Ngày 29/4/1975, trực thăng của Air America bay tới một chung cư gần đại sứ quán Mỹ. Bãi đỗ trên mái hẹp tới mức người di tản phải dùng thang leo lên nóc.
Hubert Van Es lúc bấy giờ là phóng viên hãng tin UPI đã chụp được khoảnh khắc một sĩ quan CIA nghiêng người kéo những người di tản từ thang lên máy bay trực thăng.
Bức ảnh đã nhanh chóng được truyền đi khắp thế giới và trở thành một khoảnh khắc lịch sử đánh dấu chiến dịch di tản tuyệt vọng khỏi Sài Gòn của người Mỹ và đồng minh.
Nói năng dí dỏm, các cộng sự đánh giá Hubert Van Es là người rất dũng cảm và tháo vát.
Ông tới Hong Kong làm phóng viên tự do năm 1967, sau đó làm việc tại báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng.
Năm tiếp theo ông tới Việt Nam làm việc cho NBC News rồi làm cho AP tại Sài Gòn từ 1969-1972. Từ 1972-1975, ông đảm nhận cương vị phụ trách ảnh chiến tranh Việt Nam cho hãng tin UPI.
Ảnh ông chụp một người lính bị thương với cây thánh giá nhỏ lấp lánh, nổi bật trên nền chân dung tối, cách đây hơn 40 năm, đã trở thành bức ảnh nổi tiếng về trận "Đồi thịt băm" vào tháng 5/1969.
Và bức ảnh chụp chiếc trực thăng di tản từ trên nóc một tòa nhà ở Sài Gòn ngày 29/4/1975 đã trở thành biểu tượng rõ nét nhất cho cuộc tháo chạy trong tuyệt vọng của quân Mỹ và đồng minh cũng như chính sách sai lầm của Mỹ tại Việt Nam.
Từ vị trí thuận lợi trên ban công của UPI cách đó vài tòa nhà, Hubert Van Es đã ghi lại được cảnh tượng bằng chiếc máy với ống kính 300-mm, ống kính dài nhất mà ông có.
Sau này, ông nói, không phải toàn bộ khoảng 30 người trên nóc nhà được di tản và chiếc UH-1 Huey đã quá tải lúc cất cánh.
Tấm ảnh khiến Hubert Van Es trở nên nổi tiếng nhưng ít năm sau, ông nói với bạn bè rằng phải mất rất nhiều thời gian để giải thích đó không phải là bức hình chụp trên nóc tòa nhà đại sứ quán Mỹ.
Sinh ra ở Hilversum, Hà Lan, Hubert Van Es học tiếng Anh lúc chơi đùa với các binh lính trong Thế chiến 2.
Ông quyết định trở thành phóng viên ảnh sau khi tới một triển lãm ở bảo tàng địa phương năm 13 tuổi, nhìn thấy tác phẩm của phóng viên ảnh chiến trường huyền thoại Robert Capa.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu làm phóng viên ảnh năm 1959 cho Nederlands Foto Persbureau ở Amsterdam, nhưng rồi châu Á đã trở thành nhà của ông.
Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, ông trở lại Hong Kong và làm phóng viên tự do cho một số tờ báo, tạp chí Mỹ, châu Âu.
Ngày 15/5/2009, ông qua đời tại bệnh viện Queen Mary, Hong Kong ở tuổi 67.
Nhà báo kỳ cựu Mỹ Peter Arnett nhận xét: “Hubert Van Es là một trong số phóng viên ảnh phương Tây đã bất chấp nguy hiểm để trở thành nhân chứng vào thời điểm kết thúc chiến tranh”.