Cơ sở cho kết luận trên của tạp chí tài chính danh tiếng là Chương trình so sánh quốc tế (International Comparison Program, ICP) của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế.
Cơ sở dữ liệu của chương trình ICP được xem là một trong những nguồn thông tin uy tín nhất về thống kê kinh tế vĩ mô theo phương pháp đo sức mua tương đương (tỷ giá giữa các loại tiền tệ của nhiều nước khác nhau, dựa trên sức mua của từng nước).
Dữ liệu mới nhất được ICP cập nhật là thời điểm năm 2011, lần trước đó là năm 2005.
Dựa trên báo cáo của ICP, năm 2011 Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo sau là Trung Quốc khi đo GDP theo sức mua tương đương. Vào thời điểm đó, Quỹ tiền tệ thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong giai đoạn từ 2011 đến 2014 là 24%, còn Mỹ chỉ tăng khoảng 7,6%.
Dựa theo số liệu trên, Financial Times tính toán được thời điểm chuyển đổi ngôi vị giữa hai cường quốc rơi vào năm nay.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ mất đi vị trí dẫn đầu thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1872, khi nước này thay thế vị trí số 1 của Anh Quốc.
Báo cáo của ICP thay đổi toàn bộ cách nhìn nhận về cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu, nó cho thấy vai trò tích cực hơn của các nền kinh tế đang phát triển, Financial Times nhận xét.
Ấn Độ năm 2011 đứng thứ 3 về kích thước GDP, theo sau là Nhật và Đức. Hai quốc gia lớn khác là Nga và Brazil xếp thứ 6 và 7. Trong top 12 có các nước như Indonesia, Mexico, Pháp, Anh và Italia.