Chàng trai Nhiếp Thụ Bân ở Thạch Gia Trang, Trung Quốc, bị xử bắn năm 1994 khi mới 20 tuổi vì tội danh cưỡng hiếp, giết người. Năm 2005, Vương Thư Kim, bị cáo phạm tội hiếp dâm 3 người phụ nữ và sát hại 2 trong số họ khi bị bắt đã khai rằng chính y mới là thủ phạm trong vụ án mà Nhiếp Thụ Bân bị coi là hung thủ. Vụ án đã được xét xử lại 2 lần và chuyển lên Tòa án Nhân dân Tối cao, nhưng vẫn chưa có phán quyết nào được đưa ra.
Ở Trung Quốc, công an vì chạy theo thành tích phá án nhanh, phá án nhiều nên thường xuyên sử dụng các biện pháp ép cung, kể cả nhục hình tàn khốc. Trong khi đó, các cơ quan như viện kiểm sát thì có thói quen chỉ tin vào những gì cơ quan điều tra kết luận, và không mấy quan tâm đến lời bào chữa của những người liên quan.
Hai bác cháu Trương Cao Bình, Trương Huy ở Hàng Châu tỉnh Chiết Giang vừa được bồi thường hơn 2,11 triệu Nhân dân tệ sau khi phải ngồi tù oan suốt 10 năm trời với tội danh cưỡng hiếp và giết người. Họ đã may mắn sống đến ngày được rửa oan, vì trước đó, Trương Huy bị khép án tử hình, còn Trương Cao Bình nhận án chung thân.
Người điều tra vụ án hai bác cháu họ Trương là nữ “thần thám” Nhiếp Hải Phương thuộc Công an Chiết Giang. Bà Nhiếp được đặt biệt danh này vì theo hồ sơ của cơ quan thì bà có tỉ lệ phá án thành công tuyệt đối 100%, chưa từng chịu bó tay trước bất cứ vụ việc nào.
Việc nhan nhản các “thần thám” chính là vấn nạn trong lĩnh vực điều tra, xét xử ở Trung Quốc. Tỉ lệ phá thành công trọng án ở Trung Quốc lên đến 89,6%, trong khi ở Mỹ chỉ là 63%. Việc chạy đua thành tích, chịu sức ép về tỉ lệ phá án đã làm số lượng các vụ án oan ở Trung Quốc ngày càng tăng cao.
Người tù oan Trương Cao Bình và "thần thám" Nhiếp Hải Phương (ảnh nhỏ)
Tòa án Nhân dân Tối cao Chiết Giang từng phải thừa nhận có nhiều kiểm sát viên và cảnh sát điều tra đã cố tình giấu các chứng cứ có lợi cho bị cáo, với mục đích tăng thêm khả năng phạm tội, đạt thành tích phá án xuất sắc. Hơn nữa, tòa án Trung Quốc quá coi trọng khẩu cung. Điều này làm cho các hiện tượng như bức cung, ép cung tăng mạnh, trong khi đó các chứng cứ khác thường bị làm ngơ và coi thường
Một bài báo trên trang Sohu của Trung Quốc thừa nhận án oan ở Âu Mỹ thường có nguyên nhân do sự nhầm lẫn của người làm chứng. Nhưng ở Trung Quốc, số lớn các vụ án oan đều do tòa án chỉ coi trọng khẩu cung. Chỉ cần bị cáo “nhận tội” là coi như vụ án kết thúc. Như trong trường hợp của Nhiếp Thụ Bân, sau khi bị tra tấn, dùng nhục hình đã đành nhận tội và các cơ quan tố tụng đã dựa hoàn toàn vào lời thú tội này để khép tội Nhiếp mà không thu thập bất cứ bằng chứng nào khác như dấu vân tay, ADN…
Dư Tường Lâm (She Xianglin) bị tòa án Hồ Bắc phán quyết tội tử hình vì giết người, sau khi phát hiện xác một phụ nữ mà họ cho là Trương Tại Ngọc, vợ của Dư. Dư Tường Lâm kêu oan khắp nơi và sau 4 lần xét xử, ông được giảm án xuống còn 15 năm tù.
Dư ngồi tù được 11 năm thì “nạn nhân” Trương Tại Ngọc bất ngờ xuất hiện tại địa phương. Sự việc đã làm rúng động xã hội Trung Quốc. Dư Tường Lâm sau đó đã được giải oan và trả lại tự do. Hài hước hơn nữa là phán quyết minh oan của tòa được ký đúng ngày “Cá tháng tư” năm 2005. Sau này, Dư Tường Lâm đã kể rằng mình bị ép cung và chịu nhục hình suốt 11 ngày trời, không chịu nổi đã đành phải nhận tội mà mình không hề gây ra.
Bị cáo Triệu Tác Hải bị tuyên án tử hình “treo”, sau 10 năm ngồi tù bỗng nạn nhân đột ngột xuất hiện. Vụ án này có quá nhiều uẩn khúc mà đặc biệt nhất là viện kiểm sát 3 lần phủ nhận kết quả điều tra, sau đó yêu cầu sửa bổ sung và tòa án “xử nhanh” chỉ trong 10 ngày. Triệu Tác Hải sau hơn 10 năm ngồi tù được bồi thường 65 vạn Nhân dân tệ.
Trong thời gian gần đây, ở Trung Quốc đã có tới hơn 20 vụ án mạng mà bị cáo sau đó được xác định là bị xử oan. Nhưng không có bất cứ vụ án nào được minh oan do cơ quan điều tra “lật lại” hồ sơ. 100% các vụ án oan đều được phát hiện sau khi hung thủ thật thú tội, hay “nạn nhân” tưởng đã xanh cỏ bỗng đột ngột quay về.
Vấn đề của các cơ quan điều tra, xét xử ở Trung Quốc là họ thường không chịu thừa nhận sai lầm và không sửa sai. Vụ tử hình oan của Nhiếp Thụ Bân, cơ quan điều tra từng được vinh danh và thưởng lớn, những người trực tiếp tham gia phá án hầu hết đều được thăng chức nên việc minh oan càng gặp nhiều khó khăn, “trở ngại”.