Hôm 12/4, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chính thức tuyên bố quyết định tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng và khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Theo hãng thông tấn Sputnik, nhiều người đặt ra câu hỏi nếu như bà Clinton giành chiến thắng và trở thành Tổng thống Mỹ, mối quan hệ giữa Washington và Moscow liệu có được cải thiện?
Trên trang PolitRussia, giới chuyên gia Nga đã có một bài bình luận về khả năng chiến thắng của bà Clinton.
Trong đó, nhà phân tích Ivan Proshkin nhấn mạnh người Nga đang mong chờ "ngày Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở" và bàn luận về việc ai sẽ lên nắm quyền thay thế ông Obama.
Nhưng một vấn đề gây tranh cãi hiện nay là liệu bà Clinton sẽ thực thi đường lối giống như người tiền nhiệm".
“Mơ mộng không có gì là sai nhưng những phân tích về chiến dịch tranh cử năm 2016 cho thấy không có triển vọng nào về việc tiến hành các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ”, ông Proshkin chia sẻ.
Khi phân tích về cơ hội của bà Clinton, giới quan sát chính trị nước Mỹ tại Nga và các chính trị gia Mỹ đều chỉ ra được những yếu tố có thể giúp đệ nhất phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton giành chiến thắng.
Thứ nhất, bà Clinton sống trong một gia đình có bề dày kinh nghiệm chính trị khi chồng bà từng giữ chức Tổng thống Mỹ. Bà Clinton còn nhận được sự ủng hộ từ các lực lượng hậu thuận cả về chính trị và tài chính hùng mạnh.
Thứ hai, hiện nay, đảng Cộng hòa dường như không có ứng cử viên nào nặng ký để cạnh tranh cơ hội chiến thắng với bà Clinton.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu hồi phục sau gần nửa thập kỷ suy giảm. Đây cũng là yếu tố giúp nâng cao uy tín của đảng Dân Chủ.
Câu hỏi đặt ra là nếu "Bà đầm thép trên chính trường Mỹ" trở thành vị Tổng thống thứ 45 trong lịch sử nước này, điều gì lại khiến giới phân tích Nga tỏ ra thất vọng về cơ hội chiến thắng của bà Clinton?
Yếu tố đầu tiên, bà Clinton là người có những tuyên bố đối lập với quan điểm của nước Nga đồng thời cựu Ngoại trưởng Mỹ luôn giữ "thái độ" và có kế hoạch xây dựng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia láng giềng nằm trong khối Liên Xô cũ.
Điển hình, trong sự kiện hồi năm ngoái khi các cuộc biểu tình bùng nổ ở Quảng trường Maidan và bán đảo Crimea tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga, bà Clinton đã so sánh Tổng thống Vladimir Putin với trùm phát xít Đức Adolt Hitler.
Thậm chí, bà Clinton còn nhấn mạnh hành động của nhà lãnh đạo Nga trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine "giống như những gì Hitler đã làm trong thập niên 30".
Không chỉ lên tiếng bảo vệ những lời chỉ trích và so sánh ông Putin với trùm phát xít Hitler, bà Clinton còn gọi Tổng thống Nga là "một người đàn ông da mỏng, máu lạnh và toan tính như điệp viên KGB".
Những lời bình luận của bà Clinton còn nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ và các thành viên đảng Cộng hòa.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Mỹ còn tuyên bố Tổng thống Nga là "người chuyên đi bắt nạt" và Mỹ "cần ngăn chặn những hành động thù địch của ông Putin".
Bà Clinton cho rằng chương trình nghị sự của Tổng thống Putin đang "đe dọa tới lợi ích của nước Mỹ" và "thật sai lầm" nếu các quốc gia châu Âu tìm cách né tránh mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Ngoài ra, bà Clinton còn luôn là người tỏ ra nghi ngờ về khả năng hai nước Nga – Mỹ có thể cải thiện mối quan hệ song phương.
Theo đó, hồi tháng 7/2014, bà Clinton từng chia sẻ "khi còn nắm cương vị Ngoại trưởng Mỹ, một trong những người tôi tỏ ra nghi ngờ nhất chính là Tổng thống Putin bởi nhà lãnh đạo Nga không bao giờ từ bỏ ý định đưa bức tượng 'Tiếng gọi của đất mẹ' trở về thời kỳ hoàng kim".
Không dừng lại ở lời nói, bà Clinton còn có những hành động trong thực tế.
Trong bài viết đăng tải hồi tháng 10/2014, tờ Russia Insider nhận định bà Clinton "đã tăng dần dần tư tưởng chống Nga và đẩy Ukraine vào việc lựa chọn giữa Nga và châu Âu khi tài trợ 5 tỷ USD cho các nhóm dân sự mang tư tưởng chống Nga ở Ukraine".
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland (áo xanh) phát bánh cho những người tham gia biểu tình tại Quảng trường Maidan.
Tờ báo Nga cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn 2011 – 2012, các cuộc biểu tình thể hiện sự ủng hộ đối với cựu đại sứ Michael McFaul do chính "những người theo bà Clinton tại Moscow" tiến hành và sau này cả Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland cùng đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt đều phục vụ như những cố vấn về nước Nga thân cận của bà Clinton.
Trong đó, cặp đôi Nuland và Pyatt còn phân phát bánh cho những người tham gia cuộc biểu tình tại Quảng trường Maidan cũng như ủng hộ chính quyền Kiev thân phương Tây.
Trên trang PolitRussia, chuyên gia Proshkin nhấn mạnh tư tưởng cô lập Nga của bà Clinton được hình thành khi bà đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng Mỹ và ít nhất một năm trước thời điểm mối quan hệ Nga – Mỹ trở nên lạnh nhạt vì những bất đồng liên quan tới Ukraine.
Do đó, nhiều khả năng nếu như giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bà Clinton sẽ không chỉ nỗ lực xóa sổ tầm ảnh hưởng của Nga ở Ukraine và Crimea mà còn ở Caucasus và Trung Á.
Cuối cùng, nhà phân tích Proskin nhận định nếu bà Clinton thắng cử, mối quan hệ Nga – Mỹ sẽ "ngày càng xấu hơn và bước sang giai đoạn của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".