Nga sẽ bắt Ukraine trả giá đắt vì nghe Mỹ “phá” cuộc họp 4 bên

Anh Tú |

Cuộc họp 4 bên giữa lãnh đạo chính phủ các nước Đức, Pháp, Nga, Ukraine tại Kazakhstan dự kiến vào 15.1 đã không thể diễn ra theo đúng dự kiến do cuộc họp cấp ngoại trưởng tại Berlin hôm 12.1 đổ bể. Rất có thể Nga sẽ bắt Ukraine trả giá đắt vì “phá” cuộc họp 4 bên.

Theo giới phân tích, chính thái độ cứng rắn của Ukraine đã khiến cuộc họp 4 bên cấp ngoại trưởng bế tắc.

Sự cứng rắn của Ukraine phù hợp với quan điểm của Mỹ và được Mỹ trao quà bằng việc bảo lãnh cho vay 2 tỷ USD thông qua IMF.

Tuy nhiên, Nga sẽ khiến Ukraine phải trả cái giá đắt hơn và khoản vay được Mỹ giúp đỡ cũng không trang trải nổi.

Như đã biết, hồi tháng 10, dưới sự chủ trì của EU mà thật ra là Đức và Pháp, Nga đã đồng ý nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine trong mùa đông này.

Đổi lại, Ukraine phải thanh toán cho Nga 3,1 tỷ USD tiền nợ mua khí đốt từ thời gian trước và phải thanh toán trong năm 2014. Cho đến giờ Ukraine mới chỉ thanh toán được một phần.

Nhưng năm 2015 đã sang đến tuần thứ 3 mà Nga chưa hối Ukraine phải trả tiền khí đốt. Có thể hiểu rằng Nga muốn để chính quyền Ukraine “dễ thở” trước cuộc họp 4 bên.

Tuy nhiên, phản ứng của Ukraine trong cuộc họp ở Berlin vừa qua đáng để Nga thất vọng.

Ngoài ra, Ukraine còn nợ Nga 3 tỷ USD tiền trái phiếu từ thời ông Yanukovych hồi cuối năm 2013.

Theo Nga, họ có thể đòi nó trước thời hạn vào cuối năm ngoái nhưng họ cũng không làm vậy. Tại sao Nga có thể đòi Ukraine tiền trái phiếu ngay từ lúc này?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov tuần trước nói rằng Ukraine đã vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng vay Nga 3 tỷ USD.

Điều đó cho phép Nga đòi Ukraine lại số tiền đã cho vay trước thời hạn.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin cũng từng nói Nga không muốn tận dụng lúc Ukraine khó khăn để đòi số tiền đã cho láng giềng vay vì biết chắc chuyện đó sẽ làm nền kinh tế Ukraine sụp đổ - điều mà điện Kremlin không hề mong muốn.

Còn giờ thì sẽ khác. Báo chí Nga đã nhắc lại những khoản nợ mà Ukraine vay Nga.

Trong năm 2015, nếu Nga ráo riết đòi những món nợ này một lúc thì đó là bài toán khó cho chính quyền Poroshenko.

Theo giới phân tích, trước khi cuộc họp cấp bộ trưởng 4 bên diễn ra ở Berlin hôm 12.1, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk khi ông công du Đức và đồng ý cho vay 500 triệu euro để chính quyền Ukraine có ngân sách hoạt động.

Đổi lại, Ukraine cần có thái độ mềm dẻo khi tham gia cuộc họp 4 bên.

Tiếp đến, tổng thống Petro Poroshenko khi sang Pháp là để tham gia tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố tại Paris, đã được họp riêng với tổng thống Pháp Francois Hollande và bà Merkel.

Cuộc họp riêng nhằm để đả thông tư tưởng cho Ukraine. Mọi nỗ lực của Pháp, Đức và sự ưu ái trong chính sách đòi nợ của Nga đã không được Ukraine đáp lại như mong đợi.

Theo Interfax, vào buổi chiều hôm 12.1, ít giờ trước khi cuộc họp ngoại trưởng 4 bên tại Berlin, Mỹ thông báo khẩn cấp việc chấp thuận bảo lãnh cho chính quyền Ukraine vay 2 tỷ USD (thông qua IMF) trong cả năm 2015 và 1 tỷ USD sẽ được giải ngân ngay trong 6 tháng đầu năm.

Sau khi được Mỹ bảo lãnh cho vay, cuộc họp của 4 ngoại trưởng bế tắc và khủng hoảng tại Ukraine cũng đi vào ngõ cụt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại