơ tán khỏi các khu vực chiến sự tại miền Đông, trong đó có 14.379 trẻ em, 4.893 người già và người tàn tật. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người đã rời khỏi vùng Donbass có thể nhiều hơn, vì nhiều người chuyển đến chỗ người nhà, người quen… ở các địa phương khác mà không khai báo hoặc đăng ký.
Chỉ huy lực lượng dân quân địa phương Igor Strelkov cũng trả lời báo giới cho biết, các dòng người rời bỏ Lugansk và Donetsk đi lánh nạn ngày càng nối dài trong khi các cuộc pháo kích xung quanh hai tỉnh này vẫn diễn ra. Tình hình chiến sự đã nóng trở lại sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn ngày 1.7 vừa qua và mở lại chiến dịch quân sự tấn công vào hai tỉnh Lugansk và Donetsk, nơi lực lượng dân quân địa phương chiếm giữ từ tháng Tư vừa qua. Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” hiện nay tại miền Đông, Tổng thống Poroshenko đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật của nước này, thảo luận kế hoạch hành động tại hai tỉnh Lugansk và Donetsk.