Mới đây, hàng loạt các hãng truyền thông đã đưa tin Triều Tiên ra quy định yêu cầu tất cả nam sinh nước này phải cắt tóc giống hệt nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Nguồn tin cho biết quy định đã được áp dụng đối với đàn ông ở thủ đô Bình Nhưỡng trong 2 tuần qua và dự định sẽ được triển khai trên toàn quốc.
Biên tập viên Adam Taylor của tờ Washington Post cho rằng đây là một câu chuyện hết sức điên rồ và đặt ra câu hỏi: Nguồn gốc của thông tin này từ đâu? Tin tức đó có đáng tin hay không?
Trong bài phân tích được đăng tải trên Washington Post, ông Taylor đã dẫn ra các thông tin và quan điểm của nhiều chuyên gia, để lập luận cho những nghi ngờ của mình về tính xác thực của thông tin về quy định kì lạ mới được ban hành ở Triều Tiên.
Dưới đây là phân tích của ông Taylor:
Đầu tiên, hãy xem xét nguồn tin. Hãng tin BBC đã đăng tải tin tức này, dẫn theo nguồn blog Elsewhere, nơi lấy thông tin chủ yếu từ Korea Times, một tờ báo tiếng Anh của tập đoàn Hankook Ilbo của Hàn Quốc. Trong khi đó, tờ Korea Times dường như đã dịch lại tin từ Radio Free Asia (RFA), một hãng tin được chính phủ Mỹ đầu tư.
Liên quan tới câu hỏi thứ hai, phần lớn các chuyên gia Triều Tiên mà tôi tiếp xúc dường như đều tin rằng câu chuyện này không thể là sự thật. “Tôi cho rằng đó có thể là bịa đặt”, Aidan Foster Carter, một nhà nghiên cứu cấp cao về Xã hội học và Triều Tiên hiện đại tại trường Đại học Leeds ( Anh ), cho biết. “Ngay từ đầu, có vẻ như không một ai ở Triều Tiên cắt tóc giống Kim Jong Un ".
“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thêm câu chuyện này vào danh sách dài những tin tức kì quái về Triều Tiên”, Andray Abrahamian, Giám đốc Choson Exchange, một tổ chức phi lợi nhuận của Singapore - chuyên cung cấp các khoá đào tạo về kinh doanh, chính sách kinh tế và luật cho người trẻ Triều Tiên, nhận định. “Khi chúng tôi có mặt tại Bình Nhưỡng để thực hiện chương trình Women in Business, người dân vẫn để những kiểu tóc khác nhau".
Chad O'Carroll, biên tập viên của trang web NKNews, cũng hoài nghi và cho đăng tải thông tin từ một độc giả. Người này mới ở Bình Nhưỡng về và không hề thấy kiểu tóc của ông Kim được nhân rộng khắp nơi. NKNews mới đây đã xuất bản một bài báo, trích dẫn nhiều nguồn tin, lập luận rằng yêu cầu về kiểu tóc này "có vẻ không đúng".
Nhưng ngay cả khi không có quy định về cắt tóc thì phong cách của Kim Jong Un có thể quan trọng hơn những gì bạn có thể nghĩ.
“Kiểu tóc của Kim Jong Un rất đặc biệt, việc cạo tóc hai bên đầu khiến ông trông giống cố chủ tịch Kim Nhật Thành thời 30 tuổi (cuối những năm 1940)”, Bruce Cumings, một chuyên gia về lịch sử Triều Tiên tại Đại học Chicago, nhận định. “Kim Jong Un để kiểu tóc đó từ tháng 1/2012, ngay sau khi người cha Kim Jong Il qua đời và việc này rõ ràng mang ý nghĩa rằng Kim Jong Un giống ông nội chứ không phải giống bố.”
Trong khi nhiều bài báo cho rằng quy định giới hạn về kiểu tóc được áp dụng nghiêm ngặt tại Triều Tiên và Cumings thừa nhận rằng mái tóc dài hay các kiểu tóc khác đặc biệt hơn đều bị cấm, thì những kiểu tóc được chấp nhận tại nước này có thể đa dạng hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Còn với đàn ông, sự giống nhau tương đối về kiểu tóc dường như cho thấy một thứ khác: Xu hướng.
“Nếu nhiều nam thanh niên cạo tóc hai bên đầu giống như Kim Jong Un, đó có thể là một cách để thể hiện sự trung thành của họ với nhà lãnh đạo”, Cumings giải thích. “Đây là một vấn đề tồn tại từ lâu đời nhưng chẳng hay ho gì trong chính trị ở Triều Tiên, khi mọi người cố gắng tìm mọi cách để thể hiện lòng trung thành của họ".
Adam Cathcart, Giảng viên Lịch sử Trung Quốc tại Đại học Leeds , biên tập viên của trang web SinoNK, đồng ý với giả thuyết này: "Theo tôi biết, không có sắc lệnh nào về cắt tóc ngắn hẳn so với kiểu tóc chỉ vừa chớm trên tai như trước, nhưng ngày càng nhiều nam thanh niên không tham gia quân đội dường như cũng cắt kiểu tóc này. Sau khi Jang Song Thaek bị xử tử, dường như ngày càng nhiều người để tóc ngắn xuất hiện nhiều trên phương tiện truyền thông”, Cathcart nói. “Nhưng không ai để kiểu tóc của Kim Jong Un".
Ông Cathcart nhấn mạnh: "Đừng nhầm lẫn giữa sắc lệnh và xu hướng!".
Vậy điều này có nghĩa câu chuyện của RFA là bịa đặt?. Không hẳn như vậy - ở Triều Tiên hầu như không có phóng viên nước ngoài và RFA có thể có những nguồn tốt hơn những hãng tin khác tại thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, tin này một lần nữa nhắc lại rằng cần phải xem xét những động thái hết sức điên rồ ở Triều Tiên một cách thận trọng.
Năm ngoái, chúng ta có những câu chuyện khó tin về việc Kim Jong Un xử tử bạn gái cũ vì quay phim khiêu dâm và xử tử Jang Song Thaek bằng chó đói. Rất khó để khẳng định hay phủ nhận những tin tức này, nhưng có rất nhiều lý do để tin chúng không chính xác. Ví dụ như tin tức về việc xử tử Jang Song Thaek bằng chó đói dường như dựa trên một lời châm biếm.
So với tin tức trên, tin tức về kiểu tóc của Kim Jong Un có vẻ thực tế hơn, nhưng ảnh hưởng của nó khi được lan truyền cũng tương tự như những câu chuyện trước đây: Nhằm bêu xấu nhà lãnh đạo Triều Tiên là một kẻ ngờ nghệch hay điên cuồng. Dựa vào hàng loạt các tin tức đáng tin cậy, kể tả chi tiết sự kinh hoàng của cuộc sống ở Triều Tiên, việc tầm thường hoá chính quyền nước này là vô ích - trong trường hợp tốt nhất, và nguy hiểm - trong trường hợp tồi tệ nhất.