Hiếm có Thủ tướng nào lại gọi chính phủ do chính mình điều hành “vô dụng”, nhưng Thủ tướng Tammam Salam của Lebanon là một ngoại lệ.
Theo chuyên gia Abrams, chẳng phải vô cớ mà ông lại phát ngôn như vậy, khi mà trong suốt 19 tháng trời, Lebanon vẫn chưa bầu nổi một Tổng thống, còn chính phủ thì gần như đã tê liệt hoàn toàn.
Thậm chí đến cả việc thu gom rác thải cũng nảy sinh vấn đề, dẫn tới sự thành lập của một nhóm biểu tình mang tên "You Stink" (ý nói chính phủ vô dụng, chữ "stink" cũng có nghĩa là bốc mùi - PV), phản ánh tình trạng rác thải bừa bãi trên đường phố mà không được dọn dẹp.
Cảnh sát phải dùng vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình ở Lebanon. Ảnh: Reuters
Nói như vậy không phải để đùa. Vì trên thực tế, trạng thái tê liệt như hiện nay đã nói lên sức mạnh của Hezbollah và Syria. Theo Hiến pháp Lebanon, Tổng thống phải là người theo Kitô giáo, tuy nhiên, các tín đồ đạo này vẫn chưa thể thống nhất được lựa chọn.
Hiện tại, theo chuyên gia Abrams, ứng viên lớn nhất cho ngôi vị Tổng thống là nghị sĩ Suleiman Franjieh, người có mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo Trung tâm Thông tin Lebanon, trong một thỏa thuận dàn xếp vào tháng 11, thủ lĩnh Phong trào Tương lai Saad Hariri đã đề cử nghị sĩ Sleiman Franjieh cho vai trò Tổng thống.
Đáng nói là nhà Franjieh có quan hệ họ hàng gần gũi với gia đình Assad ở Syria, đồng thời, bản thân ông Sleiman cũng khá thân thiết với hai con trai của Hafez al-Assad là Tổng thống Bashar và người anh trai Bassel đã mất của ông.
Có nguồn tin cho biết Franjieh đã gặp mặt Tổng thống Assad hôm 13/12 vừa qua. Franjieh đang lãnh đạo Phong trào Marada và đã tạo được ảnh hưởng ở một khu vực nhỏ thuộc phía Bắc Lebanon.
Theo đánh giá của CFR, Franjieh là người có quan điểm cực đoan, từng gọi chỉ huy Imad Mughniyeh của Hezbollah là một huyền thoại của Lebanon, và thậm chí còn tự hào tung hô lòng trung thành của mình đối với Tổng thống Assad và Hezbollah.
Gần như chắc chắn con đường tiến tới chức Tổng thống Lebanon của Franjieh sẽ gặp phải sự phản đối của hầu hết các tín đồ Kitô giáo, ngoài ra, hành động ủng hộ của Hariri cũng chọc tức không ít tín đồ đạo Sunni. Vậy tại sao nó vẫn cứ diễn ra?
Một mặt, sự việc cho thấy hoàn cảnh hiện thời của cá nhân ông Hariri: thông qua thỏa thuận này, ông muốn giành lại chức Thủ tướng trong kì bầu cử kế tiếp.
Nhiều tin đồn nói rằng hiện Hariri đang khánh kiệt, chủ yếu là do chậm trễ của bên Saudi Arabia trong việc trả các khoản nợ cho ông cũng như công ty xây dựng của ông ở nước này.
Do đó, có vẻ như ông cho rằng thắng cử chức Thủ tướng (theo Hiến pháp là được dành riêng cho người thuộc dòng Sunni) sẽ giúp ông bù đắp lại thiếu hụt về mặt tài chính.
Theo đánh giá của chuyên gia Abrams, nhìn chung, tình hình trên phản ánh sự giảm sút về tầm ảnh hưởng của Mỹ (và Pháp) tại Lebanon cũng như toàn bộ khu vực, trong khi liên minh giữa tống thống Assad-Iran-Hezbollah-Nga lại dần vượt lên.
Từ trước đến nay, chính trị ở Lebanon luôn giữ được thế cân bằng, và sự lãnh đạo của một Tổng thống theo Kitô giáo là tối cần thiết để duy trì cân bằng khỏi bàn tay can thiệp của Syria, Hezbollah và Iran.
Nếu Franjieh đạt được vị trí đó, cộng đồng Kitô giáo nơi đây sẽ được đại diện bởi quân tốt mà kẻ thù nguy hiểm nhất của họ nắm được.
Cho đến nay, hai nhà lãnh đạo Kitô giáo vẫn thường đối địch nhau (và tranh nhau chức Tổng thống), là Michel Aoun và Samir Geagea, cũng đã và đang kịch liệt phản đối kế hoạch đưa Franjieh vào vị trí đó.
Tuy còn nhiều tranh cãi về hậu quả có thể xảy đến, nhưng nếu thành công, việc Syria và Hezbollah có khả năng lựa chọn tổng thống Lebanon sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình phục hồi nền thống trị của hai thế lực này tại Lebanon.
Không những thế, sự việc đang diễn ra còn nói lên rằng sức ảnh hưởng của Mỹ đã tụt dốc thảm hại. Mặc những bài diễn thuyết của chính phủ Obama tại Lebanon, Mỹ đang thua, trong khi Nga, Iran, Hezbollah và tổng thống Assad đang thắng.