Ông Kirby cho biết: "Tôi không muốn nói rằng chúng tôi ủng hộ hay không ủng hộ (hành động của Thổ Nhĩ Kỳ).
Tôi chỉ muốn nêu ra rằng, bất kỳ quốc gia nào muốn áp dụng bất cứ hành động nào chống lại Nhà nước hồi giáo (IS) trong lãnh thổ Iraq đều cần phải có sự chấp thuận của chính phủ Iraq."
Ông nhấn mạnh: "Đây là vấn đề mà Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cần giải quyết theo lộ trình song phương".
Tuy nhiên, bằng việc thừa nhận "cần sự chấp thuận của chính phủ Iraq", Mỹ dường như không thể bác bỏ thự tế rằng Baghdad đang liên tục phản đối và yêu cầu Ankara rút quân, thậm chí đe dọa khiếu nại lên Liên Hợp Quốc.
Về phía Lầu Năm Góc, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định quân đội Mỹ "sẵn sàng tăng cường hỗ trợ quân sự để giúp Iraq chiếm lại thành phố Ramadi từ tay IS".
Ông Carter cũng không loại trừ khả năng cung cấp trực thăng tấn công và cố vấn cho quân đội Iraq nếu nhận được đề nghị từ Thủ tướng Haider al-Abadi.
Tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ được đánh giá là "không thể khác hơn", trong bối cảnh chính sách Trung Đông của Mỹ khiến Baghdad lo ngại về khả năng nước này kiềm chế được đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, và do đó nghiêng về tìm sự trợ giúp của Nga, Iran.
Tuy nhiên, đại diện Nhà Trắng Josh Ernest cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa phê chuẩn việc huy động trực thăng tới Iraq.
Ông Ernest phát biểu trước truyền thông: "Bất cứ quyết định điều động quân sự nào đều phải xuất phát từ yêu cầu của Thủ tướng Iraq, đồng thời được Tổng thống Mỹ phê duyệt. Hiện Tổng thống Obama chưa thông qua quyết định."
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 10/12 khẳng định, Moscow coi việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Iraq là hành động "ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế".
Cùng ngày, Bộ ngoại giao Iraq xác nhận đoàn đại biểu Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt tại Baghdad để thảo luận về vụ "xâm phạm lãnh thổ" này.
Tổng thống Erdogan tái khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút quân khỏi lãnh thổ Iraq. Ảnh: AA
Chính quyền Iraq khẳng định, các binh sĩ và xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào địa phận tỉnh Nineveh của Iraq với lý do huấn luyện quân tình nguyện Peshmerga người Kurd chống IS mà không được sự cho phép của Baghdad.
Theo Sputnik, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thì tuyên bố "chính Thủ tướng Iraq al-Abadi đề nghị Ankara bố trí quân tại căn cứ miền Bắc Iraq từ năm 2014".
Ông Erdogan khẳng định các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ có mặt ở Iraq để huấn luyện lực lượng người Kurd chứ không phải vì mục đích chiến đấu.
Cũng theo nhà lãnh đạo này, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và chính quyền người Kurd ở miền Bắc Iraq sẽ nhóm họp 3 bên vào ngày 21/12 tới.
Iraq cũng đưa ra thời hạn cuối cùng và yêu cầu Ankara rút quân trong 48 tiếng. Thời hạn này đã hết từ hôm 8/12 nhưng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối rút quân với lý do "phải bảo vệ an toàn cho các chuyên gia đang làm nhiệm vụ huấn luyện".