Người Duy Ngô Nhĩ ở TQ đứng sau vụ đánh bom ở trung tâm Bangkok?

My Lan |

Đây là một khả năng được chuyên gia của hãng tin Anh BBC đưa ra khi nói về thủ phạm vụ đánh bom tại trung tâm Bangkok.

Việc chưa có ai đứng lên nhận trách nhiệm vụ đánh bom tại khu vực đền thờ Erawan (Thái Lan) khiến 100 người thương vong đã làm dấy lên nhiều giả thuyết về động cơ cũng như thủ phạm.

Nhà phân tích David Blair của báo Anh Telegraph đã đưa ra 3 khả năng lớn khi nói về hung thủ của vụ đánh bom.

"Khả năng đầu tiên là những kẻ khủng bố của al-Qaeda hoặc xa hơn nữa là IS có thể kích nổ quả bom".

Ông Blair cho rằng, Bangkok nằm xa vùng hoạt động thông thường của những kẻ này, nhưng nếu thực sự chúng gây ra vụ việc thì điều này sẽ giúp "phóng đại tác động về tâm lý rằng cuộc tấn công nào cũng sẽ thành công".

Hơn nữa, "nếu chỉ đơn thuần là nhằm vào người phương Tây, thì thủ đô của Thái Lan có thể là một mục tiêu mềm".

Tuy vậy, ông này cũng lập luận, nếu đúng là al-Qaeda hoặc IS thì chúng có lý do để lên tiếng nhận trách nhiệm, bởi cả 2 nhóm này đều sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tán tụng vụ việc mà chúng cho là thành công vang dội của mình.

"Khả năng thứ 2 chỉ tới Hồi giáo cực đoan tại Thái Lan, những kẻ trong suốt nhiều năm đã tiến hành cuộc chiến du kích ở các bang miền nam nước này".

Ông này cho rằng nếu khả năng này đúng thì đây là một sự thay đổi đáng kể trong cách thức hành động của chúng và như vậy, chúng hẳn là cũng sẽ lên tiếng.

Thứ trưởng Quốc phòng nước này, Tướng Udomdej Sitabutr cũng cùng chung quan điểm khi cho rằng phương thức "gây án" này không giống những gì mà lực lượng nổi dậy ở miền nam thường hay sử dụng.

"Sự việc này không giống như những vụ việc xảy ra tại miền nam Thái Lan. Loại bom được sử dụng cũng không giống ở miền nam".

Khả năng thứ ba được chuyên gia Blair nêu ra là các phe phái đối lập chính trị ở Thái Lan.

Dù vậy, ông Blair vẫn chưa tìm được lời giải thích rõ ràng vì sao chúng lại nhằm vào du khách nước ngoài, đặc biệt là khi du lịch đóng một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế nước nhà.

"Tôi nghĩ vụ việc này nhằm vào chính trị quốc gia.

Nếu các bạn để ý các vụ đánh bom xảy ra trong quá khứ, thì sẽ thấy nó luôn diễn ra trong bối cảnh rạn nứt giữa phe áo vàng và áo đỏ", Tiến sĩ Michael Buehler, chuyên gia về chính trị châu Á tại Đại học SOAS (Anh) nhận định.

Lee Jones, chuyên gia các vấn đề châu Á tại Đại học Queen Mary cũng cho rằng  "có yếu tố chính trị ở đây và thủ phạm sẽ cố gắng thu hút sự chú ý cũng như giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để đạt được mục đích của mình".

Trong khi đó, Ông Jonathan Marcus, một chuyên gia phân tích của hãng tin Anh BBC nhận định đền thờ Erawan, nơi xảy ra vụ đánh bom là một địa điểm yêu thích của du khách Trung Quốc.

"Điều này làm dấy lên một khả năng là vụ việc có liên quan tới người Duy Ngô Nhĩ tại vùng viễn tây Trung Quốc".

Ông Marcus cho biết thêm, hồi tháng trước, hơn 100 người Duy Ngô Nhĩ đã bị Thái Lan cho hồi hương.

Tuy nhiên, theo ông này, một vụ tấn công của người Duy Ngô Nhĩ trên quy mô ngoài Trung Quốc là một điều bất thường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại