Mỹ nên cảm ơn Nga
Theo nhà sáng lập kênh truyền hình Mỹ CNN, Reese Schonfeld, Tổng thống Nga Putin cũng chỉ hành động giống như nguyên thủ của nhiều quốc gia khác trên thế giới là xuất phát từ lợi ích người dân của họ.
Chính vì lợi ích của nước Nga mà Putin ủng hộ quan điểm của Mỹ trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân của Iran.
Cần nhận thấy rằng, thỏa thuận khung của Nhóm P5+1 với Iran vừa được thông qua ngày 2/4 hoàn toàn dựa trên cơ sở nguyên tắc mà Nga đưa ra là tôn trọng quyền của Iran phát triển công nghệ hạt nhân và nước này phải từ bỏ ý định chế tạo vũ khí hạt nhân.
Vì vậy, Schonfeld cho rằng, Mỹ nên cảm ơn Nga đã ủng hộ cộng đồng quốc tế thuyết phục Iran từ bỏ ý định phát triển loại vũ khí nguy hiểm này.
Nhận định về nguyên nhân cuộc khủng hoảng Ukraine, Schonfeld cho rằng, Mỹ lợi dụng chuyện lật đổ chính thể của Ukraine để hủy hoại mối quan quan hệ gắn bó giữa nước này với Nga.
Dĩ nhiên, trong điều kiện đó, Putin không thể không ủng hộ những người dân Ukraine có tình cảm gắn bó với nước Nga. Việc Nga sáp nhập Crimea cũng xuất phát từ lợi ích của nước Nga, củng cố và nâng cao niềm tự hào của người dân Nga.
Điều này giải thích vì sao uy tín của Tổng thống Nga Putin cao tới mức chưa từng có.
Tổng thống Nga Putin
Schonfeld lưu ý, hiện NATO vẫn tiếp tục trang bị cho các nước Đông Âu, lôi kéo họ xa lánh Nga. Trong điều kiện đó, Tổng thống Putin đã hành động như bất kỳ một nguyên thủ quốc gia nào khác là phải áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia từ biên giới phía Tây.
Theo Schonfeld, ký ức lịch sử vẫn còn đó: Hàng triệu người Nga hy sinh trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Do đó, Putin phải chăm lo bảo đảm an ninh và an toàn cho biên giới phía Tây của nước Nga, chứ hoàn toàn không có ý định tấn công bất cứ ai. Đó cũng là điều hoàn toàn có thể giải thích được.
“Trận Stalingrad thời hiện đại”
Theo chuyên gia kinh tế hàng đầu Brazil, Antonio Zhelish, chiến dịch bao vây cấm vận kinh tế đối với Moscow do Mỹ và một số nước phát động nhằm gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng ở Nga.
Mục đích là khiến người dân Nga nổi loạn, lật đổ Tổng thống Nga Putin, từ đó buộc Moscow phải “quỳ gối” và “nhất cử nhất động nghe theo lời chỉ bảo” từ Washington.
Theo các cứ liệu lịch sử, trong trận Stalingrad, hai bên có tổng cộng 2,1 triệu quân, thậm chí có lúc lên tới 3 triệu, 2.100 xe tăng, trên 2.500 máy bay chiến đấu. Riêng phía Đức có hơn 1 triệu quân, 10.290 khẩu pháo, 675 xe tăng, và 1.216 máy bay.
Trong trận này, nước Đức và chư hầu có 144.000 quân bị bắt làm tù binh và 330.000 lính bị tiêu diệt. Thất bại của phát xít Đức trong trận Stalingrad đã thay đổi căn bản cục diện Thế chiến II, trong đó ưu thế đã hoàn toàn thuộc về Hồng quân Liên Xô.
Tuy nhiên, Mỹ và Phương Tây lại bị rơi vào tình cảnh một “trận chiến Stalingrad thời hiện đại” với kết cục có thể dự báo trước là thất bại có ý nghĩa quyết định, có thể dẫn tới hậu quả tương tự như Adolf Hiter đã từng nếm trải trong trận quyết chiến chiến lược bên bờ sông Volga trong Thế chiến II.
Theo Antonio Zhelish, Phương Tây đang chìm đắm trong những ảo vọng, khi họ xuất phát từ quan niệm của một xã hội coi tham vọng tiêu dùng cá nhân là trên hết để suy xét rằng người Nga do tác động của bao vây cấm vận sẽ lâm vào cảnh “chết đói trên đường phố”, “chết rét trong bão tuyết băng giá” và “sẽ nổi dậy”.
Tuy nhiên, họ không thể hiểu được tính cách của người Nga đã từng được thể hiện sinh động ở khả năng chịu đựng vô song và quật khởi trong cuộc bao vây nhiều tháng liền của phát xít Đức ở thành phố Leningrad hồi Thế chiến II.
Họ cũng không hiểu được sức mạnh vô biên của lính Nga trong tình thế bị quân Đức dồn tới sát bờ sông Volga, đã bất ngờ mở cuộc phản công dũng mãnh, đánh bật kẻ thù, giành thắng lợi hoàn toàn, ghi dấu ấn lịch sử về trận quyết chiến chiến lược vĩ đại Stalingrad.
Những tính toán sai lầm của Mỹ và phương Tây
Từ sự phân tích khoa học, Antonio Zhelish đã nêu bật những tính toán sai lầm của Phương Tây do Mỹ đứng đầu trong cuộc bao vây cấm vận Nga.
Một là, các biện pháp cấm vận Nga đã gây thiệt hại nặng nề đối với chính các nước Châu Âu, ước tính có thể lên tới hàng ngàn tỷ Euro. Ngay cả nền kinh tế đầu tàu của EU là Đức cũng bị chao đảo do tác động ngược từ các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga.
Đó là chưa kể các nền kinh tế khác trong EU quá phụ thuộc vào nền kinh tế Nga. Ví dụ điển hình là Bulgaria do chịu sức ép của Mỹ đã rút khói đề án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Nam”.
Đáp trả, Tổng thống Nga Putin chuyển sang ký hợp đồng khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế đề án này.
Như tỉnh giấc mộng và bị rơi vào tình trạng hoảng loạn trước quyết định bất ngờ của Tổng thống Putin, Bulgary nhóm họp khẩn cấp với EU để quyết định quay trở lại tham gia “Dòng chảy Phương Nam”. Tuy nhiên, quyết định đó đã quá muộn.
Hai là, Mỹ và Phương Tây áp dụng sách lược của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong những năm 1980 đối với Liên Xô, thao túng giá dầu, khiến đồng rúp của Nga mất giá, với toan tính làm sụp đổ nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, họ không tính tới một thực tế là thu nhập của các công ty Nga từ việc bán sản phẩm ra nước ngoài được tính bằng USD.
Tuy thu nhập này có bị giảm do giá dầu giảm trên thị trường thế giới, nhưng lại được bù đắp “nhờ” sự giảm giá mạnh của đồng rúp trên thị trường trong nước, vì toàn bộ chi phí khai thác dầu của Nga được thanh toán bằng đồng rúp, chứ không phải bằng USD.
Do đó, Nga chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ USD để chuyển đổi sang đồng rúp cũng đủ trang trải cho khoản chi phí này.
Ngoài ra, chi phí sản xuất dầu ở Nga được tính bằng đồng rúp nên thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất dầu từ đá phiến ở Mỹ được tính theo USD, nên giá dầu thấp trên thị trường thế giới gây thiệt hại đối với Mỹ nhiều hơn so với Nga.
Hiện nay, hàng loạt công ty thăm dò và khái thác dầu từ đá phiến của Mỹ đã phải ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.
Ba là, lo ngại khi đồng rúp giảm giá quá nhanh, có thể nói là gần như thả nổi, nhiều tập đoàn tài chính phương Tây từng sở hữu khối lượng cổ phần rất lớn của các công ty dầu mỏ và khí đốt Nga đã vội vàng bán tháo cổ phiếu của họ do sợ “trắng tay” nếu kinh tế Nga phá sản.
Putin đã lệnh cho các ngân hàng Nga bỏ tiền ra mua hết toàn bộ khối lượng cổ phần đó. Như vậy, chỉ cần một “nước cờ”, nhiều công ty năng lượng của Nga đã thu về toàn bộ tài sản của mình mà trước đó nằm trong tay các tập đoàn tài chính phương Tây.
Hiện nay, đồng rúp đang tăng giá trở lại. Đến khi “những con cá mập tài chính” ở phương Tây nhận ra “nước cờ chiếu tướng” này của Putin và các ngân hàng Nga thì đã quá muộn.
Họ đã phải chấp nhận thua cuộc và phải chứng kiến nụ cười “tươi như hoa” của Putin trước khi mở đầu cuộc họp báo lớn cuối năm 2014.
Bốn là, dư luận Phương Tây vẫn cho rằng, giá đồng rúp giảm sẽ tạo ra những khó khăn kinh tế-xã hội trầm trọng đối với Nga, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
“Trong cái khó ló cái khôn”. Putin đã sử dụng một khoản dự trữ ngoại tệ tính bằng USD để chuyển sang đồng rúp và nhận được khoản ngân sách lớn mà trong điều kiện giá đồng rúp cao không thể có được, để trả lương và chi cho các chương trình phúc lợi xã hội.
Do đó, cuộc sống của người dân Nga vẫn được duy trì ở chế độ bình thường và Moscow đã hạn chế được tác động tiêu cực từ bao vây cấm vận của Phương Tây.
Năm là, hệ thống chính trị, nền kinh tế và cả xã hội Nga có bước trưởng thành vượt bậc trước cuộc bao vây cấm vận của Mỹ và Phương Tây.
Không cần phải tuyên truyền gì nhiều, đa số người dân Nga đã hiểu ra bản chất của những gì ẩn dấu đằng sau những khẩu hiệu tuyên truyền về “giá trị Châu Âu, “văn minh”, “dân chủ” và “nhân quyền” trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Điều này giải thích vì sao uy tín của Tổng thống Nga tăng vọt trong bối cảnh Mỹ và Phương Tây ráo riết bao vây cấm vận Nga.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan.
Sáu là, bằng hành động bao vây cấm vận Nga, Mỹ đã đẩy Nga liên minh ngày càng bền chặt với Trung Quốc.
Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin đã có bước cải thiện đáng kể quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO do Mỹ đứng đầu, bằng việc hai nước ký “hợp đồng thế kỷ” về khí đốt.
Nga cũng đã cải thiện và tăng cường quan hệ với nhiều nước trên thế giới, từ Châu Á, tới Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh mà không hề bị cô lập.
Chuyên gia phân tích Antonio Zhelish còn nêu lên 3 sai lầm của phương Tây khi dự báo hành động của Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Về khả năng Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và các nước phương Tây cho rằng Putin sẽ không thể làm được điều đó vì người dân vùng đất này sẽ chọn “các giá trị Phương Tây” chứ không chọn “các giá trị Nga”.
Kết quả là, gần 90% người dân Crimea đã chọn “các giá trị Nga” và con đường trở về sáp nhập với Nga.
Sau sự kiện Crimea, phương Tây lại phạm sai lầm thứ hai khi nhận định rằng, Nga sẽ thất bại khi ủng hộ người dân ở đông nam Ukraine.
Họ một mực khẳng định, chính quyền Kiev sẽ ngay lập tức dập tắt làn sóng phản đối của người dân ở đông nam. Kết quả là, hai khu vực quan trọng nhất của Ukraine là Donetsk và Lugansk đã làm phá sản “chiến dịch chống khủng bố” của Kiev và tuyên bố độc lập.
Theo Antonio Zhelish, với những tính toán sai lầm chiến lược như vậy, Mỹ và phương Tây đang đứng trước nguy cơ thất bại trong “trận chiến Stalingrad thời hiện đại” mà hậu quả không kém gì đại bại của phát xít Đức trong trận chiến trên bờ sông Volga thời 1942-1943.
Vì thế, kết cục cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ thay đổi căn bản cục diện ở Châu Âu, thậm chí cả thế giới.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.