Sự phản ứng chậm trễ và thiếu hiệu quả của chính quyền Thổng thống Philippines Benigno Aquino trong việc đối phó với siêu bảo Haiyan đã khiến người dân nước này hết sức phẫn nộ. Bài viết dưới đây của Efren Danao, phóng viên kỳ cựu của tờ Thời báo Manila cho thấy, hậu quả mà người dân Philippines đang phải gánh chịu có một phần lỗi rất đáng trách từ sự quan liêu, yếu kém của chính quyền nước này.
Dưới đây là bài viết trên tờ Manila Times.
Thích tô hồng mọi việc
Khi làm việc với thuộc cấp, ông luôn đòi hỏi kết quả chứ không phải lời bao biện. Thế nhưng, khi xử lý cẩu thả và yếu kém các hoạt động cứu trợ sau bão Yolanda, ông lại chỉ có thể đưa ra những lời xin lỗi và chỉ tay cáo buộc chứ không đếm xỉa gì tới kết quả.
Thật đáng buồn, chúng ta đang có một tổng thống chỉ làm việc tốt khi trời đẹp. Vào lúc mọi người cần được an ủi và trấn an, việc ông giận dữ và từ chối nghe những tin tức xấu chỉ làm tăng thêm căng thẳng, phẫn uất, rối loạn và băng hoại đạo đức.
Giận giữ trước tin tức xấu và bản tính thích tô hồng mọi việc cũng chính là lời giải thích cho một âm mưu lớn nhằm lấp liếm sự thật mà chính quyền của ông đang tiến hành, cũng như sự nhập cuộc của báo chí lá cải bảo vệ hình ảnh cho chính Tổng thống. Nó cũng giải thích cho việc Giám đốc điều hành Hội đồng quản lý giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia (NDRRMC) đã coi tác động của bão Haiyan đối với thành phố Tacloban chỉ là một “phá hủy nhỏ”.
Aquino không muốn tin vào con số 10.000 người có thể đã thiệt mạng sau siêu bão Haiyan và đã từng khăng khăng rằng con số đã chỉ có 2.500 người. Ông cố bấu víu lấy những ước đoán của mình tới mức thậm chí còn cách chức một sĩ quan cảnh sát nói rằng thương vong có thể lên đến 10.000 người.
Vâng, sau khi nói rằng chính quyền của ông đã rất sẵn sàng đối phó với sự tấn công của cơn bão khổng lồ, vậy chẳng hóa ra ông đã nói sai nếu thừa nhận có nhiều người đã chết? Ông thà làm người nói dối còn hơn là người phải nhận lỗi.
Những thi thể nạn nhân thiệt mạng nằm la liệt trên đường phố nhiều ngày sau khi siêu bão Haiyan quét qua đã bốc lên mùi khó chịu, khiến không khí ở các thành phố bị thiệt hại càng thêm ảm đạm, tang thương.
Tổng thống Aquino có thể đưa ra bất kỳ con số thương vong nào mà ông tự nghĩ ra hay ông có thể coi nhẹ mức độ tàn phá của siêu bão nhưng điều đó sẽ chẳng đem lại thay đổi nào.
Những video ghi lại cảnh người chết chưa được chôn cất, những cuộc phỏng vấn với các nạn nhân vô gia cư, đói khát, bệnh dịch và đầy căm phẫn đã nói lên nhiều điều hơn lời quả quyết của ông.
Con số 2.500 người chết mà ông nhất quyết khẳng định ban đầu chẳng qua cũng “đáng tin” như lời nhận xét “tôi nghĩ thế” của ông khi được các phóng viên phỏng vấn lúc ông rời thành phố Tacloban rằng liệu tình hình ở đây đã được kiểm soát hay chưa.
“Được kiểm soát” thế nào khi mà vài ngày sau khi ông ra đi, hàng trăm thi thể vẫn chưa được chôn cất và người dân vẫn không có thức ăn, chỗ ở và thuốc men? Một lần nữa, đó là một ví dụ rõ ràng cho thấy, ở con người ông “miệng nhanh hơn não”.
Đột ngột vơ lấy trách nhiệm
Năm ngày đầu tiên sau khi bão Yolanda đổ bộ với tất cả sự tàn bạo của nó, Aquino từ chối thừa nhận bất kỳ trách nhiệm nào khi phóng viên kỳ cựu của kênh truyền hình CNN Anderson Cooper đề cập tới cảnh vắng mặt của các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ và dân phòng ở Philippines.
Tổng thống Philippines thăm một căn cứ quân sự ở Tacloban, nơi chứa hàng cứu trợ cho người dân.
Sang ngày thứ 6, khi các điều kiện đã được cải thiện, ông đột nhiên vơ lấy hết trách nhiệm về các hoạt động cứu trợ của chính phủ và công việc tái thiết. Viên chức của ông thậm chí còn nhận công những gì mà Thủy quân lục chiến Mỹ và các tổ chức quốc tế đã làm! Không phải tôi đã nói rằng chúng ta đang có một vị tổng thống tốt chỉ khi thời tiết êm đẹp hay sao?
CNN, BBC, Al Jazeerah, New York Times, Washington Post, Bloomberg và các cơ quan báo chí nước ngoài khác đều rất biết giữ uy tín và danh dự về những tin tức mà họ phản ánh tại hiện trường. Họ không có tật để mà phải giật mình.
Không giống như báo chí lá cải, họ không việc gì phải bảo vệ hình ảnh của ông Aquino. Có lẽ, chính quyền của ông đã nhận ra điều này vì phản ứng của họ đối với những chỉ trích từ các báo này ít hiếu chiến hơn là với những chỉ trích từ báo chí địa phương. Thế nhưng, điều này vẫn không ngăn cản được những người của Aquino biện minh cho việc làm của họ.
Một số nhân vật như Chủ tịch Thượng viện Franklin M. Drilon và Bộ trưởng Bộ an ninh nội địa và chính quyền địa phương Mar Roxas còn nói rằng chính quyền có hệ thống giải quyết thiên tai tại chỗ nhưng sự tàn phá lớn quá nên không thể đáp ứng. Thú vị thật đấy! Tổng thống đã chẳng công khai chất vấn về sự tàn phá của bão Haiyan rồi đấy thôi?
Bộ trưởng an sinh xã hội và phát triển Dinky Soliman còn bao biện rằng, việc nói chính quyền không có tổ chức nào là không đúng sự thật vì bà đã chẳng họp hành mỗi ngày với Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và ông Roxas rồi đấy sao. Đó mà gọi là tổ chức à? Bà cũng tuyên bố đã phân phát 125.000 gói thực phẩm cho các nạn nhân trong cơn bão. Mỗi gói thực phẩm là 3 kg gạo và các hàng hoá đóng hộp.
Phân phát chỉ 125.000 gói cho hơn 4 triệu người phải di dời sau bốn ngày là không đủ để thay đổi quan điểm của chúng tôi về sự vô dụng của chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đã công bố việc mở một cửa hàng tạp phẩm, cung cấp hàng cứu trợ 24/24 giờ và các thiết bị hỗ trợ khác liên quan đến cứu trợ của cộng đồng quốc tế trao tặng.
Nhưng thông tin tôi được biết, Cục Hải quan đang ngăn cản không cho thông quan các xe tải rất cần kíp được nước Đức viện trợ cho đến khi thanh toán đầy đủ thuế hải quan? Và chính phủ sẽ giải thích thế nào đây về thông tin cho rằng Cục Thuế yêu cầu các nhà hảo tâm muốn tài trợ phải đóng thuế?.