Mỹ đạt mục đích?
Vài ngày sau khi chiếc máy bay Nga rơi tại bán đảo Sinai (Ai Cập) - mà theo nhiều đồn đoán, nghi ngờ rằng do IS đánh bom, nhiều quan chức an ninh, tình báo Mỹ tỏ ra không hề hoang mang về việc IS sẽ mở chiến dịch mới tấn công các máy bay dân sự.
Thay vào đó, họ băn khoăn rằng, việc vụ đánh bom gây "tổn thương" tới Putin và có khả năng giúp sức cho Mỹ như thế nào.
Trước khi vụ tai nạn máy bay Nga xảy ra, một quan chức tình báo Mỹ từng gọi chiến dịch của Nga ở Syria là “sự điên rồ của Putin”.
Tới nay, 6 quan chức quân sự, tình báo Mỹ giấu tên, trong cuộc trò chuyện với The Daily Beast, đều hy vọng việc IS tấn công dân thường Nga sẽ buộc Putin đánh IS không khoan nhượng - việc mà Mỹ cố gắng thực hiện ở Iraq và Syria nhưng không thành công.
“Giờ đây, có thể họ sẽ bắt đầu tấn công IS", một quan chức quốc phòng cấp cao nói. "Và thôi giúp chúng".
The Daily Beast cho rằng, vị quan chức trên ám chỉ việc IS đã giành được các vùng đất tại Aleppo mà một phần là do lợi dụng các cuộc không kích của Nga nhằm vào các nhóm phiến quân và đối lập khác. Trong khi đó, Điện Kremlin luôn phủ nhận việc này.
Một số quan chức trong chính phủ Mỹ cũng đang băn khoăn, song vẫn tỏ ra hi vọng, rằng cuộc tấn công khủng bố sẽ buộc ông Putin tăng thêm lực lượng quân sự đến Syria và từ đó kéo Nga sâu hơn vào thứ mà chính phủ Tổng thống Obama gọi là “vũng lầy”.
Báo Mỹ cho rằng, trên thực tế, một số quan chức Mỹ còn lặng lẽ tỏ ra vui mừng trước thông tin rằng, Nga đang phải trả giá cho hành động can thiệp của mình ở Syria.
Từ nhiều tuần qua, các quan chức chính phủ Obama hy vọng sự can thiệp của Tổng thống Putin có thể gây ra những hậu quả ngoài ý muốn, làm ông mất uy tín tại quê nhà.
Hồi tháng trước, trong chương trình trò chuyện 60 phút, đáp lại nhận định từ phía người dẫn chương tình rằng, Putin đang thách thức sự lãnh đạo của Obama, Tổng thống Mỹ nói:
"Nếu bạn nghĩ rằng duy trì nền kinh tế và gửi quân đội đi để yểm trợ cho đồng minh là lãnh đạo, thì bạn đã có một khái niệm khác về từ này".
Nga “đau”, Mỹ hưởng lợi
Dù rằng giới chức Mỹ không tỏ ra vui mừng gì trước thảm kịch máy bay Nga, song họ cho rằng, vụ việc này có thể thay đổi các tính toán ở Syria theo hướng có lợi cho Mỹ.
Các quan chức Mỹ cũng tập trung vào vấn đề địa chính trị của vụ việc nhiều khả năng là do đánh bom này, và nhận định rằng, nó ít có khả năng đe dọa trực tiếp tới an ninh Mỹ, bởi dù sao thì IS cũng không giống như al Qaeda.
"Đó không phải là một chiếc máy bay của Mỹ. Nếu đúng, thì chúng ta đã có một cuộc trò chuyện khác hẳn", một quan chức tình báo Mỹ cho biết.
Một lý do khác khiến cho hàng không Mỹ không cần phải lo lắng về một mối đe dọa cận kề, theo The Daily Beast, là việc vụ tai nạn máy bay Nga không phải là sự thất bại của tình báo Mỹ hay các biện pháp ngăn chặn.
Trước ngày xảy ra vụ việc, giới tình báo Mỹ còn biết được các thông tin từ nội bộ IS, cảnh báo "một phi vụ lớn" sắp xảy ra, song khi đó, mọi thứ còn mơ hồ và không thuyết phục.
Tờ này nhận định, không thể đề cập đến mối đe dọa về việc IS sẽ thực hiện thêm những vụ tấn công khác một khi vụ việc lần này chưa hoàn toàn sáng tỏ. Và ai cũng hoài nghi rằng IS có khả năng lặp lại những vụ đánh bom kiểu này.
Hạ nghị sĩ Adam Schiff từ Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ cảnh báo: "IS có thể cho rằng, cách tốt nhất để đánh bại một sân bay, không phải là cách đi xuyên qua chúng, mà là đi vòng quanh với sự giúp đỡ của tay trong.
Nếu đúng như thế thì tôi nghĩ có ít nhất hàng chục sân bay ở Trung Đông và hơn thế nữa đều có thể bị cách tiếp cận này đe dọa, đó chính xác là lý do vì sao chúng ta phải tăng cường phòng thủ”.
“Hũ mật ong” và kinh nghiệm của Mỹ
Mặc dù hi vọng rằng sự cố lần này sẽ làm giảm uy tín của Putin, song theo The Daily Beast, chính quyền Mỹ đang ở thế khó nếu muốn sử dụng vụ việc để giành lợi thế chính trị.
Các quan chức Mỹ không thể tỏ ra vui mừng trước việc người vô tội bị chết, và các chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Putin rõ ràng chỉ là nhờ đặt cược vào việc, "cuộc phiêu lưu" của Putin ở Syria sẽ kết thúc thê thảm.
Hồi tháng 10, một quan chức tình báo Mỹ đã nói với The Daily Beast rằng:
“Hành động của ông Putin gây rủi ro lớn cho cả ông ấy và nước Nga. Đó không chỉ là việc Nga ủng hộ một chế độ đang lâm nguy, mà còn là uy tín của Nga trên trường quốc tế.
Có nguy cơ hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tay súng nước ngoài từ Nga và các khu vực lân cận có thể trở về tấn công Nga để trả đũa".
Tuy nhiên, ông Putin cũng có một lợi thế.
Nếu ông có thể giải thích vụ đánh bom chiếc máy bay (nếu đúng là vậy) là tấn công nước Nga, và rồi tăng cường không kích IS, thì ông Putin có thể biến Syria thành "nam châm" hút các tay súng thánh chiến Hồi giáo khác, kể cả từ Nga.
Theo ông Harmer, đó chính là điều mà Mỹ từng áp dụng vào năm 2007 và 2008, khi Tổng thống thời đó là George Bush từng đưa hàng chục nghìn quân đến Iraq, với lý do thà đánh khủng bố ở đó còn hơn là trên đường phố Mỹ.
Cuộc chiến ở Iraq đã thu hút hàng ngàn tay súng nước ngoài. Tình báo cùng đặc nhiệm Mỹ đã phối hợp để bắt sống và giết nhiều tên khủng bố. Chiến lược trên đã đạt được một chiến thắng tạm thời, nhưng nó cũng thành công trong việc tiêu diệt al-Qaeda, tiền thân của IS.
Đây chính là một trong những mục tiêu lớn mà Putin, khi bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria đã đặt ra, đó là tiêu diệt IS tại lãnh thổ nước ngoài trước khi chúng quay trở về và gây rối trong nước.