Theo The Diplomat, giả sử một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nói cách khác là một cuộc chiến trên biển Hoa Đông bùng nổ, Mỹ sẽ có hành động phản ứng. Bởi suốt 7 thập niên qua, Mỹ và Nhật Bản đã xây dựng một mối quan hệ hợp tác an ninh vô cùng thân thiết.
Ngoài ra, hiện nay, khoảng 50.000 quân nhân Mỹ đang làm nhiệm vụ tại các căn cứ quân sự trên đất Nhật Bản. Hồi tháng Tư, Tổng thống Barack Obama còn tiến hành ký kết bản "Hiệp ước an ninh song phương" bao gồm cam kết bảo vệ quần đảo tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh, Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Theo đó, ông Obama nhấn mạnh Mỹ "chắc chắn" sẽ thực hiện cam kết an ninh với các đối tác quân sự. Nếu như cuộc chiến với Trung Quốc xảy ra, điều gần như chắc chắn là Mỹ sẽ đưa ra một vài phương án hỗ trợ quân sự cho đồng minh thân cận nhất tại khu vực châu Á này.
Tuy nhiên, dù Mỹ đã cam kết bảo vệ Nhật Bản trước mọi cuộc tấn công bên ngoài, vậy tại sao việc Washongton sẽ hỗ trợ Tokyo trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc vẫn bị giới chuyên gia đánh giá là mơ hồ.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Obama đã được các phóng viên đặt câu hỏi liệu rằng Mỹ có cân nhắc điều động lực lượng quân sự tới hỗ trợ Nhật Bản bảo vệ các hòn đảo bị quân đội Trung Quốc tấn công. Tổng thống Mỹ sau đó đã đưa ra câu trả lời khá lúng túng với ngụ ý rằng nếu tuyên bố ban đầu của ông rơi vào "giới hạn đỏ", chính quyền Mỹ sẽ không có trách nhiệm làm theo.
Trong khi, nếu muốn đưa ra một câu trả lời chắc chắn về việc hỗ trợ quân sự cho Nhật Bản chống lại Trung Quốc, ông Obama sẽ chỉ cần đưa ra câu trả lời đơn giản là: "Có, chúng tôi sẽ làm như vậy".
Nguyên nhân khiến Tổng thống Obama đưa ra câu trả lời mập mờ như vậy là do vấn đề hỗ trợ quân sự cho Nhật Bản hiện vẫn đang là đề tài tranh cãi khá gay gắt trong giới chính trị Mỹ. Do đó, điều sai lầm là khi chúng ta cho rằng lời nói nước đôi của ông Obama chỉ là lỡ lời hay bối rối chính trị.
Ngoài ra, lời nói nước đôi của Washington cũng hàm ý tránh dẫn tới một cuộc chiến khi chưa thực sự cần thiết. Thực tế, đối với các nhà hoạch định chính sách quốc phòng và cả cộng đồng Mỹ, việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điều không cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh cắt giảm ngân sách quốc phòng, việc Mỹ dùng người và tài sản tới bảo vệ một hòn đảo nằm xa lãnh thổ Nhật Bản trong khi Tokyo hoàn toàn đủ năng lực cả về người và vật chất để bảo vệ, thực sự là điều lãng phí.
Rõ ràng, Mỹ muốn tham gia vào các vấn đề an ninh của Nhật Bản nhưng Washington vẫn muốn tranh rơi vào một cuộc chiến với Trung Quốc trong khi viễn cảnh này hoàn toàn có thể tránh được.
Theo tác giả Jake A. Douglas, Mỹ chắc chắn sẽ hỗ trợ quân sự cho Nhật Bản nhưng chỉ nằm trong giới hạn nhất định. Washington sẽ đối mặt giữa 2 lựa chọn căn bản là hỗ trợ quân sự trực tiếp hay gián tiếp. Trong đó, nhiều khả năng chính phủ Mỹ sẽ điều quân và khí tài tới thẳng vùng chiến sự. Đây là phương án từng được nhóm chính trị gia cấp cao đã nghỉ hưu của Mỹ đưa ra sau sự kiện Trung Quốc đơn phương thiết lập "vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013.
Lo sợ về việc làm gia tăng thêm căng thẳng hay đơn giản là tham gia quá mức cần thiết, Mỹ sẽ để Nhật Bản tự lo giải quyết các vụ đụng độ quy mô nhỏ trên biển Hoa Đông. Nếu không may viễn cảnh này xảy ra, Mỹ sẽ chủ yếu hỗ trợ về mặt hậu cần bao gồm cung cấp hình ảnh vệ tinh cùng máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).
Trong khi đó, các nhóm tác chiến tàu sân bay và phi đội máy bay ném bom B-2 của Mỹ sẽ chỉ xuất hiện từ đằng xa để cảnh báo Trung Quốc rằng Washington sẵn sàng can thiệp nếu Bắc Kinh cố tình làm tình hình căng thẳng leo thang. Phương án tiếp cận gián tiếp này hiện đang nhận được sự đồng tình của nhiều chính trị gia tại Mỹ.
Về phía mình, Nhật Bản đã nhận thức rõ rằng khoản hỗ trợ quân sự của Mỹ sẽ chỉ có giới hạn. Do đó, Tokyo đã tăng cường cải cách quân sự và quốc phòng. Nhật Bản cũng thừa biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ "phí máu" để bảo vệ quần đảo Senkaku. Nhật Bản sẽ phải lựa chọn giữa 2 phương án. Thứ nhất, quốc gia này có thể gây áp lực buộc Mỹ tăng cường các cam kết bảo vệ an ninh hoặc cảnh báo mối quan hệ đồng minh giữa hai nước có thể bị sứt mẻ. Thứ hai, Nhật Bản sẽ buộc phải chấp nhận khoản hỗ trợ giới hạn từ Mỹ và học cách thích nghi dần.
Tuy nhiên, tác giả Douglas cho rằng Tokyo sẽ chọn phương án thứ hai. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang nhanh chóng cải tiến để đáp ứng được các yêu cầu năng lực mới phù hợp với công tác bảo vệ những hòn đảo xa xôi và dịch chuyển trọng tâm sang khu vực tây nam.
Hồi tháng Ba, phát biểu trước ủy ban Mỹ, Yukio Okamoto, cố vấn đặc biệt cho nhiều đời Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo sẽ không yêu cầu Mỹ hỗ trợ quân sự trực tiếp trong hoàn cảnh bảo vệ quần đảo Senkaku. Đây chính là lý do mà cả Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Ngoại giao Itsunori Onodera khẳng định điều đầu tiên là Nhật Bản phải tự có trách nhiệm bảo vệ mình.
Dù Mỹ có lựa chọn phương án can thiệp nào đi chăng nữa nếu không may, một cuộc chiến bùng nổ với Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã tiên lượng được rằng đây sẽ là sự hỗ trợ gián tiếp.