Người Nhật cầu “an”

DANH ĐỨC |

Trên website của Bộ Ngoại giao Nhật, mới đây Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã bình chọn từ của năm của Bộ Ngoại giao nước này.

Nguyên văn tâm thư của ông: “Tôi muốn công bố từ ngữ mà tôi nghĩ là tiêu biểu trong năm vừa qua. Đó là từ “an”.

Các đạo luật về an ninh được thảo luận trong khóa họp quốc hội năm nay cho phép phản ứng liền mạch trong mọi tình huống, và đó là một đạo luật cần thiết cho cả nền an ninh của Nhật Bản lẫn cho việc duy trì một tình hình quốc tế ổn định”.

Trong một trao đổi với người viết bài, một quan chức ngoại giao Nhật, nay chuyển sang Seoul làm việc, giải thích rằng chữ “an” đó nghĩa là an bình, yên ổn, an ninh và cả… yên ổn buôn bán, do lẽ đó còn là “an bình cho túi tiền của mọi người”.

Vế sau cùng này, yên ổn buôn bán, cũng là điều mà Ngoại trưởng Kishida nói đến khi đề cập kết quả của chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe: “Từ chính sách này mà đồng yen tiếp tục giảm tỉ giá và giá chứng khoán được ổn định. Chúng ta đang nhìn thấy các tác động của chính sách Abenomics.

Cho dù là trong chính trị hay kinh tế, chúng tôi cùng đều cố hướng đến việc đạt được các mục tiêu ổn định, an toàn và an ninh. Tôi nghĩ rằng chính sách Abenomics đã có tác động trên các lĩnh vực này. Vì những lẽ đó, tôi đã chọn chữ an”.

Chữ “an” mà nước Nhật đang tìm đến, thật ra cũng là ước ao của mọi người có thiện tâm như lời chúc trong mùa Giáng sinh và đầu năm này: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Phát triển là vì lợi ích của người dân chứ không vì các tham vọng bành trướng.

Tất nhiên, hòa bình không phải bằng mọi giá, để rồi lòng yêu hòa bình biến thành chủ nghĩa “chủ hòa”.

Lịch sử luôn cho thấy hòa bình là một thế cân bằng giữa cương quyết tự vệ trước đe dọa, còn chiến tranh là không tránh khỏi khi một bên cứ thối lui, một bên cứ lấn tới.

Thế chiến thứ hai đã bùng nổ vì Hitler “nắm tẩy” ý muốn “chủ hòa” bằng mọi giá của một loạt thủ tướng Anh trong giai đoạn từ năm 1935 đến 1939.

Các chính sách né tránh chiến tranh và nhượng bộ Đức quốc xã từng được tán dương là “tuyệt vời” đã khiến vị thế của Hitler ngày càng tăng, và rồi thỏa ước Munich ký kết ngày 30-9-1938 giữa Đức, Anh, Pháp, Ý - mà thủ tướng Anh Neville Chamberlain tán tụng là “đảm bảo được hòa bình cho thời đại chúng ta” - bị xóa toẹt vào năm sau khi tiếng pháo rền vang.

Lịch sử đã dạy loài người vô số bài học.

Và người Nhật, vốn từng khởi sự Thế chiến thứ hai tại Đông Á, hiểu hơn ai hết thế nào là “dọn cỗ cho đối phương” một khi chủ trương “hòa bình bằng mọi giá” và thế nào là “bất chiến tự nhiên thành” do từng được Pháp “dọn cỗ” như thế ở Đông Dương!

Thuộc và hiểu lịch sử, Nhật chọn chữ “an” gồm một chuỗi ý là hòa bình, an ninh, an toàn và thực hiện những điều kiện cho việc gìn giữ chữ “an” đó là các đạo luật an ninh ban hành trong năm nay cho phép Nhật tự lực phòng vệ và phòng vệ tập thể.

Kể cả khi có tăng chi phí quốc phòng, không có nghĩa là Nhật đang tìm kiếm chiến tranh mà trái lại.

Dường như đó cũng chính là bản chất người Nhật: các môn võ Nhật, từ judo đến aikido, không có lấy một đòn tấn công, song ở một cấp nào đó, không cho phép ai chạm đến mình.

Tăng tiền bảo vệ quốc gia

Dù trong dịp lễ Giáng sinh cả thế giới mong ước hòa bình, các tàu tuần tra của Trung Quốc, lần này có trang bị vũ trang, vẫn xâm nhập khu vực vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang kiểm soát.

Không loại trừ nguyên nhân xâm nhập liên tục trong các ngày 22 và 26-12 là nhằm “phản ứng” với việc nội các Nhật thông qua ngân sách quốc phòng kỷ lục 5.050 tỉ yen, tương đương 41,8 tỉ USD, hôm 24-12.

Theo AFP, ngân sách quốc phòng mới, bắt đầu từ tháng 4-2016, sẽ được tập trung cho việc tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ các đảo xa ở phía nam. Chính quyền của ông Abe cũng nói rõ một phần ngân sách sẽ được dùng để mua sắm vũ khí hiện đại.

Trước đó, theo Reuters, Tokyo đang ra sức thực hiện chiến lược phòng thủ cho các đảo hẻo lánh trên biển Hoa Đông và sẵn sàng mở rộng sang Biển Đông khi cần.

Theo chiến lược nói trên, Tokyo đã triển khai khẩu đội tên lửa phòng không và đối hạm dọc 200 đảo nhỏ trên biển Hoa Đông, bao trùm một khu vực trải dài 1.400km từ bốn đảo chính của Nhật hướng tới Đài Loan.

Ngoài ra, trong vòng năm năm tới, Nhật sẽ tăng số lượng binh sĩ đóng trú ở các đảo trên biển Hoa Đông thêm 20%, lên gần 100.000 người. Trách nhiệm chính của lực lượng này là điều khiển các khẩu đội tên lửa, trạm rađa cảnh báo sớm...

Theo Reuters, lâu nay quá trình triển khai hoàn toàn được công khai nhưng đây là lần đầu tiên giới chức Nhật nói thẳng mục đích là nhằm ngăn chặn hải quân Trung Quốc mở rộng hiện diện ở tây Thái Bình Dương.

Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc tính toán rằng nước này đủ khả năng chiến thắng trong một cuộc xung đột nhỏ, chớp nhoáng và ngắn hạn trên biển.

Nay phía Nhật kỳ vọng “uy thế trên biển và vượt trội trên không” của Nhật sẽ khiến Trung Quốc nhận ra tình hình sẽ không dễ dàng như những gì họ tưởng, từ đó tự kiềm chế trong tranh chấp cũng như bỏ ý đồ dùng vũ lực thay đổi hiện trạng khu vực.

“Hiện nay, bạn có thể nói rằng Nhật đang lật lại thế cờ trong khu vực” - chuyên gia Toshi Yoshihara, giáo sư Học viện Chiến tranh hải quân Hoa Kỳ, nói với Reuters.

Còn nghị sĩ Akihisa Nagashima thuộc Đảng Dân chủ Nhật lý giải: “Tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ là một yếu tố dẫn đến sự thay đổi cách tiếp cận của Nhật.

Chúng tôi muốn làm điều có thể để bảo vệ chính mình và giúp đảm bảo các đồng minh, đối tác trong khu vực triển khai quân một cách ổn định”.

NGUYỄN QUÂN

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại