Theo các thông tin do hãng thông tấn TASS của Nga đăng tải, trong một tuyên bố bằng văn bản mới được công bố, Phó Giám đốc Cơ quan báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Ukraine nghiêm túc thực hiện “các điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)”, “giải quyết triệt để tình trạng tham nhũng và đặt “dấu chấm hết” cho sự chi phối của giới tài phiệt” đang kiểm soát tình hình kinh tế và chính trị Ukraine.
Đáng chú ý, trong ngày 20/2, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko và Thủ tướng Arseni Yatsenuk, cũng đã lên tiếng kêu gọi hai nhân vật đứng đầu Ukraine này thực hiện nghiêm các điều kiện do IMF đưa ra.
Trước đó, trong ngày 10/2, Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Poroshenko. Ông Poroshenko khi đó đã hứa với bà Christine Lagarde về việc sẽ tiến hành tái cơ cấu thành phần Chính phủ Ukraine.
Về phần mình, bà Christine Lagarde cũng đã thẳng thừng tuyên bố rằng IMF sẽ không tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine nếu như mức độ tham nhũng ở Ukraine không thay đổi.
Theo các thống kê của hãng Transparency International, Ukraine là quốc gia đứng đầu trong khối các nước thuộc không gian hậu Xô Viết xét về tình trạng tham nhũng trong năm 2015.
Trong tháng 1/2016, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã bày tỏ quan ngại về việc Ukraine không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong quá trình tiến hành các cuộc cải cách, và cụ thể là không đạt được tiến bộ nào trong vấn đề chống tham nhũng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalia Yaresko trong tháng 12/2015 đã từng lên tiếng khẳng định rằng Ukraine rất cần đến gói cứu trợ thứ ba của IMF để thực hiện các cuộc cải tổ ở nước này.
Tuy nhiên, với những tuyên bố trên của các chính khách phương Tây, ngày Ukraine được nhận gói cứu trợ thứ ba của IMF (có giá trị 1 tỷ USD) để thực hiện các cuộc cải cách xem ra vẫn còn xa vời.