Mỹ phải duy trì sức ép nếu muốn đối đầu với "cây đinh ba" của TQ

Hải Võ |

Theo chuyên gia Mỹ, nếu muốn ngăn chặn Trung Quốc "manh động" trên Biển Đông, Washington phải duy trì được "sức ép quân sự mạnh mẽ".

Trang Đa Chiều cho hay, tại Đối thoại Shangri-la 2015 diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã chỉ trích đích danh Trung Quốc có hành vi quân sự hóa tại các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng, cải tạo trái phép trên Biển Đông.

Ông Carter cho rằng, Trung Quốc đang phá hoại hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời phủ nhận hoàn toàn những tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh về chủ quyền đối với khu vực 12 hải lý của các đảo đá bị xâm phạm nói trên.

Giới quan sát nhận xét, trong 1 tuần trở lại đây, người đứng đầu Lầu Năm Góc luôn thể hiện thái độ rất cứng rắn đối với Trung Quốc xoay quanh vấn đề Biển Đông.

Bối cảnh mà ông Carter khẳng định lập trường cứng rắn của quân đội Mỹ chính là để thực thi chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Tổng thống Barack Obama.

Mặc dù nhà cầm quyền tại Washington định nghĩa chiến lược này là sự "xoay trục" toàn diện của Mỹ sang châu Á cả về kinh tế, mậu dịch, văn hóa và quân sự, nhưng chính phủ và truyền thông Trung Quốc nhiều lần "tố" chiến lược của Mỹ "thuần túy về quân sự".

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal (Mỹ) chỉ trích, chiến lược quân sự của Mỹ chẳng khác nào hành động xây dựng "đồng minh chống Bắc Kinh" ở xung quanh Trung Quốc.

Đại diện của Trung Quốc - Đô đốc hải quân Tôn Kiến Quốc - tại Đối thoại Shangri-la 2015. Ảnh: AP.

Đại diện của Trung Quốc - Đô đốc hải quân Tôn Kiến Quốc - tại Đối thoại Shangri-la 2015. Ảnh: AP.

Trang Defense News (Mỹ) bình luận về bài phát biểu của Bộ trưởng Carter tại Đối thoại Shangri-la sáng 30/5 cho rằng, ông Carter và chính quyền của Tổng thống Obama đang hành động thận trọng, bên cạnh những tuyên bố cứng rắn.

Một mặt, Mỹ cần tỏ rõ lập trường để làm yên lòng các đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời vẫn giữ vững vị thế của mình trong khu vực.

Mặt khác, theo Defense News, Washington vẫn phải thận trọng và không thể "làm quá căng" với Bắc Kinh, dẫn đến tình hình căng thẳng ngày càng leo thang.

Trước khi Đối thoại Shangri-la diễn ra, đã có nhiều tờ báo quốc tế bày tỏ quan ngại rằng diễn biến căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông trong nhiều tuần gần đây có thể dẫn đến xung đột quân sự.

Thậm chí, đã có không ít chuyên gia, học giả phán đoán rằng nếu Mỹ kiên quyết không từ bỏ hoạt động trinh sát và gìn giữ tự do hàng hải ở Biển Đông thì "trận đại chiến" giữa Trung-Mỹ là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, giáo sư Andrew Erickson của Học viện chiến tranh hải quân Mỹ hôm 30/5 đánh giá, sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông ngày nay "không phải nước nào cũng có thể đánh bại được".

Theo ông Erickson, để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực giải quyết các mâu thuẫn trên Biển Đông, Mỹ buộc phải đối đầu với "cây đinh ba" của Bắc Kinh gồm Hải quân, hải cảnh và lực lượng phi quân sự (bị Bắc Kinh lợi dụng vào mục đích chiến lược).

Do đó, Erickson chỉ ra, ngoài việc thắt chặt các mối quan hệ hợp tác với đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ bắt buộc phải duy trì được "sức uy hiếp quân sự mạnh mẽ", để áp đảo được Trung Quốc đang không ngừng mở rộng "kho vũ khí" của mình.

Thế nhưng, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Washington, bởi đến nay quân đội Mỹ vẫn đang sa lầy tại cuộc chiến tranh Iraq cũng như "dư âm" của cuộc chiến này.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
Daniel Russel
Không một ai có đầu óc bình thường lại tìm cách ngăn cản Hải quân Mỹ thực thi nhiệm vụ của mình. Đó là hành động vô cùng thiếu khôn ngoan và không đáng để thử.

Đối thoại Shangri-la là "bước đệm" cho cuộc đấu trí Trung-Mỹ

Theo Đa Chiều, một nguyên nhân khác khiến Ashton Carter giữ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh chính là để tìm kiếm cơ hội đối thoại với quân giải phóng Trung Quốc (PLA), nhất là trong bối cảnh Đối thoại kinh tế và chiến lược Trung-Mỹ sắp diễn ra.

Trong đó, đối thoại quân sự được đánh giá sẽ là "cơ hội cọ xát lớn" đối với song phương. Do đó, động thái leo thang căng thẳng Biển Đông từ cả Bắc Kinh và Washington cũng được cho là nhằm tạo cơ sở để làm "vốn liếng" trên bàn nghị sự này.

Ngoài ra, tại Đối thoại Shangri-la vừa kết thúc ngày 31/5, mặc dù ông Ashton Carter và người đứng đầu đoàn đại biểu Trung Quốc Tôn Kiến Quốc không tổ chức đối thoại song phương, song một cuộc hội đàm quy mô nhỏ giữa quan chức 2 bên cũng đã được cử hành.

Đối thoại Shangri-la và căng thẳng trên Biển Đông là bước đệm để Trung-Mỹ tiến hành Đối thoại kinh tế và chiến lược?

Đối thoại Shangri-la và căng thẳng trên Biển Đông là "bước đệm" để Trung-Mỹ tiến hành Đối thoại kinh tế và chiến lược?

Đa Chiều nhận xét, bên cạnh các tuyên bố cứng rắn thì Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp ngoại giao trong quan hệ quân sự Trung-Mỹ và nhiều lần tuyên bố chiến lược của Washington "không nhằm vào Trung Quốc".

Tân Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cũng nói trong cuộc họp báo tối 30/5 rằng - "Xung đột không có lợi cho hoạt động thương mại".

Bản thân Bộ trưởng Carter và Đô đốc Harris đều được đánh giá là các nhà ngoại giao quân sự theo mô hình "trí tuệ và chiến lược".

Trong khi đó, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc cũng là chuyên gia chiến lược được Bắc Kinh trọng điểm bồi dưỡng, từng giữ chức Hội trưởng Hội chiến lược quốc tế Trung Quốc.

Vì vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc "đối đầu" vừa qua tại Đối thoại Shangri-la giữa các lãnh đạo quốc phòng Trung-Mỹ trên thực tế là một cuộc so kè về "lý thuyết" cũng như nghệ thuật ngoại giao quân sự, chứ không chỉ là cuộc "đấu võ mồm".

Phó Tổng thống Mỹ
Joe Biden
Trung Quốc đang xây đường băng, đặt giàn khoan, áp dụng lệnh đánh bắt cá đơn phương trong các lãnh thổ chiếm đoạt phi pháp, tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, cải tạo dất đai... Căng thẳng đang dâng cao. Như tôi nói, căng thẳng dâng cao nhưng chúng ta sẽ có mặt ở đó để gìn giữ hòa bình. Đó là lý do tại sao 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ được đóng ở Châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại