Một phát ngôn viên của Mátxcơva cho hay, Nga hối tiếc vì “phương Tây một lần nữa cho thấy sự thiếu quan tâm” trong việc giải quyết cuộc xung đột ở khu vực đông nam Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chủ yếu tập trung vào bán đảo Crưm - khu vực sáp nhập vào lãnh thổ của Nga hồi tháng 3 năm nay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một sắc lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ đến Crưm, ngoài ra còn áp thêm lệnh trừng phạt với một số cá nhân và công ty của Nga và Ukraine.
Ông Obama nói rằng, động thái này cho thấy Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận việc Crưm sáp nhập Nga.
Các biện pháp tương tự của EU đầu tuần này cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20.12.
Hôm 19.12, Canada cũng công bố lệnh trừng phạt với Crưm.
Tuy nhiên, cả EU và Mỹ đều cho biết sẽ chưa áp lệnh trừng phạt mới với cá nhân nước Nga và thúc đẩy nước này giảm leo thang xung đột ở miền đông Ukraine.
Bản đồ miền đông Ukraine - khu vực đang diễn ra xung đột giữa lực lượng nổi dậy chống chính phủ và quân đội chính phủ Ukraine.
Hôm 20.12, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho hay, việc Mỹ và EU đơn phương giới thiệu các biện pháp trừng phạt chống lại Crưm và thành phố Sevastopol là bằng chứng trực tiếp của việc phương Tây đã thừa nhận việc Crưm sáp nhập Nga.
“Đó là lý do tại sao họ lựa chọn trừng phạt mang tính tập thể.
Điều đáng buồn là những quốc gia tự gọi mình là dân chủ này lại cần đến những phương kế như vậy trong thế kỷ 21”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich, các biện pháp trừng phạt làm suy yếu những nỗ lực chính trị để giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, và nói thêm Crưm là một phần "nguyên thủy và không thể tách rời" của Nga.
"Chúng tôi khuyến nghị Washington và Ottawa suy nghĩ về hậu quả của những hành động như vậy. Trong khi đó, chúng tôi sẽ hoạch định các biện pháp trả đũa", trích dẫn phát biểu của ông Lukashevich trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga.