Người biểu tình Thái Lan bắt đầu “đóng cửa Bangkok”

Vào 10g sáng nay (5-1), những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan bắt đầu tuần hành trên các tuyến phố tại trung tâm Bangkok.

Đây là đợt biểu tình nằm trong chiến dịch “đóng cửa Bangkok” với mục đích làm tê liệt các cơ quan chính phủ, gây sức ép đòi thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

Tờ The Nation dẫn tin từ Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) của lực lượng biểu tình cho biết họ sẽ tổ chức 3 đợt biểu tình vào ngày 5-1, 7-1, 9-1 và đợt biểu tình rầm rộ sau cùng nhằm làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của Bangkok vào ngày 13-1. Đợt biểu tình sáng nay mang tính “khởi động” nhằm “khuyến khích mọi người tham gia đợt biểu tình lớn vào ngày 13-1” - như lời phát ngôn viên PDRC Akanat Promphan khẳng định.

Theo lộ trình vạch ra, hôm nay người biểu tình tuần hành trên cung đường 8 km từ tượng đài Dân chủ, qua cầu Phra Phuttha Yodfa đến khu Tiểu Ấn (Pahurat) rồi vòng về căn cứ của những người biểu tình đóng tại Ratchadamnoen.

“Cuộc tấn công cuối cùng”

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban quyết định phong tỏa Bangkok bằng cuộc biểu tình lớn nhất vào ngày 13-1 vì đây chính là cơ hội cuối cùng cho ông và PDRC gây áp lực đòi bà Yingluck từ chức, tẩy chay bầu cử vào ngày 2-2.

Dồn tổng lực để “đóng cửa Bangkok”, PDRC lên kế hoạch phong tỏa 20 nút giao thông nằm trên các tuyến đường trọng yếu tại thủ đô. Ông Suthep chọn biểu tình ngay ngày thứ hai (13-1), ngày đầu tuần đi làm của người dân. Những đoàn xe tắt nghẽn trên các trục lộ là hình ảnh PDRC muốn thấy.

Bangkok Post dẫn lời Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul chỉ trích “các cuộc biểu tình hàng loạt là bất hợp pháp, gây tổn hại cho nền kinh tế”. Ông Surapong nhấn mạnh “làm tê liệt Bangkok là vi phạm trực tiếp đến quyền tự do dân sự của người khác” khi người dân không thể di chuyển trên các tuyến đường, trễ giờ làm và nhiều vấn đề phát sinh khác. 20.000 cảnh sát đang được huy động để đối phó với đợt biểu tình ngày 13-1.

Đáp trả, phát ngôn viên PDRC Akanat Promphan chỉ trích: họ (chính phủ) cho rằng chúng tôi gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm tổn thương đất nước. Nhưng không, chúng tôi đang cứu Thái Lan khỏi sụp đổ trước chế độ tham nhũng Tharksin.

Kinh tế Thái Lan “ngấm đòn” biểu tình

Khi các bên vẫn chưa dàn xếp được mâu thuẫn, kinh tế Thái Lan bắt đầu “ngấm đòn” từ biểu tình liên miên. Tờ Straits Times (Singapore) đưa tin hãng hàng không Singapore Airlines đã hủy 19 chuyến bay đến Bangkok trong vài tuần tới do lo ngại căng thẳng chính trị tại đây.

Đồng baht rớt giá 6,8% trong năm 2013, giữa lúc khách du lịch hủy tour đến Bangkok và dạt ra các địa điểm xung quanh như Phuket, Chiang Mai. Hơn 50 quốc gia đã ban hành khuyến cáo công dân nên cân nhắc khi đến du lịch Thái Lan trong giai đoạn này.

Thông tấn xã Thái Lan đưa tin du khách đến từ Nga và Trung Quốc (hai thị trường du lịch lớn nhất của nước này) giảm đến 30% trong năm 2013. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Lan Yuthachai Sunthornrattanavech ngán ngẩm “100.000 khách du lịch lên kế hoạch đến Thái Lan trong tháng này sẽ bị ảnh hưởng nếu Bangkok đóng cửa”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại